Tìm lời giải cho bài toán thị giá cổ phiếu thấp

Dòng tiền sẽ chỉ tìm đến những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và dần loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn yếu kém. Do vậy, lời giải cho bài toán cổ phiếu thị giá thấp phần lớn vẫn đang nằm trong tay của chính các doanh nghiệp.

 Dòng tiền sẽ chỉ tìm đến những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và dần loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn yếu kém. Ảnh: THÀNH HOA

Dòng tiền sẽ chỉ tìm đến những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và dần loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn yếu kém. Ảnh: THÀNH HOA

Nhiều cổ phiếu có mức giá “trà đá”

Trong 756 cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết trên hai sở giao dịch chứng khoán hiện nay có 285 cổ phiếu (tương đương 37,7% số mã niêm yết) giao dịch dưới mệnh giá. Trong số này có 132 mã có thị giá giao dịch dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí 18 mã có thị giá chỉ từ vài trăm đến 1.000 đồng/cổ phiếu như KSK, VHG, PVV... Còn trên sàn UpCom, với đặc thù là nơi đăng ký giao dịch cho cả các cổ phiếu chưa đủ điều kiện lên niêm yết, hủy niêm yết tự nguyện hoặc bị hủy niêm yết bắt buộc... thì số cổ phiếu có thị giá thấp còn lớn hơn nhiều. Cụ thể, trong số 810 cổ phiếu đang đăng ký giao dịch trên UpCom thì có 413 cổ phiếu (chiếm 51%) đang giao dịch dưới mệnh giá. Trong đó, có 152 mã giao dịch dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, 42 mã giao dịch dưới 1.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tính tổng cộng trên cả ba sàn, trong tổng số 1.566 cổ phiếu đang giao dịch hiện nay, có gần một nửa đang giao dịch dưới mệnh giá.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thị giá nhiều cổ phiếu ở mức thấp. Các nguyên nhân căn bản có thể kể ra là doanh nghiệp đại diện cho các mã cổ phiếu đó liên tục kinh doanh thua lỗ, vi phạm các quy định công bố thông tin, bị các sở giao dịch đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát hoặc tạm ngừng giao dịch, ẩn chứa nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp dù giữ vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh như như Tôn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG), Thủy sản Hùng Vương (HVG)... nhưng đang phải trải qua giai đoạn kinh doanh khó khăn, dẫn đến lợi nhuận giảm hoặc thua lỗ, qua đó ảnh hưởng không nhỏ đến thị giá cổ phiếu.

Lãi “khủng” cũng “trà đá”

Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn bết bát, đang tồn tại nghịch lý là không ít doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, được đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng, chất lượng tài sản, nguồn vốn nhưng thị giá cổ phiếu vẫn ở mức thấp.

Điển hình như Công ty cổ phần (CTCP) Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) có lợi nhuận trên trăm tỉ đồng mỗi năm, mức cổ tức tiền mặt đều đặn trên 10% mệnh giá, tương ứng suất sinh lời cổ tức trên thị giá trên 10%/năm, không hề kém hấp dẫn khi so với mặt bằng chung của thị trường và nhiều kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, những năm qua, hầu như thị giá TDC chưa khi nào vượt qua mệnh giá và hiện chỉ đang giao dịch ở mức tương đương 70% giá trị sổ sách. Hay như CTCP May xuất khẩu Phan Thiết (PTG) đạt 69,9 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2018, gấp 2,4 lần năm 2017, tương đương thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 15.300 đồng/cổ phiếu, cổ tức tiền mặt chi trả trong năm 2018 là 12.000 đồng/cổ phiếu nhưng thị giá trên thị trường đang chỉ ở mức 1.500 đồng/cổ phiếu. CTCP Quảng cáo và Hội chợ thương mại (VNX) cũng thu về lợi nhuận 12,5 tỉ đồng, tăng hơn 40% trong năm 2018, tương ứng EPS 10.200 đồng/cổ phiếu, trả cổ tức 3.500 đồng cho mỗi cổ phiếu nhưng thị giá đang chỉ ở mức 1.200 đồng/cổ phiếu. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với các mã VLP, TVG, MEF...

Nguyên nhân thực sự là gì?

Với những trường hợp kể trên, rõ ràng thị giá cổ phiếu đang không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp. Nhưng nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng có phần phi lý như trên? Về yếu tố kỹ thuật giao dịch, cả người bán lẫn người mua những cổ phiếu trên đều gặp khó. Người mua sẵn sàng mua những cổ phiếu này với mức giá gấp cả chục lần thị giá, cổ phiếu mỗi phiên cũng được chốt mua trần cả chục ngàn đơn vị nhưng không có khớp lệnh. Ngược lại, người bán cũng không bán được vì giá trần kịch biên độ vẫn cách xa giá muốn bán. Không có giao dịch khớp lệnh, giao dịch thỏa thuận cũng không thực hiện được. Cổ phiếu cứ “treo” thanh khoản trên sàn và mất đi tính thị trường. Mỗi năm giá giảm dần do điều chỉnh sau mỗi lần chia cổ tức.

Một nguyên nhân khác khiến cổ phiếu kém thanh khoản, thị giá không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp là vì cơ cấu cổ đông của những doanh nghiệp này quá “cô đặc” và các cổ đông chính lại chủ trương nắm giữ dài hạn. Với định hướng nắm giữ lâu dài của nhóm cổ đông chính, lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng của các doanh nghiệp này tương đối thấp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chỉ hoàn thành các hoạt động công bố thông tin theo nghĩa vụ để không bị phạt. Việc chủ động công bố thông tin hoạt động hay đẩy mạnh tiếp xúc với nhà đầu tư không được quan tâm nhiều.

Tuy vậy, thực tế trên hoàn toàn có thể thay đổi nếu có những thay đổi đột phá tại doanh nghiệp. Điển hình nhất là việc Nhà nước hoặc cổ đông lớn thoái bớt vốn, giải phóng lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng ra thị trường và chính doanh nghiệp cũng chủ động, tích cực hơn trong các hoạt động công bố thông tin ra thị trường (trường hợp GEX sau khi Bộ Công Thương thoái vốn tháng 12-2015 là ví dụ nổi bật).

Việc doanh nghiệp chủ động tiếp xúc, tạo cơ hội cho nhà đầu tư tìm hiểu đóng vai trò quan trọng để cổ phiếu thu hút được dòng tiền, qua đó giúp thị giá phản ánh đúng giá trị, nhất là trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn tại thị trường chứng khoán Việt Nam và là lực lượng chủ yếu tạo nên thanh khoản.

Linh Trang

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289426/tim-loi-giai-cho-bai-toan-thi-gia-co-phieu-thap.html