Tìm lại nơi che chở và nuôi dưỡng gia đình Hoàng thân Xu-pha-nu-vông trên đất Thanh Hóa

Là 1 trong 3 nước Đông Dương cùng chịu ách đô hộ của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nên các giai đoạn kháng chiến của cách mạng Lào có nhiều tương đồng với Việt Nam. Trong những giai đoạn khó khăn nhất khi bị thực dân cùng tay sai đàn áp và truy lùng, gia đình Hoàng thân Xu-pha-nu-vông (mà sau là Chủ tịch nước CHDCND Lào từ năm 1975 đến 1991) đã được cách mạng Việt Nam, Nhân dân Thanh Hóa che chở, nuôi dưỡng tròn 1 năm trên đất huyện Triệu Sơn ngày nay.

Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962 - 5-9-2022), 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-2022) và 55 năm ký kết hợp tác giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn (2-5-1967 - 2-5-2022)

Cụ Lê Chức bên cây nhãn cổ thụ được cho là “nhân chứng” có từ lúc cụ cùng các con của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông chơi đùa.

Xuất thân từ hoàng tộc của triều đại phong kiến cuối cùng ở nước bạn Lào, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông (1909-1995) đã sớm giác ngộ và sau là thủ lĩnh của phong trào cách mạng Lào. Là người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng hai nước Việt - Lào có sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình giải phóng hai dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân và tay sai. Sự kiện chính quyền và người dân Thanh Hóa sẵn sàng nuôi dưỡng, chở che gia đình Hoàng thân Xu-pha-nu-vông một thời gian dài đã thể hiện tinh thần cách mạng quốc tế cao cả, khẳng định thêm sự gắn bó keo sơn của hai dân tộc, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này: “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Tuy có ý nghĩa lịch sử quan trọng giữa hai nước, nhưng lâu nay chưa có nhiều thông tin hay báo chí phản ánh sâu rộng về sự kiện này. Một số tư liệu lịch sử chúng tôi sưu tầm được cũng chỉ đề cập khá sơ sài, ngắn gọn. Cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường” (Triệu Sơn) có đề cập đến nhưng chỉ đúng 1 câu tại trang 66. Một tài liệu khác của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa đã được in thành sách “Di tích lịch sử cách mạng Thanh Hóa” (Nhà Xuất bản Thanh Hóa - 2019) có đoạn viết kỹ hơn: “...từ tháng 2-1950 đến tháng 2-1951, gia đình Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đã được bà con làng Quần Tín nuôi dưỡng, che chở, bảo vệ an toàn trong thời gian lưu trú tại làng, khẳng định nghĩa tình thủy chung của mối tình truyền thống hữu nghị Việt Nam - Lào”.

Trong quá trình tìm hiểu tại xã Thọ Cường, chúng tôi may mắn gặp được những nhân chứng sống. Cụ Lê Chức, sinh năm 1933, hiện ở thôn 7, làng Quần Tín, xã Thọ Cường chính là người hằng ngày tiếp xúc, sinh sống cùng gia đình Hoàng thân. Khi được cán bộ xã Thọ Cường giới thiệu có phóng viên đến tìm hiểu về thời gian gia đình Hoàng thân Xu-pha-nu-vông được gia đình che chở, khuôn mặt người cựu binh từng tham gia đánh trận Điện Biên Phủ năm xưa bỗng ngời sáng, xúc động. Ở tuổi 89, nhưng cụ Chức còn khá minh mẫn, nhớ rất nhiều chi tiết cũng như những kỷ niệm mà gia đình Hoàng thân Xu-pha-nu-vông sinh sống tại gia đình ông.

