Tìm lối đi để kinh tế Việt Nam vượt 'bão' Covid-19

LTS: Đại dịch Covid-19 như một cơn bão bất ngờ, một cơn đại hồng thủy dữ dội, thậm chí có nhà nghiên cứu còn gọi đó là một cuộc 'chiến tranh thế giới thứ 3' vô hình và nguy hiểm, đang làm đảo lộn thế giới, gây ra suy thoái và nguy cơ khủng hoảng kinh tế, với những ảnh hưởng nặng nề, khó lường. Nền kinh tế Việt Nam với độ mở cao sau hơn 30 năm đổi mới và gần 15 năm hội nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang bị 'dư chấn' nặng nề của bão Covid-19.

Tìm giải pháp để chủ động ứng phó, tháo gỡ khó khăn, chặn đà suy giảm, giúp nền kinh tế phát triển đang là câu hỏi lớn, là quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Để góp thêm tiếng nói, “hiến kế”, từ hôm nay, Báo Quân đội nhân dân Điện tử mở loạt bài “Tìm lối đi để kinh tế Việt Nam vượt “bão” Covid-19”, mong muốn ghi nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc về vấn đề này.

Bài 1 “Siêu bão” bất ngờ và nguy hiểm

Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, và nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng toàn cầu lần này sẽ khó kết thúc sớm. Việt Nam cũng khó có thể tránh khỏi sự tác động tiêu cực của dịch bệnh. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức rất lớn trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức từ Covid-19.

Kinh tế thế giới dưới “bóng ma” đại dịch – cuộc chiến thứ tư

Trong khoảng 30 năm trở lại đây, kinh tế thế giới đã trải qua 3 chu kỳ khủng hoảng, suy thoái (năm 1987, 1997, 2008) và năm 2020 đang được dự báo khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng kinh tế mới vì đại dịch Covid-19. Và dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và lây lan nhanh chóng ở châu Âu, Mỹ và châu Á… từ giữa tháng 3-2020 là “cú sốc” đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang trên đà “giảm tốc” từ cuối năm 2019. So với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 thì lần này thế giới khó khăn hơn nhiều. Nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan, không thể kiểm soát sẽ là “chất xúc tác” cho một cuộc suy thoái kinh tế mới trên diện rộng.

Henry A. Kissinger - nhà chính trị, cựu ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ mới đây đã có bài viết đánh giá, nêu thất bại có thể đưa thế giới vào "biển lửa" vì Covid-19. Còn nhà kinh tế Jean Peyrelevade người Pháp cho rằng, thế giới đang bước vào một kịch bản kinh tế chưa từng có tiền lệ.

 Biểu đồ dự báo thay đổi GDP quý I năm 2020 cho thấy đạidịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế thế giới.

Biểu đồ dự báo thay đổi GDP quý I năm 2020 cho thấy đạidịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế thế giới.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), các hãng xếp hạng tín nhiệm đều cảnh báo thế giới khó tránh khỏi một cuộc suy thoái toàn cầu. Kinh tế thế giới có thể mất tới hơn 5.000 tỷ USD. Tổ chức Fitch gần đây dự báo trong năm 2020, tăng trưởng GDP toàn cầu âm 1,9%, Mỹ âm 3,3%, EU âm 4,2%, Trung Quốc chỉ tăng trưởng hơn 1,5%... IMF thì dự báo một loạt các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế âm trong năm 2020 như Đức (-3,4%), Pháp (-3,9%), Anh (- 3,1%),...

Đánh giá những tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế toàn cầu, người đứng đầu IMF, bà Kristalina Georgieva, ngày 10-4 đã lên tiếng khuyến cáo rằng: Thế giới sẽ phải trải qua những hậu quả kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau “Đại khủng hoảng” những năm 1930; và dự đoán kinh tế thế giới trong năm 2020 sẽ “tăng trưởng âm ở mức sâu”. Dự đoán này của IMF cho thấy bức tranh “đảo chiều” nhanh chóng khi mới cách đó hơn một tuần, trong một cuộc họp trực tuyến với WB, IMF vẫn đánh giá thu nhập bình quân đầu người của 160 nước sẽ tăng trở lại. Còn trước đó, vào tháng 1, IMF đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,4% trong năm 2021.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 8-4 cũng đưa ra thông cáo báo chí: “Thương mại sẽ giảm mạnh khi đại dịch Covid-19 đảo ngược kinh tế toàn cầu”. Trong thông cáo của mình, WTO dự đoán hoạt động thương mại thế giới sẽ giảm từ 13-30% trong năm 2020. Con số chính xác chưa có, nhưng WTO cho rằng khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này sẽ tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Ngoài ra, tổ chức này cũng nhận định rằng kinh tế toàn cầu có thể chưa thể hồi phục trong năm 2021. Suy thoái về thương mại và sản xuất đầu ra là không thể tránh khỏi và sẽ kéo theo những hậu quả ghê gớm tới từng hộ gia đình và doanh nghiệp, bên cạnh những mất mát về y tế...

