Tìm lại ký ức

Được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức trưng bày chuyên đề 'Tìm lại ký ức'. Triển lãm là dịp để người dân Việt Nam thêm tự hào khi đã lập nên một kỳ tích của thế kỷ XX, là dịp để các cựu phi công Mỹ nhớ lại một khoảng lặng trong cuộc đời họ, giúp lớp trẻ hiểu hơn về chiến tranh, cùng nhau xây dựng hòa bình.

Ký ức không quên của cựu binh Mỹ

Ngày hôm nay, những vết thương chiến tranh đã phần nào được hàn gắn, những nỗi buồn như đã vơi đi, nhiều cựu binh Mỹ đã quay trở lại Việt Nam, tìm lại ký ức không thể quên trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Cựu binh Robert P. Chenoweth là một trong rất nhiều người quay trở lại. Robert P. Chenoweth (tên thân mật là Bob) năm nay 69 tuổi, từng là phi công tham chiến tại Việt Nam và bị giam giữ tại các trại giam trong khoảng 5 năm. Trong khoảng thời gian đó, Bob cùng những người bạn của mình đã được đọc những cuốn sách tiếng Anh về Việt Nam, trong đó có tập san Vietnamese Studies (Nghiên cứu Việt Nam - một trong những tạp chí tiếng nước ngoài mà nhà văn hóa Hữu Ngọc là Tổng Biên tập) đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc nhất. Khi đọc cuốn tạp chí này, nét đẹp về truyền thống văn hóa Việt Nam đã dần ngấm sâu vào tâm hồn Bob, ông từng chia sẻ: “Đối với riêng tôi, những cuốn sách này đã bước vào đời tôi tại một thời điểm tuyệt vời. Chúng làm sáng tỏ những câu hỏi, và cả những câu trả lời của tôi về cuộc chiến tranh, đặc biệt về những con người mà trước đó tôi từng đối đầu”. Khoảng thời gian này đã đưa đến cho Bob một sự quyết định hoàn toàn mới về công việc của ông sau này. Bob đã từ bỏ ước mơ nghiên cứu về máy bay, ông hy vọng sau này được trở về nước sẽ học về ngành sử để có thể hiểu cặn kẽ lịch sử cũng như bề dày văn hóa Việt Nam. Sau khi trở về Mỹ, Bob đã chuyển hẳn sang nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam, trở thành “vị quan chức ngành bảo tàng của Hoa Kỳ”.

Niềm vui của chị Nguyễn Thị Hà (bên phải) khi gặp lại chị Hoài, đồng hương Thừa Thiên Huế tại điểm trao trả tỉnh Quảng Trị, năm 1973. Ảnh: Tư liệu.

Đặc biệt hơn, trong hành trang quay trở lại “Khách sạn Hilton - Hà Nội” lần này của Bob lại là 20 kỷ vật được Bob mang từ Việt Nam về Mỹ cách đây gần 45 năm được ông trao tặng cho Nhà tù Hỏa Lò. Đó là toàn bộ số quân tư trang mà Bob đã được cấp phát để sử dụng trong thời gian sống trong các trại giam ở miền Bắc Việt Nam: Quần áo dài, quần cộc, khăn mặt, dép cao su, bát, đũa ăn cơm, trong đó có một đôi đũa được sơn màu đỏ, Bob cho biết thêm “tôi chỉ dùng đôi đũa đó trong các bữa ăn ngày lễ, Tết”. Tại buổi lễ, ông đã nhiều lần xúc động rơi nước mắt khi nhớ về quá khứ, về ký ức khi có mặt tại Việt Nam tham gia cuộc chiến mà nhờ nó ông ngộ ra nhiều bài học về tự do, hòa bình và thêm hiểu, thêm yêu đất nước, con người, lịch sử Việt Nam.