Gắn với tuổi trẻ của đời mình, nên cụ Lê Chức dễ dàng lần dở từng trang trong tiềm thức. “Tôi còn nhớ như in khoảng trung tuần tháng 2 năm Canh Dần 1950, khi tôi 17 tuổi, gia đình tôi được 4 cán bộ huyện Thọ Xuân (sau giải phóng mới sáp nhập một số xã về huyện Triệu Sơn) gồm ông Tường và 3 người nữa, cùng ông Học là cán bộ xã Thọ Ngọc (sau này một nửa xã mới tách ra thành xã Thọ Cường ngày nay) có đến gia đình tôi vận động mượn nhà. Họ có trao đổi và giao nhiệm vụ là giúp đỡ các gia đình cán bộ cách mạng cấp cao nước bạn Lào sơ tán sang Việt Nam. Tuy nhiên, họ dặn phải tuyệt đối giữ bí mật, còn nếu có hàng xóm hỏi phải nói là đồng bào dân tộc thiểu số về tản cư. Thời điểm ấy, bố tôi là Lê Văn Bô – một người tham gia tích cực các phong trào yêu nước tại địa phương, trong đó có việc xé tờ thông báo thu sưu cao, thuế nặng trước mặt tay sai thực dân vào năm 1944 nên bị bắt giam 3 tháng sau mới được thả. Người con rể bố tôi tên Lê Kiên ở cùng làng, làm Huyện đội trưởng của huyện Thọ Xuân khi ấy, có tư vấn cho cán bộ huyện và tỉnh là đưa về gia đình tôi. Có lẽ là gia đình có truyền thống yêu nước và con rể làm việc trong chính quyền cách mạng khi ấy nên mới được cấp trên tin tưởng lựa chọn”.

Cũng theo cụ Chức, sau đó 2 ngày, khoảng 3 giờ đêm, đoàn người trong gia đình Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đến gia đình ông, khi đó là mùa đông rất lạnh. Cùng đến có sự dẫn đường của ông Phúc là công an xã và một số dân quân. “Những người đến ở gồm 3 phụ nữ, tôi gọi là bác, 3 người con gồm 2 nam, 1 nữ khoảng từ 9 đến 11 tuổi và 2 người Việt Nam là anh Vọng và chị Hà được cấp trên cử về làm công tác phục vụ lâu dài. Do yêu cầu bí mật, gia đình tôi cũng không được biết đây là phu nhân và con của lãnh đạo cụ thể nào, chỉ biết người nhà của cán bộ cách mạng cấp cao của Lào. Gia đình tôi đã nhường cho đoàn khách một ngôi nhà gỗ lợp tranh 4 gian để sinh hoạt hằng ngày. Gần đó, gia đình ông Lũy cũng cho mượn 2 gian nhà gỗ lợp tranh, nhưng việc ăn uống và ngủ chủ yếu bên gia đình tôi” – cụ Chức chia sẻ.

Như để minh chứng cho những điều mình nói, cụ Chức vào tủ tìm tờ giấy ghi lại tên các thành viên người Lào từng cư trú tại gia đình. Theo đó, 3 bác gái là Vông-vi-chít, Thao-phèn và bác Hoàng là người gốc Việt lấy chồng Lào. 3 người con gồm Vi-la-vay (nữ) và 2 người con trai bác Hoàng được gọi theo tên tiếng Việt là Thế Kiệt và Việt Vông, đều nói được cả tiếng Việt và tiếng Lào. Quá trình giao tiếp của gia đình với đoàn người Lào được bác Hoàng phiên dịch. Gạo và lương thực ăn hàng ngày đều do cấp trên cho người đưa đến định kỳ nên các gia đình ở đây không phải chu cấp, nhưng thường xuyên chia sẻ mớ rau, hoa quả, con gà, cua ốc bắt được. Có của ngon, hai bên đều mời nhau, quá trình sinh sống rất tình nghĩa.

“Kỷ niệm nhớ nhất của tôi là mỗi tháng một vài lần, các bác yêu cầu tôi dẫn đi bắt ốc, bắt cua và cá ở cánh đồng Dộc Nia, Cầu Phốc, Ắng Đan, đồng Chặng... Theo tôi, có lẽ ở lâu trong nhà ít được vận động, với lại để cảnh giác, thể hiện mình là đồng bào tản cư nên họ thường ra đồng cùng tôi. Tôi nhớ, cua và ốc bắt về, được anh Vọng và chị Hà chế biến gần giống món giả cày ngày nay nên rất thơm, tất cả mọi người cùng ăn vui vẻ. Thỉnh thoảng, các bác vẫn đến gia đình hàng xóm để chơi, còn việc chính hằng ngày của các bác gái là dạy chữ Lào và chữ Việt cho các con. Với 3 người con, tôi vẫn thường xuyên chơi đánh sẻ, nhảy dây, đi khêu, đá bóng bằng lá chuối khô bện lại hoặc quả bưởi phơi héo, thỉnh thoảng còn đi thả diều...” – cụ Chức hoài niệm.

