Tìm lời giải bài toán phát triển nguồn thu cho báo chí

Ngày 11/6, Diễn đàn Tổng biên tập với chủ đề 'Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu' do Báo Nhà báo và Công luận tổ chức đã diễn ra tại Hội Nhà báo Việt Nam.

Diễn đàn có sự tham gia của các nhà quản lý báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí với nhiều ý kiến đề cập đến các khó khăn, thách thức của hoạt động báo chí hậu COVID-19. Đồng thời, xuất các giải pháp giúp cơ quan báo chí giải quyết tốt bài toán phát triển nguồn thu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Tại diễn đàn, Nhà báo Lê Trần Nguyên Huy -Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận cho rằng, việc phát triển kinh tế báo chí, bảo đảm nguồn thu từ lâu đã là bài toán nan giải của các tòa soạn, đặc biệt với những cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Đại dịch COVID-19 để lại những dư chấn nặng nề lên nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp truyền thông nói riêng. Phần lớn các tòa soạn bị sụt giảm tới 50% doanh thu và có thể còn tiếp tục giảm nhiều hơn nữa.

Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, phát hành đã giảm nhiều năm qua, độc giả ngày càng có xu hướng tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội thì việc tìm kiếm nguồn thu bằng cách nào để vẫn làm tròn sứ mệnh thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, vừa giúp báo chí ổn định và phát triển, thực sự là bài toán cần có lời giải kịp thời.

 Các đại biểu tham dự diễn đàn “báo chí và bài toán phát triển nguồn thu.

Các đại biểu tham dự diễn đàn “báo chí và bài toán phát triển nguồn thu.

Đồng quan điểm trên, các Tổng biên tập cơ quan báo chí đều nhận định nguồn thu đang bị ảnh hưởng lớn bởi xu hướng ngày càng phát triển. Đáng chú ý, đợt dịch COVID-19 vừa qua đã khiến thực trạng này càng bộc lộ rõ ràng hơn. Không chỉ thua kém về công nghệ, báo chí chính thống còn bị bó buộc hơn rất nhiều trong việc sản xuất nội dung, không thể giật tittle, câu views… như truyền thông xã hội, đây cũng là nguyên nhân chính khiến lượng độc giả ngày càng giảm kể cả báo điện tử lẫn báo in.

Con số thống kê từ các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT cho thấy, với hơn 900 cơ quan báo chí ở cả 3 loại hình nhưng trong năm 2019, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ đạt gần 16.000 tỉ đồng, chỉ trong 10 năm, khoảng 50% thị phần quảng cáo rơi vào tay các nền tảng số xuyên biên giới như Facebook, Google ở thị trường Việt Nam. Có một thực tế, hiện, các doanh nghiệp lại lựa chọn quảng cáo qua các phương tiện truyền thông xã hội nhiều hơn, việc này dẫn đến việc giảm sút doanh thu nghiêm trọng.

Các ý kiến tại diễn đàn đều cho rằng, để giúp báo chí có thể tồn tại và phát triển trước sự cạnh tranh của mạng xã hội nhưng vẫn đảm bảo thông tin khách quan, làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, ngoài sự nỗ lực vượt khó của cơ quan báo chí cũng cần có một số chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Hiển-Tổng Biên tập Báo Lao Động, cần có chính sách chia sẻ lợi nhuận giữa nhà mạng và báo chí. Hiện nay, các nhà mạng đang thu lợi nhuận lớn từ việc người dùng truy cập internet để đọc báo điện tử. Bạn đọc đang đọc báo điện tử miễn phí, chỉ phải trả tiền mạng, trong khi đó các cơ quan báo chí vẫn phải chịu tiền mạng và không được thu lợi gì từ nhà mạng.

Do đó, cần có chính sách giữa nhà mạng và báo điện tử về vấn đề chia sẻ lợi nhuận. Nhà báo Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cũng đề xuất một số các chính sách hỗ trợ báo chí như chính sách giúp điều hướng một phần doanh thu quảng cáo từ mạng xã hội trở lại thị trường quảng cáo trong nước, hỗ trợ báo chí qua cơ chế đặt hàng; xem xét, nghiên cứu mở rộng thêm chính sách trợ cấp một phần hoặc bao cấp toàn bộ cho một số cơ quan báo chí được chọn lọc, có vai trò quan trọng trên mặt trận thông tin, tuyên truyền.

Lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí cũng kiến nghị nhà nước cần xem xét ưu tiên miễn giảm một số loại thuế như Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân... để các cơ quan báo chí có điều kiện chăm lo cho đời sống cho cán bộ, viên chức và “may ra” có một phần tích lũy để tiếp tục phát triển. Đây cũng là hình thức nhà nước đầu tư phát triển sự nghiệp báo chí một cách công bằng nhất.

Từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát Thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho rằng: Nếu báo chí bị quá phụ thuộc vào một nguồn thu nào đó thì sẽ gặp nhiều rủi ro.

Do vậy, Nhà nước cần có chính sách mới hỗ trợ, đầu tư để bảo đảm công cụ truyền thông thiết yếu của Nhà nước hoạt động có hiệu quả. Cùng với đó, lãnh đạo các tòa báo cần có sự thay đổi nhận thức, tìm tòi, học hỏi cách làm mới. “Với bối cảnh khó khăn hiện nay, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về hình thức thu phí. Mọi người dân được xem các kênh truyền hình thiết yếu không bị thu phí nhưng các kênh giải trí khác có chất lượng thì đều có thu phí. Khi báo chí cùng tham gia vào hệ sinh thái số có thu phí thì cần có chính sách thắt chặt và kiểm soát gắt gao hơn nữa về vấn đề bản quyền”- ông Phúc đặt vấn đề.

Cũng theo Cục trưởng Lưu Đình Phúc, báo chí cũng cần ứng dụng công nghệ tiên tiến vào việc thực hiện nội dung để có thể cạnh trạnh với các phương tiện truyền thông mới.

Có thể kể đến như trí tuệ nhân tạo, blockchain, phóng viên robot, hay trợ lý giọng nói có thể trở thành một cổng thông tin mới để truy cập phương tiện truyền thông thuộc mọi loại hình. Báo chí cũng cần tìm cách kết hợp nguồn nhân lực độc đáo của mình với làn sóng công nghệ mới này để tối đa hóa tiềm năng sẵn có, tạo ra sản phẩm báo chí hấp dẫn hơn để có thể phát triển bền vững trong tương lai.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/tim-loi-giai-bai-toan-phat-trien-nguon-thu-cho-bao-chi-598662/