Tìm quyết sách, giải pháp hữu hiệu giúp ĐBSCL phát triển bền vững

Kết thúc hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, Thủ tướng sẽ có kết luận chỉ đạo về các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: TTXVN)

Phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 18/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong phiên họp buổi sáng có 4 diễn đàn chuyên đề gồm: “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì; “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì; “Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì; và “Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.

Phiên họp buổi chiều do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với các báo cáo quan trọng như Báo cáo đánh giá tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP và các giải pháp cần thực hiện thời gian tới; báo cáo kết quả đạt được trong công tác quy hoạch, điều phối liên kết vùng; tình hình bố trí vốn và thu hút vốn đầu tư cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhiệm vụ trong thời gian tới; báo cáo giải pháp về tổ chức điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Các bộ trưởng các ngành liên quan cũng trình bày các báo cáo đánh giá kết quả đạt được trong công tác tái cơ cấu ngành, sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhiệm vụ trong thời gian tới; báo cáo đánh giá kết quả được về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và giải pháp phát triển hệ thống giao thông kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Báo cáo đánh giá kết quả đạt được về quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng xây dựng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhiệm vụ trong thời gian tới; báo cáo đánh giá kết quả đạt được trong công tác quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn và các hoạt động ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo về vai trò, giải pháp kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, các đối tác phát triển, các nhà khoa học, doanh nghiệp cùng trao đổi các vấn đề liên quan. Đặc biệt là phát biểu kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chiến lược phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trao đổi với báo chí trước Hội nghị, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan giao chủ trì đầu mối phối hợp tổ chức Hội nghị cho biết, hội nghị lần này được tổ chức nhằm đánh giá kết quả đạt được sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, triển khai Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.

Đồng thời, qua hội nghị cũng xác định các vấn đề đang tồn tại, hạn chế; xác định nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm, trong điểm có quy mô vùng, có tính lan tỏa và bảo đảm tính bền vững cũng như giải pháp có tính hệ thống và nguồn lực thực hiện trong thời gian tiếp theo mang tính khả thi và hiệu quả cao.

Theo ông Trần Hồng Hà, hội nghị cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP gồm: các hoạt động ưu tiên có quy mô vùng, mang tính bền vững và có tính lan tỏa; các giải pháp về cơ chế, chính sách, khoa học và công nghệ, nguồn lực, cơ chế điều phối vùng, đối tác công-tư trong triển khai thực hiện Nghị quyết.

Đồng thời, hội nghị cũng xác định mối quan tâm và định hướng cam kết của các đối tác phát triển hỗ trợ việc thực hiện Nghị quyết…, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân trong vùng.

Hội nghị được kỳ vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân trong vùng để đưa những nội dung của Nghị quyết vào thực tiễn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tận dụng thành công các cơ hội, từng bước chuyển hóa những thách thức thành các cơ hội mới.

Phát biểu tại diễn đàn "Giải pháp phát triển hệ thống giao thông kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long," ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cần tăng cường mời gọi đầu tư, đa dạng nguồn lực trong huy động để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các hạ tầng giao thông quan trọng có vai trò động lực, lan tỏa, liên kết vùng, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông quốc gia; nghiên cứu các giải pháp kết hợp hiệu quả nguồn vốn Trung ương và địa phương, vốn Nhà nước và xã hội trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Trước hết, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị với Chính phủ sớm cho phép thực hiện cơ chế tạo nguồn vốn để triển khai các dự án đường giao thông vành đai 3, vành đai 4 đi qua các tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn vốn ODA phục vụ các tuyến đường trọng điểm cho vùng nhằm giảm thiểu nạn ùn tắc giao thông trên toàn vùng.

Trong khi đó, tại diễn đàn "Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long," ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Qua hội nghị và các diễn đàn, chúng ta cần đưa ra được những quyết sách, giải pháp hữu hiệu trong 5 năm tới để giúp Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh, phát triển bền vững, trong đó cần xác định các nguồn lực cụ thể cũng như có cơ chế điều phối vùng hiệu quả.

Trước đó, nhận thức rõ các thách thức của biến đổi khí hậu đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày 13/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 417/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ với 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp gồm: Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản; xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu; đầu tư và phát triển hạ tầng; phát triển và huy động nguồn lực./.

Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tim-quyet-sach-giai-phap-huu-hieu-giup-dbscl-phat-trien-ben-vung/575425.vnp