Tìm mộ mẹ Suốt

Tượng đài mẹ Suốt bên bến sông Nhật Lệ cách chợ Đồng Hới mấy chục bước chân, hàng triệu người đã đến viếng người mẹ 'sợ chi sóng nước tàu bay' nhưng không mấy ai được khói hương lên ngôi mộ người anh hùng liệt sĩ không nằm trong nghĩa trang liệt sĩ. Người mẹ ấy thuở nhỏ đã khổ, chiến tranh càng khổ, lúc mất đi, di mộ cũng phải mấy bận di dời.

Mộ Mẹ Suốt giữa nghĩa trang nhân dân xã Bảo Ninh

Mộ Mẹ Suốt giữa nghĩa trang nhân dân xã Bảo Ninh

1. Trong số những anh hùng được phong tặng, mẹ Suốt là anh hùng nổi tiếng ở hàng thứ 7. Lịch sử ngành GTVT Việt Nam tự hào với hình ảnh: “Một tay lái chiếc đò ngang/ Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày”. Nhưng nay chính gốc gác xã Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình) không mấy ai biết mộ của mẹ nằm ở đâu, còn người phía bên kia sông Nhật Lệ cũng chẳng ai hay. Điện hỏi nhiều người trí thức làng, họ vẫn còn đinh ninh mộ mẹ ở nơi táng cũ, còn phía Đồng Hới, người làm trong ngành đền ơn đáp nghĩa cũng không biết mộ mẹ nơi nào.

Tìm mộ mẹ Suốt giữa trưa đứng bóng

Trong một buổi trưa cát bỏng cháy khét của cái nắng giữa mùa hè, tôi dẫn nhà văn Hữu Phương và Nguyễn Quang Vinh đi tìm mộ mẹ. Chủ tịch xã Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Hiếu dặn dò, chạy hết làng Cừa Thôn, có đường bê tông quẹo trái là nghĩa địa nhân dân xã, tìm vào lăng mộ họ Trần thì có mộ mẹ suốt. Mẹ họ Nguyễn, Nguyễn Thị Suốt, chồng mẹ Trần Bệu, được giải thích vợ đi với chồng.

Đoàn chúng tôi năm người chia ra tìm, tìm mãi không ra mộ mẹ, đi hết gần 35ha vùng táng mộ xã Bảo Ninh cũng không tìm ra, nhà văn Hữu Phương mắt mờ, vào một ngôi mộ bia đá phai sơn chữ, chỉ đọc được chữ Uốt, để cho chắc ông lấy ngón tay lần chữ vẫn không tìm ra chữ Suốt. Đang lang thang giữa rú cát lóa mắt, bỗng nhiên người quản trang xuất hiện, dẫn chúng tôi lội qua một khe cát hẹp mới đến mộ mẹ Suốt. Ngôi mộ đứng một mình, không phải nằm trong gia tộc chồng mẹ. Bia mộ ghi: “Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Suốt” do con cháu nội ngoại phụng lập.

Tiểu sử của mẹ ai cũng biết, thuở nhỏ đi ở cho nhà người ta, chèo đò sang sông Nhật Lệ chở quân lính giữa khổ ải đạn bom, khi mất cũng do bom đạn kẻ thù. Ngày mất mẹ được an táng ở giữa làng Trung Bính, năm 1987 khi UBND xã về xây dựng trên khu cát đó, người thân phải cải táng đi nơi khác.

Lần thứ hai ngôi mộ bị mối đùn, người nhà lại chuyển mẹ đến một vùng cát mới hoang vu. Nhưng năm 2016, chỗ hoang vu ấy trở thành nơi xây dựng chợ Bảo Ninh, gia đình lại di dời mẹ xuống cuối làng Cừa Thôn.

Giữa hàng ngàn ngôi mộ, mộ mẹ Suốt là một ngôi mộ đặc biệt, một ngôi mộ liệt sĩ giữa ngàn ngôi mộ nhân dân. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh nói: “Mẹ về với nhân dân thế này cũng ấm tình làng xóm, mẹ sống giản dị về với nhân dân cũng giản dị vô cùng”.

Mộ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Suốt giữa ngàn ngôi mộ nhân dân

2. Tìm về xóm nhà mẹ Suốt, những đứa con của mẹ nay đã già, đều ngoài 60 tuổi, người giống mẹ là bà Trần Thị Huế bán rau dưa ở chợ Đồng Hới, cách tượng đài thân mẫu chừng trăm bước chân. Ở chợ gọi o Huế, o là người giống mẹ Suốt, hiền lành, cần cù bươn chải với nghề muối dưa, muối cải để nuôi con cái. Dưa muối của o Huế có danh với các nhà hàng ở Đồng Hới vì ngon và mát, không bị khú nên mỗi ngày o nói lời được chừng trăm ngàn đồng.

Hỏi o vì sao mộ mẹ Suốt lại phải táng ở nghĩa trang của làng mà không đưa vào nghĩa trang liệt sĩ xã? O nói đó là nguyện vọng của mẹ Suốt, trước khi mất, mẹ đã trăn trối như thế, đời mẹ khổ từ nhỏ nên những năm già cả, mẹ đã dặn dò nếu có mệnh hệ gì thì hậu sự phải như thế.