Còn trên bài viết có tiêu đề “Tác động thực sự về kinh tế của đại dịch Covid-19” đăng trên Project Syndicate, ông Dennis J. Snower, Chủ tịch Sáng kiến giải pháp toàn cầu (Global Solutions Initiative), hiện đang là giáo sư giảng dạy tại Đại học quản lý Hertie tại Berlin, Đức, đánh giá rằng, chúng ta đang đánh đổi lợi ích kinh tế để có an toàn về y tế và tệ hơn là Covid-19 “tấn công” tất cả các nền kinh tế trên thế giới, không trừ một ai. Theo ông Dennis J. Snower, vấn đề hiện nay không phải là suy giảm cầu tổng thể giống như đã từng xảy ra trong Đại suy thoái những năm 1930. Thực chất, đại dịch Covid-19 gây ra sự “khập khiễng” lớn về tăng trưởng kinh tế, trong đó rất nhiều ngành nghề sản xuất và phân phối hiện tại phải cắt giảm nhân công, trong khi có những ngành thì tuyển thêm nhân công không nổi.

Tờ The Atlantic thì khẳng định, hệ lụy về kinh tế sẽ tệ hơn những gì chúng ta có thể tượng tượng. So sánh với một “cơn sóng thần”, bài báo cho rằng số lượng việc làm mất đi và sự đình trệ trong hoạt động kinh tế hiện nay mới chỉ đang là khởi đầu mà thôi.

Trang số liệu Statista đưa ra những con số cụ thể về tình hình kinh tế thế giới nói chung. Theo những ước tính ban đầu, hầu hết các nền kinh tế lớn sẽ mất đi tối thiểu là 2,4% tỷ lệ tăng trưởng GDP trong năm 2020 và như vậy GDP toàn cầu sẽ giảm từ 2,4-3%. Để dễ hình dung, nếu GDP toàn cầu năm 2019 là 86,6 nghìn tỷ USD thì thế giới sẽ mất tới 2,6 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Đó là chưa tính đến việc nếu không có đại dịch thì GDP toàn cầu còn tăng trưởng hơn so với con số 86,6 nghìn tỷ USD của năm 2019.

Biểu đồ về ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới thị trường chứng khoán thế giới.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây cảnh báo, nếu “đại dịch tồi tệ nhất trong thế kỷ này” tiếp tục kéo dài trên 6 tháng nữa, tổn thất kinh tế đối với nền kinh tế thế giới có thể lên tới 4,1 ngàn tỉ USD, tương đương gần 5% sản lượng kinh tế toàn cầu.

Ông Nariman Beharavesh, nhà kinh tế trưởng thuộc tổ chức IHS Markit, nhận định: Đối với các thị trường mới nổi, đại dịch này tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 trên nhiều phương diện. Giá hàng hóa giảm sâu hơn, tình trạng đình trệ tại các nước phát triển xấu đi và mức nợ ở các nền kinh tế mới nổi đã tăng nhiều kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 vì tỉ lệ lãi suất thấp... Các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin đang chịu thiệt hại do các biện pháp phong tỏa được đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của virus này. Còn các thị trường xuất khẩu chủ chốt tại châu Âu và Bắc Mỹ hầu như đang bị “triệt tiêu” khiến kinh tế nội địa đứng yên, nhu cầu về hàng hóa như dầu mỏ sụt giảm và các đồng nội tệ mất giá...

Những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam

Việt Nam, với độ mở của nền kinh tế là 200% GDP, là một trong những nền kinh tế “mở” nhất thế giới, đang gặp khó khăn rất lớn vì đại dịch. Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày 10-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Nước ta, với độ mở nền kinh tế cao, nên dịch Covid-19 tác động rất mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong quý I, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, con số này còn chưa phản ánh hết khó khăn của sản xuất kinh doanh từ cuối tháng 2 và trong tháng 3 năm 2020.

