Tìm lối ra cho cây mía - Bài 2: Gỡ vướng từ cơ chế chính sách

Từ lâu ngành chức năng đã chỉ rất rõ, cái khó của ngành mía đường không phải đến từ doanh nghiệp (DN) hay từ người nông dân mà là vướng ở cơ chế chính sách và các biện pháp quản lý vĩ mô. Thời gian qua, địa phương và DN đã có nhiều cố gắng để duy trì ngành mía đường nội địa, tuy nhiên mọi cố gắng đã không mang lại hiệu quả.

Chi phí đầu vào tăng cao, giá mía giảm, thương lái ép giá là vòng luẩn quẩn của người trồng mía.

Nông dân làm, thương lái ăn

Chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá mía giảm dần, thương lái ép giá, vòng luẩn quẩn này không biết đến lúc nào mới gỡ được. Ở Sóc Trăng, vùng nguyên liệu mía chính là ở huyện Cù Lao Dung, những năm trước người dân ở đây sống chủ yếu nhờ cây mía, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây người trồng mía ở vùng này không còn mặn mà nữa. Ông Phạm Hồng Văn ngụ xã An Thạnh 3, huyện Cù lao Dung cho biết, khó khăn của người trồng mía trước hết do chi phí đầu vào tăng quá cao, đặc biệt là công lao động. Các khâu làm thủ công, như làm đất, xuống giống, thu hoạch... chi phí đều tăng, trong khi giá mía giảm dần, đặc biệt năm nay giảm sâu.

Theo ông Văn, người dân muốn bán mía trực tiếp cho nhà máy là cả một vấn đề. “Công lao động đã nằm ở thương lái hết rồi, nếu người dân đốn mía và chở thẳng đến nhà máy thì cũng “sống được”, nhưng hiện nay chở không được, buộc phải bán cho thương lái nên bị ép giá, thương lái lời từ 200 đồng/kg, còn người dân phải chịu lỗ. Giá mía hiện khoảng 900 đồng/kg, trong đó, tiền công đốn có nơi 300 đồng, tiền ghe chở hết hơn 100 đồng, nghĩa là còn lại hơn 400 đồng, đó là tự đốn, còn nếu thuê đốn thì chỉ còn lại 200 - 300 đồng/kg”.

Cây mía ở Cù lao Dung có năng suất và chữ đường rất tốt, diện tích trồng mía ở đây có thời điểm lên tới 8.000 ha, nhưng gần đây diện tích đang giảm dần theo giá mía. Huyện cũng đã chỉ đạo, khuyến cáo bà con giảm cây mía để trồng cây khác, nhưng người dân thấy trồng cây gì cũng rớt giá, nuôi con gì cũng chưa dám chắc, sợ rủi ro. Một số bà con chưa có điều kiện thì vẫn phải “ôm” cây mía.

Địa phương hết cách

Tuyên truyền, vận động, rồi kêu gọi “giải cứu”... tất cả đều là những giải pháp tình thế trước mắt, trong khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gặp không ít khó khăn: lựa chọn cây gì thay cho cây mía, nguồn vốn ở đâu để sản xuất...Theo ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, thời gian qua đã thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp để duy trì phát triển ngành mía đường, nhưng với khó khăn như hiện nay thì tỉnh đã hết cách.

Ông Phạm Quang Vinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nói rằng: Nếu có chính sách tương đồng như các nước trong khu vực thì ngành mía đường mà đặc biệt tại ĐBSCL sẽ trụ lại được trong bối cảnh hội nhập, vì hiện cái khó của ngành mía đường không phải khó từ DN, từ người nông dân mà là vướng ở cơ chế chính sách và các biện pháp quản lý vĩ mô của Nhà nước. Theo ông Vinh, năng suất mía tại Hậu Giang đạt bình quân 95 tấn/ha (cao nhất cả nước), thậm chí có hẳn một “Câu lạc bộ 200” (những hộ trồng mía đạt 200 tấn/ha), nhưng khổ nỗi đường không tiêu thụ được thì người dân có phấn đấu mấy cũng bằng thừa.

Theo Sở Công thương Hậu Giang, Bộ Công thương cùng các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ nên cân nhắc tạm dừng việc nhập khẩu đường, kể cả việc tạm nhập tái xuất do nguồn cung trong nước đang dư thừa và gian lận thương mại phức tạp; áp thuế nhập khẩu và kiểm soát hạn ngạch đối với các chất ngọt thay thế đường, khuyến khích sử dụng đường trong nước; xem xét điều chỉnh giá điện sinh khối...

Chính sách thuế gây bất lợi cho đường nội

Ngày 8/8 vừa qua, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt đối với mặt hàng đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (HFCS). Vì mặt hàng đường HFCS này được hưởng chính sách ưu đãi khi không bị khống chế hạn ngạch và thuế nhập khẩu bằng 0, nên giá của mặt hàng đường HFCS này rẻ hơn rất nhiều so với đường nội địa và có chiều hướng ngày càng giảm hơn nữa. Cứ đà này, các DN chế biến thực phẩm sẽ sử dụng đường HFCS thay thế đường nội. Hiện đường HFCS đang khá hấp dẫn cho các DN có nhu cầu sử dụng.

Trong khi đó, ở trong nước giá thành sản xuất cây mía vẫn còn rất cao, kéo theo giá đường tại các nhà máy cũng cao theo, nên không thể cạnh tranh với giá bán của đường HFCS. Thực tế đáng lo ngại, những năm gần đây, các DN đã chủ động giảm tiêu thụ sản lượng đường mía để chuyển sang sử dụng đường HFCS, đây là nguyên nhân rất quan trọng khiến đường mía trong nước bị giảm sút thị phần, kéo theo sản lượng đường nội địa ngày một tồn kho nhiều.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng thiệt hại của ngành đường nội địa trong 3 năm 2015 - 2017 gần 527 tỷ đồng, mức độ thiệt hại này tỷ lệ thuận với số lượng đường HFCS nhập khẩu ngày càng tăng. Thống kê của Tổng cục Hải quan, số lượng đường HFCS nhập khẩu liên tục gia tăng đột biến trong giai đoạn 2015 - 2017, chỉ tính riêng năm 2017 đã có gần 90.000 tấn đường HFCS nhập khẩu vào Việt Nam, tăng 31,7% so với năm 2015, nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Nếu tình hình này kéo dài, thiệt hại của ngành mía đường trong nước sẽ ngày càng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến sự tồn tại của một số nhà máy...

Đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, sản lượng mía cả nước hiện đạt hơn 15 triệu tấn/năm, năng suất bình quân đạt 64 tấn/ha, trong 41 nhà máy đường còn 38 nhà máy đang hoạt động, sản lượng đường sản xuất hàng năm đạt 1,4 - 1,5 triệu tấn. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cây mía và hạt đường vẫn chưa có được những chính sách tương đồng với các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan (có hẳn một đạo luật mía đường từ những năm 1983). Ngành mía đường Việt Nam còn non trẻ và thiếu nhiều cơ chế hỗ trợ, hành lang pháp lý nhưng phải đối đầu với hội nhập, với nạn buôn lậu đường và gian lận thương mại. Người nông dân trồng mía và DN chế biến đường sẽ vô cùng lao đao nếu các khó khăn không được xử lý triệt để.

Gianh Lam – Quốc Trung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/tim-loi-ra-cho-cay-mia-bai-2-go-vuong-tu-co-che-chinh-sach-tintuc415473