Tìm thấy di cốt người tiền sử có niên đại cách đây 7.000 năm

Các nhà khoa học Việt Nam vừa tìm thấy di cốt của người tiền sử có niên đại cách đây 7.000 năm cùng rất nhiều di vật đa dạng như: đồ gốm, đồ đá, xương răng động vật vv… trong đợt khai quật khảo cổ mới đây tại hang động núi lửa Krông Nô (tỉnh Đắk Nông).

Việc phát hiện bộ xương người trong hang núi lửa này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, khi là phát hiện khảo cổ học về người tiền sử đầu tiên trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên.

Phát hiện này còn gây chấn động giới khoa học thế giới, do hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là một trong những hang động núi lửa lớn nhất và duy nhất phát hiện dấu tích sự sống con người thời tiền sử ở Đông Nam Á, vốn là điều rất hiếm gặp trong hang động núi lửa trên thế giới.

PGS.TS. Nguyễn Trung Minh, Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Đây là thông tin được Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam chính thức đưa ra tại hội nghị “Thông báo kết quả khai quật bước đầu trong hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” tổ chức ngày 18-9 tại Hà Nội với sự có mặt của GS.TS. Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cùng nhiều nhà khoa học, nhà khảo cổ học.

PGS.TS Nguyễn Trung Minh - Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, những phát hiện khảo cổ học này sẽ bổ sung một loại hình cư trú mới, một hướng thích ứng mới của cư dân tiền sử ở Tây Nguyên. Từ đó sẽ mở ra hướng nghiên cứu mới về khảo cổ học hang động núi lửa ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á. Phát hiện nói trên còn là một chứng cứ khoa học rất thuyết phục, có giá trị để bổ sung một cách đầy đủ, chi tiết vào hồ sơ UNESCO để xem xét, công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu đối với Công viên địa chất Krông Nô.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường giới thiệu di cốt người được tìm thấy tại nơi khai quật

Trước đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một số di chỉ, di vật khảo cổ ở Tây Nguyên, nhưng chưa từng có di chỉ, di vật khảo cổ nào ở trong các hang động núi lửa. Từ đầu năm 2017, các nhà nghiên cứu thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã phát hiện được các di tích và di vật khảo cổ với mật độ khá dày trong các hang động núi lửa Krông Nô, phổ biến là các mảnh gốm, công cụ đá, mảnh tước, xương răng động vật và cả vết tích của bếp lửa do người tiền sử sử dụng để lại.

Di cốt em bé 4 tuổi người tiền sử được phát hiện.

Kết quả khai quật trong hang động núi lửa này đã cho thấy những dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử: Sớm nhất có thể sơ kỳ Đá mới, tiếp sau là cư dân trung kỳ Đá mới mới đây khoảng 6.000- 7.000 năm, và cuối cùng con người rời hang vào Hậu kỳ Đá mới- sơ kỳ Kim khí cách đây khoảng 3.000 năm.

Đặc biệt, lần đầu tiên giới khoa học Việt Nam đã phát hiện di tích cư trú của người tiền sử trong hang động núi lửa, khi đã tìm thấy 3 di cốt người, gồm 2 di cốt người trưởng thành và một di cốt trẻ em khoảng 4 tuổi, sống cách đây khoảng 7.000 năm cùng hàng vạn vỏ ốc biển, các di vật đá, gốm, xương răng động vật, vỏ nhuyễn thể…

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam, trước 2015, chúng ta đã tìm kiếm rất nhiều và phát hiện nhiều công cụ của người cổ đại tại Tây Nguyên, nhưng chưa bao giờ tìm được di cốt của người trong môi trường núi lửa. Ngay sau khi tìm được di cốt của người tiền sử trong hang động núi lửa Tây Nguyên, PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã thông báo với giới khảo cổ nhiều nước Mỹ, Pháp, Indonesia, Trung Quốc và Nhật Bản, thì các nhà khoa học đều rất ngạc nhiên, vì họ không tin môi trường trong hang núi lửa lại có người sinh sống được. Khi chứng kiến những hình ảnh do PGS.TS Nguyễn Lân Cường gửi sang thì họ đều rất bất ngờ vì đây là trường hợp đầu tiên phát hiện được và cực kỳ hiếm gặp. “Vì thế, phát hiện này có thể coi là bước ngoặt của ngành cổ nhân học của Việt Nam”- PGS. Nguyễn Lân Cường nhấn mạnh.

Với những giá trị to lớn từ phát hiện quan trọng này, các chuyên gia đã kiến nghị: Di chỉ khảo cổ hang động núi lửa ở Krông Nô là di sản độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, vì vậy cần có hành lang pháp lý bảo vệ, bảo tồn và phát huy di sản. Hiện có một con đường bê tông được làm đi sâu vào lòng di sản, là nguy cơ phá hỏng di sản, vì thế đề nghị địa phương cần chỉ đạo khắc phục.

Một số di vật tìm thấy được trưng bày

Trước mắt, cần lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh, tiến tới cấp Quốc gia/Quốc gia đặc biệt. Đồng thời hiện vật khai quật được cần được bảo quản lưu giữ cẩn mật trong điều kiện tối ưu để bảo quản được lâu dài.

Thời gian tới cần tiếp tục mở rộng diện tích khai quật, phân tích AND, giám định thành phần chủng tộc người, làm rõ chủ nhân các nền văn hóa cổ nơi đây; phân tích niên đại để phác dựng quá khứ xa xưa của cư dân tiền sử trên đất Đăk Nông…Cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo tồn, quản lý và khai thác các giá trị di sản (đặc biệt là di chỉ khảo cổ) trong hang động núi lửa nói riêng và ở khu vực này nói chung.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/phat-hien-di-tich-cu-tru-cua-nguoi-tien-su-trong-hang-dong-nui-lua-gay-chan-dong-gioi-khao-co-511046/