Với hơn 250 hình ảnh, tài liệu, hiện vật được giới thiệu tới công chúng đã giúp người xem tìm lại những ký ức của một thời đạn bom đầy bi thương nhưng hào hùng của quân và dân Hà Nội, Hải Phòng; hình ảnh những phi công Mỹ ném bom, bị bắt giam tại Trại giam Hỏa Lò; những cuộc trở về từ hai phía và họ đã quay trở lại, nắm tay nhau, cùng nhau xây đắp tương lai. “Tìm lại ký ức” đã dẫn dắt người xem quay trở lại với không gian hai thành phố Hà Nội, Hải Phòng những năm 1972 với “Đất rung, ngói tan, gạch nát”;

Không còn những chuyến bay với B52 hay những trận bom dải thảm, chỉ còn lại những khoảng lặng dành cho những phi công Mỹ suy nghĩ lại những việc đã qua và cảm nhận về cuộc sống bình yên cùng tình người ấm áp tại trại giam Hỏa Lò để hôm nay sau 44 năm rời xa khách sạn “Hilton – Hà Nội”, trung tá thủy quân lục chiến Edison W. Miller một trong số những cựu phi công Mỹ năm xưa nay ở độ tuổi 87 đã có những chia sẻ: “Tôi không gặp vấn đề gì cả, tôi biết đất nước các bạn còn nghèo và tôi thường được ăn súp rau vào buổi sáng và buổi chiều họ không làm tôi bất ngờ khi đưa tôi một bát súp. Vào một lần, một quản giáo Việt Nam nói chuyện với tôi và tôi đã hỏi họ có thể thêm gia vị vào súp không, để món súp thêm hấp dẫn... Và tôi thật tuyệt khi họ làm như vậy thật... Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi họ cho mỗi người chúng tôi 3 điếu thuốc lá 1 ngày và tôi thích khoảng thời gian 3 lần 1 ngày được hút thuốc lá...”

Hơn 250 hình ảnh, hiện vật giá trị

Trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức” được khai mạc ngày 29/11 tại Di tích nhà tù Hỏa Lò đã gợi lại nhiều điều đẹp đẽ, thiêng liêng với các cựu binh Mỹ và Việt Nam. Rất nhiều nhân chứng lịch sử, những người đã từng trải qua những ngày đêm khốc liệt năm 1972 cùng có mặt như: Nữ chiến sĩ tự vệ Phạm Thị Viễn; thân nhân liệt sỹ phi công Hoàng Tam Hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phi công Nguyễn Đức Soát; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phi công Trần Việt; phóng viên ảnh chiến trường Chu Chí Thành đặc biệt là các đồng chí làm công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ phi công Mỹ thuộc đoàn 875, Tổng cục chính trị (1964-1973)...

Trưng bày được chia thành 4 nội dung: Đối mặt với B52; Khách sạn Hilton - Hà Nội; Ngày trở về; Xây đắp tương lai. Với hơn 250 hình ảnh, tài liệu, hiện vật được giới thiệu tới công chúng đã giúp người xem tìm lại những ký ức của một thời đạn bom đầy bi thương nhưng hào hùng của quân và dân Hà Nội, Hải Phòng; hình ảnh những phi công Mỹ ném bom, bị bắt giam tại Trại giam Hỏa Lò; những cuộc trở về từ hai phía và họ đã quay trở lại, nắm tay nhau, cùng nhau xây đắp tương lai. “Tìm lại ký ức” đã dẫn dắt người xem quay trở lại với không gian hai thành phố Hà Nội, Hải Phòng những năm 1972 với “Đất rung, ngói tan, gạch nát”; hình ảnh người dân đi sơ tán, trẻ em tới trường ngoài cặp sách còn có mũ rơm, cáng cứu thương; những hầm trú ẩn cá nhân…hình ảnh quân và dân hai thành phố kiên cường chiến đấu, bắn cháy nhiều máy bay Mỹ và khi dứt tiếng bom, cuộc sống của người dân trở lại bình thường... Lật giở từng khoảnh khắc trở về lịch sử Hà Nội, Hải Phòng những ngày ấy trong những cung bậc cảm xúc: Xót xa, đau buồn, mất mát... nhưng vẫn sáng ngời niềm tin chiến thắng. Chính tình yêu và sự tận hiến đó đã dệt nên bản anh hùng ca át tiếng bom dền.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tim-lai-ky-uc-65083.html