Tìm ra 'virus của căn bệnh đô thị'

1.390 dự án có quy hoạch được điều chỉnh, thậm chí có dự án điều chỉnh quy hoạch đến 6 lần, và điều chỉnh theo ý nhà đầu tư - con số trong báo cáo Giám sát của Quốc hội. Phải chăng là nhà đầu tư mới là 'kẻ giật dây', là thứ 'virus' đích thực khiến quy hoạch đô thị trở nên chồng chất, méo mó, quá tải ở khắp nơi?!

Đoạn đường Lê Văn Lương (Hà Nội) có chiều dài đúng 2km nhưng đang tải tới 40 tòa cao ốc với những dự án có mật độ xây dựng lên tới hơn 60%. Hàng chục nghìn dân từ 6.000 căn chung cư cộng với toàn bộ lưu lượng từ hàng chục cao ốc khác từ Lê Văn Thiêm, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Tuân... tuyến đô thị hướng tâm giờ đây đã trở nên ùn tắc một cách nghiêm trọng, trở thành một “điểm đen” giao thông.

Phải nói 40 tòa cao ốc trên 2km đường giờ đã trở thành một ví dụ kinh điển cho sự yếu kém của quy hoạch thủ đô.

Nhưng quy hoạch khu vực Lê Văn Lương không phải là sự vô lý duy nhất, Hà Nội còn có Dự án 8B Lê Trực một điển hình của việc xây dựng sai giấy phép, tăng diện tích sàn xây dựng; tự ý tăng chiều cao các tầng. Còn có Tổ hợp HH1, HH2, HH3 và HH4 (Linh Đàm) với mật độ xây dựng được “điều chỉnh” từ 24,6% lên gần 40%, tầng cao trung bình từ 20-33 tầng lên tối đa 40 tầng... khiến dân cư phải tháo chạy khi “khu đô thị kiểu mẫu” này quá tải cả về hạ tầng, điện nước và trường lớp.

Nhưng Hà Nội không phải là cá biệt, “Báo cáo chưa đầy đủ” cho thấy cả nước có đến 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ 1-6 lần.

“Người ta” đã điều chỉnh để quy hoạch dồn dự án vào nội đô; “điều chỉnh” để tăng tầng cao, “điều chỉnh” để tăng số tầng, “điều chỉnh” để tăng diện tích sàn, “điều chỉnh” để chia nhỏ diện tích căn hộ, “điều chỉnh” để tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; “điều chỉnh” để giảm diện tích đất cây xanh công cộng hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng làm gia tăng chênh lệch địa tô, tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số...

“Căn bệnh đô thị” thật ra đã được nhìn thấy từ rất lâu, và Báo cáo giám sát lần này đã nhìn thẳng, đã chỉ rõ căn nguyên chí tử: “Việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện theo đề xuất của nhà đầu tư”.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng có lần nói thẳng: Chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội.

Chúng ta phải trả giá. Vấn đề chỉ ở chỗ “người ta” là ai và người ta chịu trách nhiệm như thế nào cho những quy hoạch bị giật dây, bị băm nát này.

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/tim-ra-virus-cua-can-benh-do-thi-d98543.html