Tìm lời giải cho bài toán tái sinh dự án bất động sản

Thị trường bất động sản thời gian qua đang chứng kiến sự sôi động với nhiều dự án được khởi công, hoặc tái khởi động tung ra thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn không ít dự án đang “đắp chiếu” chờ giải cứu.

Dự án CT2-105 Usilk City được tái sinh sau nhiều năm đắp chiếu và dính nhiều tai tiếng. Ảnh: Dũng Minh

Những dự án hồi sinh…

Sau thời gian dài “nằm bất động”, với sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn, một số dự án đã rục rịch được tái sinh để ra mắt thị trường.

Chẳng hạn, tại Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách 9 dự án bất động sản hình thành trong tương lai đủ điều kiện được chấp thuận kinh doanh trong quý II/2017. Điểm đáng chú ý, trong số 9 dự án này, có 2 dự án từng nhiều năm liền “bất động”, nay được hồi sinh.

Đơn cử như block A và B thuộc ô đất HH-02 Dự án FLC Garden City. Dự án này trước kia là Khu đô thị Alaska Garden City (Đại Mỗ, Từ Liêm, nay là phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm). Chủ đầu tư ban đầu của dự án là Công ty cổ phần Địa ốc Alaska.

Đến tháng 8/2013, dự án đã được chuyển nhượng 99% (tương đương gần 300 tỷ đồng) phần vốn cho Tập đoàn FLC và được đổi tên thành FLC Garden City. Các hạng mục đầu tư dự án được công bố bao gồm 1.638 căn hộ chung cư và 153 căn biệt thự, nhà liền kề.

Như vậy, sau nhiều năm nằm bất động, đến nay, hai tòa nhà thuộc dự án trên đã được tái khởi động và mở bán ra thị trường.

Tương tự, Tòa nhà CT5 thuộc ô đất CT2, Khu đô thị Văn Khê mở rộng (Usilk City) cũng xuất hiện trở lại trên thị trường sau thời gian dài bất động. Đây là dự án có số lượng 752 căn hộ.

Dự án do Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư, được khởi công vào cuối năm 2008, nhưng không thể hoàn thành. Vừa qua, Hà Nội đã có văn bản chấp thuận cho Công ty Sông Đà Thăng Long chuyển nhượng tòa CT2-105 Usilk City cho Công ty cổ phần Hải Phát Thủ Đô.

Tuy nhiên, hơn 1 năm trước, toàn bộ dự án bị thanh tra do có dấu hiệu vi phạm pháp luật như huy động vốn không đúng, tiến độ bị chậm trong nhiều năm… Đến nay, kết luận thanh tra về dự án này vẫn là một dấu hỏi.

Trong khi đó, tại TP.HCM, sau khoảng 7 năm “hấp hối”, mới đây, dự án Kenton Residences vừa được Công ty Xây dựng - Sản xuất - Thương mại Tài Nguyên “hồi sinh” trở lại với tên gọi mới là Kenton Node Hotel Complex.

Ông Vũ Anh Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Tài Nguyên cho biết, trong suốt thời gian thị trường trầm lắng, Công ty đã dùng nhiều giải pháp để gỡ khó, trong đó có việc thay đổi thiết kế, kết hợp giữa nhà ở với dịch vụ, đáng chú ý là hạng mục khách sạn hơn 500 phòng tại dự án…

Nhiều giải pháp giải cứu

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong 1.200 dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM, hiện có khoảng 500 dự án đang trong tình trạng “ngủ đông”.

HoREA kiến nghị thực hiện cơ chế phối hợp “chuỗi 5 nhà” (nhà đầu tư phát triển dự án - nhà thầu thi công - nhà cung ứng vật tư, trang thiết bị - nhà băng - Nhà nước). Các chủ thể này cùng nhau hợp tác sẽ tạo được sức mạnh để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững và đặc biệt là không để dự án “chết lâm sàng”, gây lãng phí vốn, tài nguyên đất.

Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch CEN Group cho biết, mỗi dự án đình trệ có một "bệnh" riêng, như định vị sản phẩm sai, chủ đầu tư hết vốn, lấy tiền của khách hàng làm việc khác... Không có một giải pháp nào cho tất cả các dự án “chết yểu”, mà tùy từng dự án sẽ có những cách giải quyết khác nhau.

“Để hợp tác đầu tư từ những dự án “đắp chiếu” như thế, bản thân chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ, đặc biệt là phải gặp được những đối tác họ có mong muốn hợp tác thực sự cởi mở, chân thành, đó mới là yếu tố tiên quyết sự thành công”, ông Hưng chia sẻ.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết, để giải quyết tình trạng dự án dang dở, đơn vị này đã đề xuất Thành phố có cơ chế cho doanh nghiệp điều chỉnh lại ranh giới đất dự án đối với phần đã bồi thường. Tuy nhiên, phải đảm bảo kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, cấp - thoát nước, chiếu sáng.

Nếu nhà đầu tư có nguồn lực tài chính mạnh, muốn tiếp tục triển khai tiếp 100% dự án, thì chính quyền địa phương sẽ phải giúp chủ đầu tư đền bù phần diện tích còn lại. Ngoài ra, nếu thực lực chủ đầu tư không thể tiếp tục dự án, thì sẽ thu hồi dự án và tổ chức đấu thầu, mời gọi chủ đầu tư khác vào thực hiện nhằm tháo vốn cho chủ đầu tư cũ và đưa đất vào khai thác.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Theo Nhất Nam
Báo Đầu tư Bất động sản

Nhất Nam

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/tim-loi-giai-cho-bai-toan-tai-sinh-du-an-bat-dong-san-189929.html