Tìm nguyên nhân của tình trạng khan hiếm lao động nghề biển

Toàn tỉnh hiện có 7.441 phương tiện nghề cá, trong đó có 1.846 tàu công suất từ 90CV trở lên, với nhu cầu sử dụng khoảng 27.543 lao động trực tiếp trên các tàu khai thác hải sản và hàng chục nghìn người hoạt động trong khâu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Chuẩn bị cho chuyến ra khơi tại Cảng Hới (TP Sầm Sơn).

Tuy nhiên, theo khảo sát của ngành chuyên môn, tại nhiều địa phương số lượng lao động hiện có chỉ đáp ứng được 75 đến 80% nhu cầu sử dụng lao động của các chủ phương tiện đánh bắt. Việc thiếu lao động nghề biển đang trở thành vấn đề nan giải, nhất là thiếu nguồn lao động trẻ, lao động có trình độ, kỹ thuật và tay nghề cao. Điều này đã gây không ít khó khăn cho các chủ phương tiện và ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khai thác hải sản trên biển.

Chúng tôi về phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) vào thời điểm các tàu cá đang vào chu kỳ đánh bắt, nhưng ở bến thuyền vẫn có nhiều tàu, thuyền neo đậu. Qua tìm hiểu được biết, đây là những tàu cá chưa thể ra khơi vì chủ tàu chưa “gom” đủ nguồn nhân lực để thực hiện những chuyến vươn khơi dài ngày. Anh Phạm Văn Nam, chủ tàu TH 91875, cho biết: Con tàu vỏ gỗ hơn 800CV của gia đình đã về cảng Hới neo đậu được gần 1 tuần nay, dù đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho chuyến biển mới, nhưng lại chưa thể ra khơi vì chưa có đủ lao động phục vụ trên tàu. Bởi lẽ, để vận hành con tàu cần có ít nhất 10 lao động, nhất là những người vừa có kinh nghiệm đi biển lại vừa có hiểu biết về khai thác hải sản. Tuy nhiên, sau nhiều ngày, đến nay, gia đình anh mới tìm được 7 lao động. Theo anh Nam, mức thu nhập bình quân của lao động nghề cá ở khu vực TP Sầm Sơn từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Vài năm trở về trước, đây là mức thu nhập hấp dẫn, nhưng hiện nay nhiều ngư dân đã không còn “mặn mà” với nghề đi biển mà họ tìm đến những nghề khác có mức thu nhập cao hơn, như: Xuất khẩu lao động, nghề dịch vụ phục vụ nhà hàng, khách sạn trên địa bàn trong mùa du lịch...

Tại các bến thuyền của huyện Hậu Lộc, hằng ngày, vẫn có những tàu cá đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho chuyến đi biển mới, nhưng chưa thể ra khơi vì thiếu lao động. Theo các chủ tàu ở đây: Tìm được lao động làm việc trên tàu đã khó nhưng tìm được lao động trẻ lại càng khó hơn. Trò chuyện với anh Phạm Văn Tuy, xã Ngư Lộc, được biết, gia đình anh được hỗ trợ đóng mới tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, mỗi chuyến đi cần ít nhất 12 lao động có kinh nghiệm song mấy ngày qua, anh chỉ tìm được 9 lao động. Thậm chí, gia đình anh đã nâng mức tiền công từ 7 triệu đồng lên 8 triệu đồng/người/tháng nhưng vẫn gặp khó khăn.

Tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt lao động nghề biển tại các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hậu Lộc và TP Sầm Sơn, chúng tôi được biết, những năm gần đây, các tàu công suất lớn phải tìm kiếm những ngư trường mới, xa bờ để khai thác hải sản nên nhu cầu sử dụng lao động nhiều hơn trước. Bên cạnh đó, nghề đi biển có thu nhập không ổn định nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, vất vả nên nhiều lao động đã lựa chọn những nghề mới, có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, hiện nay, nhiều chủ tàu bỏ vốn, hợp tác đầu tư mua phương tiện tàu thuyền đánh bắt công suất lớn từ 90CV trở lên, đòi hỏi về kỹ thuật và hiểu biết về Luật Biển trong khi tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh không cao nên việc thiếu lao động nhất là lao động có tay nghề vẫn thường xuyên diễn ra.

Để khắc phục sự thiếu hụt lao động trong khai thác hải sản, ông Lê Bá Lực, Trưởng Phòng Khai thác tàu cá và Hậu cần nghề cá, Chi Cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa, cho biết: Trước mắt, các địa phương cần khuyến khích các chủ tàu liên kết để phát triển số lượng phương tiện có công suất lớn, hiện đại hóa khâu khai thác để vừa giảm thiểu lao động, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người lao động. Về lâu dài, phát triển sản xuất phải gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp thông qua cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm tạo động lực khuyến khích người lao động theo nghề biển.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/qavzfd/new-article.aspx