Dây chuyền sản xuất xúc xích tại Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản.

Thừa nhận đại dịch Covid-19 là một “thảm họa toàn cầu”, tác động rất nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định: Việt Nam là một nền kinh tế hội nhập rất sâu rộng, song nhiều nước đối tác chủ chốt của ta như Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ... cũng đang “gồng mình” chống dịch và đều hứng chịu những tác động trầm trọng. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong những nền kinh tế chịu những tác động rất tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Nhấn mạnh tác động tiêu cực của dịch Covid-19 bao trùm gần như tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, TS Võ Trí Thành phân tích, do cả tổng cầu và tổng cung đều “rơi”, nên tiêu dùng, ngoại trừ hàng hóa thiết yếu, cũng như đầu tư và xuất khẩu đều sụt giảm mạnh. Sản xuất kinh doanh đình trệ do lao động thiếu hụt. Các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị gián đoạn do các biện pháp “cách ly” địa giới trong từng và giữa các quốc gia để chống dịch. Hệ lụy tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 còn chưa thể tính toán đầy đủ bởi đây là thảm họa liên quan đến tính mạng, sức khỏe, tâm lý con người cũng như quy mô, thời gian kéo dài của dịch chưa thể xác định được...
Covid-19 đã và đang làm cho nền kinh tế nước ta bị tác động nhiều mặt và lan tỏa lâu dài. Du lịch, xuất khẩu, nhập khẩu đang gặp nhiều vướng mắc, nhiều doanh nghiệp “vướng” về phụ tùng, linh kiện nguyên vật liệu đầu vào. Do đó, khả năng hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 được Quốc hội giao là rất khó khăn, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu năm nay.

Các cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa, tạm dừng kinh doanh vì Covid-19.

Đồng quan điểm trên và phân tích thêm, PGS, TS Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, công nghiệp và xây dựng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Theo đó, việc hạn chế xuất nhập cảnh giữa Việt Nam và Trung Quốc ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán đã dẫn tới tình trạng thiếu nhân công để vận hành trong các doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc, gián tiếp ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2020. Cùng với việc ngưng trệ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI Trung Quốc thì các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng do phụ thuộc vào sự phát triển của doanh nghiệp FDI. Và dù các doanh nghiệp đã chủ động nhập nguyên vật liệu trước Tết Nguyên đán, thiếu nguyên vật liệu đầu vào vẫn là tất yếu vì chúng ta phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên nhiên vật liệu nhập từ thị trường Trung Quốc.

Cùng với đó, nông nghiệp cũng là ngành chịu tác động nặng nề từ đại dịch. Hiện tại Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Do đó, theo PGS, TS Đỗ Hoài Linh, nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài trong nhiều tháng thì tốc độ gia tăng giá trị tăng thêm của khu vực này sẽ chậm lại và có nguy cơ giảm mạnh, trong đó có mặt hàng trái cây tươi và thủy sản được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Biểu đồ thể hiện Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên nhiên vật liệu nhập từ thị trường Trung Quốc.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân thì đánh giá, dịch Covid-19 đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh du lịch, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu; vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư và cả tài chính - ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước cũng giảm sút, trong khi nhiệm vụ chi đột xuất cho công tác chống dịch bệnh này có thể tăng lên. Theo ước tính, dịch bệnh có thể làm giảm số thu ngân sách nhà nước năm 2020 từ 18.000-42.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương giảm thu khoảng 9.000-23.000 tỷ đồng; làm giảm tăng trưởng 0,55-0,84% GDP năm 2020.

Đáng chú ý, dưới góc nhìn từ “ngôi nhà chung” của cộng đồng doanh nghiệp, TS Nguyễn Văn Thân cho hay, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, thậm chí đóng cửa; nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị “đứt gãy” một số chuỗi cung ứng về nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp, nhất là trong các ngành dệt may và da giày, ngành nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ… phụ thuộc nguyên liệu từ thị trường nước ngoài; dịch bệnh còn có thể làm gia tăng yêu cầu biện pháp bảo hộ thị trường phi thuế quan do lo ngại bùng nổ và tái phát dịch bệnh gắn với chất lượng hàng hóa, dịch vụ và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; một số hệ lụy khác sẽ đậm nét hơn nếu dịch bệnh kéo dài…

kịch bản cho số người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam theo mô hình SIR được nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế quốc dân công bố mới đây.