Cũng theo lời kể của cụ Chức, “Vào tháng 2-1952, trước ngày chia tay, tôi cùng các anh Lê Đình Ngư và Lê Đình Giới được xã gọi lên, giao nhiệm vụ đi dân công trong 3 ngày. Đến tối hôm sau, có 3 cán bộ huyện và 9 dân công khác của huyện Thọ Xuân đến nhà, yêu cầu 3 người chúng tôi đi cùng để khuân vác tư trang, đồ đạc cho những người bạn Lào đang ở gia đình tôi. Đúng thời điểm chia tay, gia đình tôi cũng mới biết cụ thể đây là người của gia đình Hoàng thân Xu-pha-nu-vông được Đảng ta giúp đỡ đưa về che chở. Do yêu cầu bí mật nên mọi người trong gia đình tôi không được biết trước ngày mọi người ra đi, việc chia tay bất ngờ khiến chúng tôi nghẹn ngào, chỉ biết gạt nước mắt trong chứa chan tình thương mến. Sau khi chằng buộc đồ đạc, khoảng 9 giờ tối, tôi cùng mọi người đi đường xã Thọ Tiến, Hợp Thành để đi Như Xuân, sau qua Bãi Trành rồi về Nghệ An. Dưới sự dẫn đường của các cán bộ có vũ khí, chúng tôi đưa đoàn đến sông Hiếu, rồi có người bên phía tỉnh Nghệ An ra nhận đưa qua sông về Nghệ An, nghe nói sau đó đưa đoàn về Lào. Hai người phục vụ đoàn được cấp trên cử về là anh Vọng và chị Hà cũng chào gia đình tôi rồi đi luôn trong đêm chia tay”.

Qua những câu chuyện kể với chúng tôi, cụ Lê Chức nhiều lần rơm rớm nước mắt - những giọt nước mắt của hạnh phúc và tự hào. Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cây ăn quả phía sau nhà, cụ Chức chỉ cây vải cổ thụ - khi ấy đã bắt đầu bói quả mà cụ cùng các con của Hoàng thân hay hái và chơi đùa dưới gốc. Theo cụ, ngày ấy, trong vườn còn có 3 cây lim cổ thụ, các bác gái thường hay ra ngồi nghỉ mát. Những cây lim sau đó bị khai thác, nhưng gốc vẫn còn tận đến những năm 90 mới cho người vào đốt than. Vị trí ngôi nhà của gia đình Hoàng thân Xu-pha-nu-vông ở trước đây, nay được xây dựng căn nhà cấp 4 khang trang của gia đình anh Lê Văn Hiếu, con trai cụ Chức.

Qua sự kiện lịch sử này, có thể thấy rằng, tinh thần cách mạng quốc tế vô sản không hẳn là những lý thuyết cao siêu, mà xuất phát từ lòng thương yêu con người, sự che chở nhau những lúc hoạn nạn, nó ở ngay trong những người dân bình dị xứ Thanh. Ông Phạm Xuân Kỳ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thọ Cường, tự hào: “Tôi là người địa phương, trước đây có nhiều năm làm Chủ tịch UBND xã nên cũng tìm hiểu khá kỹ về sự kiện người dân làng Quần Tín nuôi dưỡng, che chở gia đình Hoàng thân Xu-pha-nu-vông. Địa phương cũng rất tự hào, mong muốn tỉnh, các ngành liên quan, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và huyện Triệu Sơn tăng cường công tác tuyên truyền về sự kiện này để nhiều người biết đến”. Ngày 5-9 tới đây, hai nước Việt - Lào sẽ tổ chức kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào. Sự kiện này là một minh chứng sinh động cho quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước đã được khẳng định từ những giai đoạn kháng chiến khó khăn nhất.

Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/tim-lai-noi-che-cho-va-nuoi-duong-gia-dinh-hoang-than-xu-pha-nu-vong-tren-dat-thanh-hoa/165628.htm