Có người lại nói mẹ từng dặn, anh hùng thì chết được vào nghĩa trang liệt sĩ, nhưng trong đó phải là đàn ông hy sinh, toàn những bậc đi chiến trường mình nếu có hy sinh vì bom đạn thì cũng là nữ nhi ở làng, an táng với bà con cũng là thanh thản.

Con cái mẹ Suốt còn giải thích là do tâm linh nên phải táng mẹ với bà con chòm xóm. Nhưng địa phương thì để ghi công, trong nghĩa trang liệt sĩ xã vẫn có một tấm bia nhỏ thờ vọng mẹ.

Con gái mẹ Suốt, o Huế buôn bán dưa cà giữa chợ Đồng Hới mấy chục năm nay

Vì sao mẹ Suốt không cùng táng với chồng là cụ ông Trần Bệu?, o Huế nói mẹ là vợ thứ của ba, phận thứ nên mẹ nằm một mình một nơi. Và ngôi mộ của mẹ nếu không có quản trang dắt dẫn, không một ai có thể tìm ra, kể cả người xã Bảo Ninh.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh trăn trở: “Quá đáng tiếc là xã, thành phố Đồng Hới không có một địa chỉ chỉ dẫn cho du khách viếng mộ mẹ Suốt, không có một tấm biển nho nhỏ dù khiêm tốn nhất chỉ đường khi hàng vạn người mong thắp lên mộ mẹ Suốt một nén nhang để tưởng niệm con người “gan chi gan rứa mẹ nờ”.

Nhà văn Hữu Phương ngày xưa chứng kiến những chuyến đò ngang của mẹ Suốt bùi ngùi: “Với mẹ Suốt, có một con đường nhỏ vào mộ, một biển chỉ lối đi thì mộ mẹ quanh năm khách tìm đến, bởi tượng đài bên kia sông ai cũng biết nhưng phần mộ mẹ có ai biết đâu?”

Tượng đài Mẹ Suốt

Đồng Hới đang làm nhiều việc để phát triển du lịch, trong đó có du lịch tâm linh nhưng lại để cho hàng ngàn du khách mỗi bận đến dưới bóng tượng đài mẹ Suốt lại hỏi mộ mẹ được an táng ở đâu thì lại không một hướng dẫn tận tình nào là một thiếu sót quá lớn nhiều năm nay?

3. O Huế nói: “Mạ Suốt coi con của vợ đầu chồng mình như con của mạ, tui gọi bằng dì. Dì sinh 5 người con, 3 trai, 2 gái, thời đó y tế không có nên 2 gái mất sớm còn ba trai nên mạ càng thương. Mạ Suốt sinh với ba 8 người con nhưng mất trẻ vì bệnh hết 4, còn 3 gái và một trai. Rồi vợ đầu của ba mất sớm khi các anh còn nhỏ nên mạ thương các anh như con mình đẻ ra”.

O Huế còn kể: “Khi dì chưa mất, hai mạ cùng sống với chồng và các con trong một mái nhà, có gì ăn nấy. Ngày dì qua đời vì bệnh, dì cầm tay mạ nói gắng dạy con cái nên người. Mạ lại càng thương. 3 anh Trần Thanh Bình, Trần Văn Hà, Trần Thanh Vân sống lễ phép đức độ, lần nào mạ cũng dặn mấy chị em gái, em trai học tập các anh cho nên người. Lớn lên, anh Bình vào Nam chiến đấu rồi hy sinh, đến nay chưa tìm được hài cốt, anh Hà cũng là liệt sĩ khi chiến đầu ở vùng Cộn của Đồng Hới, còn anh Vân mất năm 2010 do tuổi già”.

Thiệt tình, con cháu mẹ Suốt không ai giàu có, ở nhà cật lực lao động nhiều nghề nhưng nhân cách học được từ mẹ Suốt sự giản dị, khiêm cung hết mực. Tuy nhiên những năm gần đây, gia đình con cái phiền lòng khi có người đến chân tượng đài mẹ Suốt bên sông Nhật Lệ đặt hòm công đức, người con rể Phan Bình Lương đã mấy lần phản ánh nhưng thành phố nói xuống phường Hải Đình, ông qua phường cũng chỉ nhận được câu trả lời rằng người ta do ít hiểu biết nên làm thế chứ không có giấy lập biên bản hay phạt gì cả.

Ông Lương kể rằng: “Năm 2017 này người ta lại bỏ hòm công đức, lại lợi dụng là mong bà con bá tánh ủng hộ để giúp con cháu mẹ Suốt nghèo khó. Ngày mạ còn sống đã dặn, có nghèo thì phải sạch, nhà tuy không dư dật gì nhưng ai trong làng ngặt nghèo mạ vẫn sớt phần chia sẻ, nghe vậy mà các con rồi các cháu bây giờ đều tự lực cánh sinh nên người ta làm bậy thế rất đau lòng.

Gia đình không bao giờ chủ trương lập hòm công đức, phường hay thành phố cần phải triệt để chấm dứt để mẹ ở dưới kia không rầu lòng”.

Quốc Nam

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/phong-su-ky-su-c-96/tim-mo-me-suot-94030.html