Theo báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế của Trường Đại học Kinh tế quốc dân mới đây cho thấy, có thể có 3 kịch bản diễn biến dịch Covid-19 thời gian tới. Đó là đại dịch Covid-19 kéo dài đến cuối tháng 4-2020, đến cuối tháng 5-2020 và đến cuối tháng 6-2020. Nhóm nghiên cứu dự báo GDP quý 2 năm nay chỉ tăng được khoảng 2% so với quý 2 năm 2019, chỉ số VnIndex giảm khoảng 28%, xuất khẩu giảm khoảng 25%. Theo kịch bản dịch kết thúc vào cuối tháng 4-2020, các lĩnh vực thương mại hàng hóa suy giảm 20-30%; dịch vụ y tế, dịch vụ thiết yếu tăng trên 25%; du lịch, khách sạn suy giảm 15-20% khách nội địa và quốc tế, giảm doanh thu 20%, việc làm giảm 15-20%; nông nghiệp suy giảm 2,8-27,4% theo từng mặt hàng; bất động sản suy giảm mảng cho thuê, nghỉ dưỡng.

Với kịch bản dịch kết thúc vào cuối tháng 6-2020, thương mại hàng hóa suy giảm 30-40%; dịch vụ y tế, dịch vụ thiết yếu tăng 25-40%; dịch vụ vận tải, logistics suy giảm 20-30%; ngành du lịch dịch vụ khách sạn giảm 30-40% khách nội địa và quốc tế, doanh thu giảm 40%, việc làm giảm 30-40%; nông nghiệp, bất động sản cùng suy giảm.

Trường hợp dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 4-2020, có 49,2% doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, 31,9% cắt giảm quy mô sản xuất, có 18,1% phải tạm dừng hoạt động và 0,8% có khả năng phá sản.

Những chỉ số kinh tế được dự báo khi kịch bản dịch Covid-19 kết thúc vào cuối tháng 6-2020.

Nhưng nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6-2020, chỉ còn 14,9% doanh nghiệp duy trì được hoạt động, 46,6% doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm quy mô, 32,4% sẽ tạm dừng hoạt động và 6,1% doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Trường hợp dịch kéo dài đến hết tháng 9-2020, sẽ có 19,3% doanh nghiệp phá sản, kéo dài đến hết năm 2020 khoảng 39,3% doanh nghiệp sẽ phá sản.

Các “tư lệnh ngành” nói gì?

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng, nên dù chưa có thống kê đầy đủ, song có thể thấy, dịch Covid-19 đã thực sự kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trong những tháng đầu năm 2020, nhiều chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, tác động của dịch Covid-19 đối với Việt Nam là “rất nghiêm trọng”. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn. Mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%. Một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) cả năm có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145.000 tỷ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh do “cầu” của thế giới giảm mạnh, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng trong quyết định đầu tư và chuyển hướng đầu tư an toàn hơn...

Nhân viên sản xuất tại nhà máy Samsung Electronics.

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, kinh tế nước ta đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, trong đó những mảng lớn liên quan đến thương mại, hội nhập của Việt Nam sẽ bị tác động rất mạnh mẽ.

Về các chỉ tiêu cụ thể đáng chú ý, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, tăng trưởng xuất khẩu trong quý I năm 2020 đạt mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Xuất khẩu chậm lại cũng kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm 1,9% so với quý I năm 2019, ước đạt 56,26 tỷ USD (cùng kỳ tăng 7,7%).

Đặc biệt, về sản xuất công nghiệp, chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm mạnh từ 49,0 điểm của tháng 2 về 41,9 điểm trong tháng 3. Theo kết quả khảo sát, dịch bệnh đã khiến cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể trong tháng 3. Cả hai chỉ số đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử chỉ số, với tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm gần tương đương với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ngành công nghiệp phải chịu “khó khăn kép” về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là ngành chế biến, chế tạo, sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động, sản xuất ở Việt Nam. Ngoài ra, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện ở mức gia tăng thấp của số doanh nghiệp thành lập mới, việc giảm sút về số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh, quy mô doanh nghiệp và sự gia tăng mạnh mẽ của số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong ngắn hạn..

