Tìm thấy điểm nóng, chống tham nhũng càng hiệu quả...

Với những điểm nóng đã lộ diện cần tập trung tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, phòng, chống, nhưng cũng không lơ là những lĩnh vực khác.

Những năm qua, dư luận ghi nhận nhiều trường hợp CSGT bị điều chuyển, bị xử lý nghiêm khắc tại nhiều tỉnh, thành, địa phương trên cả nước. Điển hình phải kể đến Quyết định kỷ luật và đề nghị kỷ luật ở Đồng Nai mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố; Hay việc xử lý 21 cán bộ, chiến sĩ CSGT của Hà Nội bị tố làm luật với người vi phạm; 9 CSGT Tiền Giang bị yêu cầu kỷ luật vì có hành vi tiêu cực... đã cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, hiệu quả, "không có vùng cấm".

Cựu CSGT CA tỉnh Đồng Nai - nay là bị can Nguyễn Cảnh Chân đang bị điều tra vụ 'Logo xe vua'. Ảnh: 24h

Cựu CSGT CA tỉnh Đồng Nai - nay là bị can Nguyễn Cảnh Chân đang bị điều tra vụ 'Logo xe vua'. Ảnh: 24h

Bình luận thêm về việc này, ĐBQH khóa XIV, Phạm Văn Hòa cho rằng: tình trạng tham nhũng vặt vẫn luôn được nhắc đến tại các báo cáo về kết quả phòng, chống tham nhũng của các cơ quan chống tham nhũng thời gian qua. Đây là vấn nạn gây bức xúc cần phải ngăn chặn triệt để.

Điều ông lo ngại hơn là khi tham nhũng vặt trở nên khá phổ biến, len lỏi vào mọi ngóc ngách, mọi lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân. Vì lý do này, không chỉ có CSGT mới là "điểm nóng", lĩnh vực thuế, hải quan cũng ghi nhận hàng trăm cán bộ, lãnh đạo bị xử lý. Ví dụ như một loạt cán bộ hải quan Quảng Ninh do có liên quan đến vụ "cả gia đình buôn lậu"; nghi vấn cán bộ hải quan nhận hối lộ 25 triệu yên của công ty Tenma Việt Nam... còn rất nhiều trường hợp khác đã bị xử lý hoặc đang chờ xử lý. Như vậy, tham nhũng vặt đã lộ diện tại những lĩnh vực, những điểm nóng, đặt ra yêu cầu cần phải tăng cường kiểm tra giám sát đặc biệt nhằm ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Vị đại biểu cũng lưu ý, với các hành vi tham nhũng vặt dễ bị phát giác, lộ diện, đó là những hành vi vòi vĩnh, xin xỏ, chạy chọt thì việc xử lý cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vẫn có những hành vi tham nhũng, tiêu cực tinh vi, kín đáo hơn, thậm chí, tham nhũng lại trở thành cuộc thỏa thuận ngầm "đôi bên cùng có lợi" khiến việc phát hiện, tố giác, phòng, chống trở nên phức tạp khó khăn hơn nhiều. Đó là tình trạng bảo kê, là tình trạng thỏa thuận nộp tiền phạt vi phạm- tức là khi sai phạm, tham nhũng lại nhận được sự đồng thuận của cả bên vi phạm không chỉ khiến việc tố giác sai phạm bị hạn chế mà còn gây cản trở, khó khăn trong công tác phòng, chống tham nhũng, khiến tình trạng tham nhũng càng trở lên nhức nhối, bức xúc.

Ông Hòa cũng nhấn mạnh, với những điểm đen đã lộ diện cần tập trung tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, phòng, chống, nhưng bên cạnh đó cũng không lơ là cảnh giác, tăng cường đề phòng, xử lý với những lĩnh vực khác. Ví dụ trong xây dựng cơ bản, đấu thầu, đấu giá, dù các hành vi tham nhũng không dễ bị phát hiện nhưng qua hàng loạt các vụ án lớn đã và đang được xử lý thời gian qua đã cho thấy vấn nạn tham nhũng tại các lĩnh vực này cũng gây nhiều bức xúc.

Chỉ cần một sự móc ngoặc, thông đồng, bắt tay với nhau để trúng giá một lô đất, một dự án xây dựng hạ tầng thì số tiền có nguy cơ thất thoát, rơi vào tay nhóm tham nhũng đã lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Chỉ cần một sự thỏa thuận trích phần trăm nhỏ trong thực hiện dự án hạ tầng xây dựng, mỗi bên cũng đã có cơ hội đút túi hàng trăm tỷ đồng từ dự án.

"Tôi lo ngại nhất là từ tham nhũng vặt, tới tham nhũng lớn, các đối tượng bắt tay, kết nối, dần hình thành đường dây bảo kê, người thực thi pháp luật lại đồng lõa, thỏa hiệp với người vi phạm khiến công cụ pháp luật bị méo mó, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Điển hình như ở Đồng Nai, một trong những điểm nóng của tội phạm trong thời gian vừa qua và cũng là nơi đã có nhiều cán bộ, lãnh đạo CSGT đã phải chịu án kỷ luật.

Cơ quan có khả năng kiểm soát quyền lực của ngành công an chính là lực lượng thanh tra nội bộ, cụ thể là thanh tra ngành công an sẽ phải thực thi, thực hiện nhiệm vụ này. Chỉ khi làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra mới mong xử lý, thanh lọc, làm trong sạch nội bộ của ngành", ông Hòa nói.

Tương tự với với ngành thuế, hải quan, ông Hòa cũng lưu ý thêm với việc xuất hiện những vụ việc mới như vụ Tenma Bắc Ninh, vị đại biểu cho rằng tham nhũng, tiêu cực tại các dự án, công ty nước ngoài không phải mới nhưng phải đặc biệt lưu tâm. Bởi trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu vốn, các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài được khuyến khích mạnh nhưng cơ chế kiểm soát tiêu cực, tham nhũng nếu không được làm tốt không những sẽ gây mất uy tín với các nhà đầu tư nước ngoài mà sẽ là hòn đá tảng cản trở quá trình thu hút, phát triển trong nước. Vì lẽ này, ông Hòa cho rằng, các cơ quan phòng, chống tham nhũng cần kích hoạt đồng bộ các cơ chế phòng, chồng tham nhũng đồng thời phải chống tham nhũng ngay tại cơ quan chống tham nhũng, chống tham nhũng ngay tại cơ quan thực thi pháp luật.

"Khi phát hiện ra những sai phạm, phát hiện hành vi, đối tượng tham nhũng thì cần phải xử lý thật nghiêm, không có vùng cấm, vùng hạn chế, không cần quan tâm tới quan hệ nhân thân của đối tượng là ai để xử lý. Xử lý nghiêm chính là để phòng ngừa, răn đe, để đối tượng có ý đồ tham nhũng mới không ham, không muốn, và không dám tham nhũng nữa", ông Hòa nói rõ.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tim-thay-diem-nong-chong-tham-nhung-cang-hieu-qua-3425094/