Tìm lời giải cho rác

Lượng rác được thải ra tại Việt Nam rất lớn, trung bình gần 35 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34 nghìn tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra mỗi ngày. Rác tăng nhưng công nghệ xử lý rác vẫn giẫm chân tại chỗ bằng cách chôn lấp và… đốt. Lời giải cho 'bài toán' sẽ đến từ công nghệ hay từ phương pháp quản lý?

Kho chứa rác băm nhỏ của Nhà máy xi-măng Bút Sơn.

Kho chứa rác băm nhỏ của Nhà máy xi-măng Bút Sơn.

Cách bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) 2-3 km, đã có thể ngửi thấy mùi hôi thối đặc trưng của rác thải. Càng đến gần hơn, mùi hôi thối trở nên đậm đặc, người bình thường nếu không có trang bị bảo hộ thậm chí có thể hoa mắt, chóng mặt không thể chịu nổi. Bãi rác Nam Sơn được xây dựng từ năm 1996. Sau nhiều lần mở rộng, đến nay bãi rác có diện tích khoảng 120ha. Đây là nơi tiếp nhận rác sinh hoạt chủ yếu của Hà Nội. Lượng rác đổ vào Nam Sơn trung bình khoảng 5.000 tấn/ngày (lượng rác trung bình của Hà Nội mỗi ngày vào khoảng 7-8.000 tấn). Công nghệ xử lý rác ở đây sau gần 30 năm vẫn thuần túy là… chôn lấp. Hiện trạng của bãi rác không chỉ là nỗi đau đầu của những người dân sinh sống trong khu vực, mà còn là sự “nhức nhối” của cả thành phố Hà Nội. Mỗi lần bãi rác bị quá tải các ô chôn lấp, là thêm một lần Hà Nội lại tràn ngập rác tại các con phố, tuyến đường tập kết rác!

Gần đây nhất, ngày 17/6/2022, hàng loạt tuyến đường quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm chất đống rác. Nguyên nhân đơn giản chỉ vì sau trận mưa to, đường vào bãi rác Nam Sơn đi lại khó khăn.

Nghịch lý thiếu rác để “năng lượng hóa”

Trong câu chuyện rác của Hà Nội, cơn “đau đầu kinh niên” về rác tưởng chừng như không có lối thoát. Diện tích bãi rác Nam Sơn không thể mở rộng mãi vì tiến độ giải phóng mặt bằng chậm chạp. Công nghệ xử lý lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến sự phản đối của cư dân trong khu vực. Dự án nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý (vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng) chuyên để xử lý rác cho bãi rác Nam Sơn chưa biết bao giờ hoàn thành. Theo kế hoạch, nhà máy Thiên Ý sẽ đi vào vận hành tháng 10/2020, nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa thể xác định ngày hoạt động. Trái ngược với thực tế đó, ít ai biết rằng, ngay từ năm 2011 đã có bên đặt vấn đề xin mua lại bãi rác Nam Sơn. Một công ty của Singapore đề xuất công nghệ sơ chế rác rồi đóng viên. Sản phẩm làm ra sẽ được bán ra cho các công ty nhiệt điện làm nguyên liệu đốt. Sau đó, không hiểu vì lý do gì, việc mua lại đã bị đình lại và Hà Nội vẫn tiếp tục với cơn “đau đầu kinh niên” của mình.

Việc tái chế rác hoặc sử dụng một phần như nguyên liệu thay thế thật ra đã có từ rất lâu. Trong một số trường hợp cũng không cần phải áp dụng công nghệ mới hay cao cấp gì. Nhà máy xi-măng Vincem Bút Sơn nằm tại xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đang nhập rác hằng ngày về để… đốt. Đây là nhà máy được xây dựng bằng công nghệ hiện đại, mỗi năm sản xuất hàng triệu tấn xi-măng các loại ra thị trường. Hai lò nung clinker chính của nhà máy sử dụng công nghệ của Nhật Bản và Pháp. Đứng trước tình hình nhập than khó khăn trong nước thời gian qua, nhà máy đã chủ động đốt rác thay than. Một khu nhà kho lớn được dựng lên để chứa bùn thải. Một nhà kho lớn khác để chứa các loại rác của ngành may mặc, giày da. Những loại rác này được cung cấp bởi một bên thứ ba chuyên đi nhập rác từ các nhà máy may mặc khu vực phía bắc. Rác được cắt nhỏ và chở đến Nhà máy Bút Sơn bán theo tấn. Ở một góc khác của nhà máy, một trạm bơm nhỏ được giới thiệu chuyên bơm rác thải nguy hại dưới dạng lỏng vào lò nung clinker. Nhiệt độ lò clinker trung bình từ 1.400-1.500oC, bảo đảm đốt cháy mọi loại rác thải từ thông thường đến nguy hại. Thậm chí tro sỉ của quá trình nung lò vẫn có thế tái chế bằng cách cho vào xi-măng. Với nguyên liệu thay thế trên, Nhà máy Bút Sơn đều phải đi mua và hiện nay đã thay thế được từ 17-30% lượng than đốt.

