Tìm phương án cho sách giáo khoa và trình độ giáo viên mầm non

Ngày 21-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về các dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật Kiến trúc.

Đại biểu QH thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

Đại biểu QH thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

Tìm phương án thống nhất sử dụng sách giáo khoa

Trong phiên làm việc buổi sáng, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), QH thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Các ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ QH, cho rằng dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) trình QH lần này đã được chỉnh lý theo hướng tích cực, thông qua công tác lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân cũng như các chuyên gia, nhiều nội dung quan trọng trong dự án Luật đã sát thực tiễn hơn. Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn về những điều khoản, quy định của dự án Luật.

Đối với vấn đề triển khai chương trình giáo dục phổ thông qua sách giáo khoa (SGK), đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc xã hội hóa công tác biên soạn SGK ở thời điểm hiện nay là rất cần thiết. Mặc dù vậy, SGK được biên soạn theo phương thức xã hội hóa vẫn phải bảo đảm khả năng sử dụng lâu dài, không thể mỗi năm lại lãng phí tiền của, thời gian để thay một bộ SGK khác. Mặt khác, dự án Luật phải có thêm những quy định cụ thể về sách tham khảo dành cho giáo viên để ngăn ngừa việc sử dụng sai mục đích, tránh dẫn đến dạy thêm, học thêm bằng sách tham khảo tràn lan, học sinh không học thêm thì không làm nổi bài tập, bài kiểm tra. Liên quan vấn đề này, có ý kiến khác cho rằng, SGK dùng trong giảng dạy phải được công bố trước thời điểm khai giảng năm học mới, để học sinh có thể chủ động tìm kiếm sớm, tránh tình trạng thừa, thiếu SGK cục bộ, gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh như thời gian qua.

Nhiều đại biểu băn khoăn đối với quy định UBND cấp tỉnh có quyền lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), quy định này có thể gây ra tình trạng “loạn” SGK, bởi mỗi trường sẽ có một kiểu học và thi theo loại SGK đã chọn. Quy định như vậy sẽ tạo ra nhiều lỗ hổng trong quá trình biên soạn, lựa chọn SGK, tiềm ẩn những ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh. Trong khi đó, về quy định giao quyền thành lập Hội đồng thẩm định SGK cho Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, có ý kiến cho rằng, quyền hạn này nên được Thủ tướng Chính phủ đảm nhiệm nhằm bảo đảm tính đa dạng, uy tín của Hội đồng.

Xem xét nâng chuẩn giáo viên mầm non

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu tán thành với việc nâng chuẩn giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng sư phạm. Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) phân tích: Giáo viên mầm non là công việc có tính chất đặc thù khác biệt so với giáo viên ở các cấp học còn lại. Đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ mầm non khiến đội ngũ giáo viên ở cấp học này giữ vai trò nền tảng cho sự phát triển đầu đời, hình thành nhân cách. Vì vậy, giáo viên mầm non thực chất cần đáp ứng được những yêu cầu cao, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực riêng biệt. Hiện nay, chuẩn giáo viên mầm non vẫn đang ở trình độ trung cấp sư phạm, với thời gian đào tạo khoảng hai năm nhưng thực học chỉ khoảng 18 tháng. Thời gian học lý thuyết nhiều, ít thực hành, chương trình thiếu tính hệ thống, yêu cầu tuyển sinh đầu vào lại chưa cao, khiến nghề giáo viên mầm non khó thu hút học sinh giỏi. Quá trình đào tạo chưa đủ độ “chín” khiến những sinh viên tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non phải chịu nhiều khó khăn và áp lực trong quá trình làm việc, ảnh hưởng đến công tác giáo dục trẻ. Trong khi đó, phần lớn các nước phát triển trên thế giới đều yêu cầu giáo viên mầm non ít nhất có trình độ đại học. Tại nhiều quốc gia trong khu vực, giáo viên mầm non cũng phải đạt trình độ cao đẳng trở lên.

Nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật đưa ra quan điểm rõ ràng hơn về việc làm của các giáo viên đang công tác theo chế độ hợp đồng với các cơ sở giáo dục mầm non. Bởi vào thời điểm dự án Luật dự kiến có hiệu lực là năm 2020, số giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn có thể lên tới hàng chục nghìn người. Do đó, nếu quy định không cho phép tuyển mới giáo viên mầm non ở trình độ trung cấp sư phạm, thì rõ ràng sẽ gây khó khăn cho các địa phương còn thiếu giáo viên mầm non một cách cục bộ, nhất là những địa phương còn khó khăn. Trong khi đó, việc cho phép đào tạo cử nhân đối với giáo viên mầm non có trình độ trung cấp sư phạm trong vòng một năm, với lộ trình thực hiện trong vòng hai năm theo hình thức đào tạo liên thông sẽ gây sức ép về chi phí đào tạo khoảng tám triệu đồng/người/năm. Với lượng giáo viên chưa đạt chuẩn lên đến hàng chục nghìn, tổng chi phí đào tạo sẽ lên đến hàng trăm tỷ đồng, dẫn đến bài toán khó về nguồn lực tài chính.

Xây dựng nền kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc

Buổi chiều, QH làm việc ở hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc. Thảo luận về dự án Luật, phần lớn ý kiến phát biểu đồng ý với sự cần thiết cho ra đời dự án Luật nhằm xây dựng nền kiến trúc nước ta hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, các đại biểu QH: Nguyễn Trường Giang (Đác Nông); Trần Văn Mão (Nghệ An) cùng một số đại biểu cho rằng, kiến trúc gắn liền với các công trình xây dựng, hoạt động xây dựng, cho nên liên quan nhiều luật như: Xây dựng, Quy hoạch, Nhà ở… vì vậy, Ban soạn thảo cần rà soát chặt chẽ lại dự thảo Luật để tránh có các quy định trùng lặp, chồng chéo với các bộ luật khác.

Các đại biểu Ngô Trung Thành (Đác Lắc); Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cùng một số đại biểu có ý kiến rằng, hiện nay tại các đô thị của nước ta đang có tình trạng hỗn loạn kiến trúc, ở khu vực nông thôn kiến trúc bị biến dạng. Nếu chúng ta xây dựng được định hướng kiến trúc tốt, sau một quá trình thực thi, kiến trúc các khu đô thị và nông thôn của ta sẽ mang đậm tính chất thuần Việt. Kiến trúc nhà cửa, khu vực sinh sống của đồng bào thiểu số sẽ mang đậm bản sắc văn hóa của mình. Tuy nhiên, dự thảo Luật lần này chưa thể hiện được định hướng phát triển kiến trúc của nước ta sẽ như thế nào. Trong khi đó, quy chế quản lý kiến trúc của địa phương lại được quy định là phải phù hợp định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam. Vì vậy, dự thảo Luật cần bổ sung quy định làm rõ nội dung yêu cầu đối với định hướng chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam.

Một vấn đề được nhiều đại biểu QH tranh luận là việc thành lập Hội đồng tư vấn về kiến trúc quốc gia. Một số đại biểu QH cho rằng, nên luật hóa Hội đồng Tư vấn về kiến trúc quốc gia. Tương tự ở địa phương, dự thảo Luật nên bổ sung quy định về Hội đồng Tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh. Trong khi đó, một số đại biểu QH cho rằng không cần thiết quy định trong Luật vì việc thành lập các tổ chức tư vấn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, việc tồn tại Hội đồng này có thể làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, mặt khác, việc không thành lập Hội đồng sẽ giúp tăng cường vai trò, trách nhiệm tham mưu của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan lĩnh vực kiến trúc.

Sự kết nối giữa gia đình, nhà trường và xã hội giúp hình thành năng lực, nhân cách, phẩm chất đạo đức một công dân, là nền tảng cốt lõi tạo nên một quốc gia. Tại sao ngày càng có nhiều gia đình văn hóa, nhưng những hành vi lệch chuẩn, phản giáo dục vẫn xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống? Khi nếp cư xử trong gia đình còn chưa được chú trọng, thì chỉ riêng nhà trường không thể “gồng gánh” hết trách nhiệm giáo dục.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)

Luật Kiến trúc cần làm rõ nét hơn mối quan hệ chặt chẽ và biện chứng với Luật Quy hoạch. Luật Kiến trúc cần tạo ra cơ sở để hạn chế và chấm dứt được thực trạng “nhà ống”, “nhà quan tài”, “nhà siêu méo, siêu mỏng” đang rất phổ biến tại các thành phố của nước ta.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40270202-tim-phuong-an-cho-sach-giao-khoa-va-trinh-do-giao-vien-mam-non.html