Cùng với đó, dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều mặt hàng thiết yếu khiến cho tiêu thụ các mặt hàng gặp khó khăn do nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu giảm. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 3 tháng đạt khoảng 1.246 nghìn tỷ đồng, tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2019- đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây.

Dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều mặt hàng thiết yếu khiến cho tiêu thụ các mặt hàng gặp khó khăn.

Thu hút đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng khi 2 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện giảm 5% (đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020); vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước...

Liên tiếp hứng chịu những cú sốc do dịch tả lợn châu Phi hay xâm nhập mặn, hạn hán từ trước, nên theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp rõ ràng đang hứng chịu những tác động trực diện tử đại dịch Covid-19. Sản xuất và xuất khẩu nông sản bị tổn thất rất lớn bởi Trung Quốc là thị trường khổng lồ của Việt Nam, trong đó có những nhóm nông sản chiếm tỷ trọng lớn như rau quả (chiếm 80%). Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới đầu tư vào nông nghiệp giữa hai nước do các hiệp định đang đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ bị chậm lại…Cùng với sự hạn chế giao dịch hàng hóa tại các cặp chợ biên giới, sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước Việt Nam và Trung Quốc....Điều này được thể hiện rõ trong báo cáo về ngành nông nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, quý I năm 2020, nông nghiệp tăng trưởng âm (-1,17%), chỉ cao hơn mức tăng trưởng của quý I năm 2016 (-2,69%) trong giai đoạn 2011-2013. Giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm, như: rau quả; cà phê; chè; sắn và sản phẩm của sắn...

Ngành du lịch cũng gặp khó hơn bao giờ hết. Ngày nay, du lịch là một ngành kinh doanh toàn cầu khổng lồ, chiếm 10,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 10% việc làm toàn cầu.

Thế nhưng, hết quý I, khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm mạnh, đạt 3,69 triệu lượt, giảm 18,1%. Và theo dự báo, du lịch Việt Nam ước thiệt hại 5-7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2020...Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dịch Covid-19 xảy ra vào đúng mùa cao điểm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và mùa du lịch lễ hội nên đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành. Du lịch Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng nề, và chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020. Khách Trung Quốc chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019 sẽ giảm mạnh.

Các ngành “ăn theo” du lịch là vận tải hàng không, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, bán lẻ… cũng giảm tăng trưởng, hoặc tăng trưởng âm. Vietnam Airlines cho biết, hàng chục máy bay “đắp chiếu” và hàng trăm phi công dư thừa do dịch bệnh. Nhiều đường bay “vàng” đến các nước Đông Bắc Á, đón lượng khách du lịch dồi dào, cũng dừng khai thác... Theo ước tính, thiệt hại do việc cắt giảm đường bay khiến ngành hàng không Việt thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD).

Lĩnh vực giáo dục-đào tạo cũng không nằm ngoài tác động của đại dịch. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho hay, các cơ sở giáo dục dưới sự tác động của dịch Covid-19 đang gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại lớn và các ảnh hưởng tiêu cực khó lường khác. Dịch bùng phát đã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều giáo viên; mất cân đối thu chi ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, theo ước tính của ngành giáo dục, riêng chi phí lương cho 103.863 cán bộ quản lý, giáo viên ngoài công lập theo mức lương bình quân tối thiểu vùng là 400 tỷ/tháng; chi phí thuê mặt bằng của 3.702 cơ sở giáo dục ngoài công lập từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT đến cao đẳng sư phạm, đại học cũng từ 450-500 tỷ đồng/tháng...

Còn theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự nên số lượng người lao động thất nghiệp tăng cao. Trong tháng 2-2020, khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Đặc biệt, chỉ 2 tuần đầu tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, trên 15% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất... Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến xấu thì số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 440.000 đến 1,32 triệu lao động.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá năm 2020 sẽ là năm rất khó khăn đối với kinh tế Việt Nam. Tuy Việt Nam đang được đánh giá đã tổ chức phòng chống, dập dịch có hiệu quả và có thể kết thúc dịch sớm hơn so với các nước khác song các tác động và ảnh hưởng của dịch vẫn tiếp tục kéo dài đối với kinh tế Việt Nam trong trường hợp dịch chưa kết thúc trên thế giới. Do vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 sẽ thấp hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% như đã đề ra.

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tim-loi-di-de-kinh-te-viet-nam-vuot-bao-covid-19-614982