“Các lò nung clinker phải hoạt động liên tục, ngừng lò sẽ dẫn tới đội chi phí khủng khiếp”, Ths Nguyễn Mạnh Tường, Trưởng phòng Kỹ thuật Nhà máy xi-măng Bút Sơn chia sẻ. Ở nhà máy xi-măng Bút Sơn, khó khăn hiện nay là làm sao để có đủ nhiên liệu nói chung và rác nói riêng để… đốt. Việt Nam hiện mới cấp ba giấy phép cho phép các nhà máy xi-măng được đốt và xử lý rác. Nhà máy xi-măng Bút Sơn là đơn vị thứ tư đang trong quá trình xin cấp phép và đang được chạy thử nghiệm sáu tháng. Trước đây, xi-măng Insee (tiền thân là xi-măng Holcim Việt Nam) đã áp dụng đốt rác làm nguyên liệu thay thế. Nhà máy xi-măng Hòn Chông (Kiên Giang) của Holcim là nhà máy đầu tiên trong ngành xi-măng được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Tiếp đó, còn có nhà máy xi-măng Lam Thạch (Quảng Ninh) cũng đang xử lý rác thải nguy hại. Nhà máy xi-măng Fico (Tây Ninh) đang dùng trấu và vỏ điều làm nguyên liệu thay thế.

Như vậy, có thể thấy không chỉ trên phạm vi thế giới, kể cả trong nước, việc ứng dụng các lò nung clinker vào xử lý rác không còn xa lạ. Cả nước có khoảng 87 hệ thống lò nung clinker, nếu ứng dụng toàn bộ số lò đốt này vào xử lý rác, áp lực rác chôn lấp sẽ giảm đáng kể, lại an toàn hơn với môi trường.

Bỏ ngỏ việc điều tiết “thị trường rác”

Không chỉ ngành xi-măng có thể tham gia vào việc xử lý rác thải. Nhiệt điện hiện nay cũng có thể sử dụng rác thải như một loại nguyên liệu thay thế. Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 29 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động. Về mặt kỹ thuật, hầu hết đều có thể xử lý đốt rác. Ngành tái chế cũng không đứng ngoài trong chu trình này.

Vậy tại sao rác vẫn là nỗi ám ảnh thường trực đối với các khu đô thị nói chung và Việt Nam nói riêng? Việc điều tiết lại thị trường rác hiện nay vẫn còn đang bỏ ngỏ. Nhiều nơi phải bỏ tiền ra để thu gom xử lý rác. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải bỏ tiền cho mỗi tấn rác được thu gom xử lý. Các lò đốt rác có công suất nhỏ của các công ty tư nhân thi nhau mọc lên chỉ để nhận các hợp đồng xử lý rác. Trong khi đó, nhiều nơi phải bỏ tiền ra mua rác còn không đủ như câu chuyện của Nhà máy xi-măng Bút Sơn. Nếu chỉ cân đối được giữa hai đầu “thừa” và “thiếu” rác, chúng ta có thể tiến tới việc không mất tiền để xử lý rác?

Nhà nước hiện vẫn chưa có những cơ chế chính sách điều tiết lại thị trường rác một cách hợp lý. Ví như trong câu chuyện cấp phép xử lý rác cho các nhà máy xi-măng, nhiều khi giấy phép chỉ giới hạn thu gom rác trong địa phương, nơi đặt nhà máy. Các nhà máy xi-măng thường đặt xa nơi tập trung dân cư, gần các vùng nguyên liệu truyền thống. Lượng rác thu gom chung quanh trong phạm vi hẹp là hoàn toàn không đủ nhu cầu.

Theo TS Hoàng Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, việc sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi-măng là rất cần thiết đem lại hiệu quả kinh tế, môi trường… từ năm 2014 Tổ chức năng lượng mới và Phát triển Công nghệ Công nghiệp của Nhật Bản viết tắt (NEDO) đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nghiên cứu khả thi và đầu tư dự án: “Công nghệ sử dụng chất thải rắn sinh hoạt làm nguồn nhiên liệu thay than đá cho nhà máy sản xuất xi-măng ở Việt Nam” dự kiến lắp đặt và chuyển giao thiết bị tại Công ty cổ phần Vicem Bút Sơn, nhưng việc vận chuyển rác giữa các địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn, TP Hà Nội cũng không có cam kết cung cấp rác thải sinh hoạt ổn định lâu dài cho dự án. Từ những khó khăn hiện hữu khiến nhiều công ty sản xuất xi-măng chưa mạnh dạn đầu tư, lắp đặt thiết bị công nghệ sử dụng chất thải rắn sinh hoạt làm nguồn nhiên liệu thay thế.

Trong Quyết định 1266/QĐ-TTg, phê duyệt chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, việc đưa rác vào xử lý và tái chế trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã được nhắc đến nhiều lần. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở câu chuyện phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi cơ chế chính sách phù hợp. Chưa hề có một chính sách cụ thể hay đặt mục tiêu rõ ràng trong việc thúc đẩy đưa rác vào ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Câu chuyện điều tiết, cân đối lại thị trường rác hiện nay cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu chúng ta triển khai sớm thì nỗi lo về rác sẽ nhanh chóng lùi lại phía sau. Khi rác có thể thành nguyên liệu sản xuất hiệu quả mà chúng ta chỉ đem đi chôn lấp, thì đó sẽ là một sự lãng phí gây ảnh hưởng môi trường.

Theo báo cáo của Liên minh toàn cầu cho các phương án thay thế đốt rác (GAIA) và tổ chức Greenpeace Đông Á năm 2019, Việt Nam đã có lúc nhập khẩu đến 100 nghìn tấn rác/tháng. Hiển nhiên chúng ta không có tham vọng trở thành “trung tâm xử lý rác” trong khu vực. Với những khả năng hiện có trong tay, chúng ta hoàn toàn có khả năng giải quyết toàn bộ số rác trong nước.

Bài và ảnh: KHOA THÀNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-xahoi/tim-loi-giai-cho-rac--704309/