'Tìm lại' giọng nói cho người đàn ông bị ung thư thanh quản sau thời gian câm nín

Sau ca phẫu thuật vét sạch, cắt u thanh quản, anh T, 50 tuổi ở Phú Thọ bỗng rơi vào trạng thái gần như câm, mỗi lần muốn nói thì chỉ phát ra âm thanh ú ớ. Dù được phẫu thuật lại lần 2 và đeo dụng cụ nong thanh quản nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện, việc hít thở, nói của anh T. càng trở nên khó khăn.

Anh T, đã đến khoa Tai mũi họng, BV E (Hà Nội) để thăm khám với hi vọng “tìm lại” được giọng nói của mình. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, các bác sỹ đã quyết định lựa chọn phương pháp tạo hình thanh quản phục hồi giọng nói cho bệnh nhân.

PGS-TS. Lê Minh Kỳ-chuyên gia cao cấp của khoa Khám bệnh theo yêu cầu và quốc tế, BV E cho biết: Do người bệnh đã từng phẫu thuật nội soi cắt các khối u ở thanh quản bằng laze nhưng không hiệu quả mà lại tạo thành sẹo xơ, hẹp thanh quản khiến người bệnh khó thở qua đường tự nhiên, nhất là không rút ống canuyn khí quản. Sau đó, người bệnh tiếp tục được đặt ống nong thanh quản bằng silicon (hoặc kim loại) trong vòng 1-2 năm. Do đặt vật liệu “lạ”, người bệnh ho suốt (do kích thích thanh quản), ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng lao động. Thậm chí, có trường hợp tắc ống nong có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Các bác sĩ đã quyết định cho bệnh nhân thực hiện kỹ thuật tạo hình lại thanh quản bằng chính tổ chức của cơ thể. Kỹ thuật này hầu như chưa được thực hiện cho người bệnh có sẹo hẹp thanh quản ở Việt Nam. Đây là một kỹ thuật khó thường được chỉ định và thực hiện cho bệnh nhân bị ung thư thanh quản để các bác sĩ đồng thời phẫu thuật cắt bỏ khối u và tạo hình thanh quản trong một lần.

“Ưu điểm của kỹ thuật này không sử dụng vật liệu “lạ” mà các bác sĩ phải sử dụng sụn thanh thiệt để tạo hình thanh quản mới sau khi cắt bỏ sẹo hẹp thanh quản cho người bệnh. Người bệnh sẽ không bị những cơn ho hành hạ như trước. Đặc biệt, sau khi tạo hình, nguy cơ ít tái phát lại sẹo hẹp thanh quản. Quan trọng nhất là chức năng thanh quản được đảm bảo, người bệnh thở được bằng đường tự nhiên, nói được ngay sau mổ. Đây thực sự là một giải pháp hữu hiệu trong điều trị các biến chứng thường gặp sau phẫu thuật lấy khối u ở thanh quản cho người bệnh ung thư thanh quản”, PGS-TS. Lê Minh Kỳ nói.

Tuy nhiên, khó khăn của ca phẫu thuật tạo hình này chính là sự khéo léo của phẫu thuật viên phải tính toán để tạo hình thanh quản mới không quá rộng sẽ gây sặc thức ăn vào đường thở và không quá hẹp gây khó thở cho người bệnh.

Sau ca phẫu thuật, giọng nói của bệnh nhân được phục hồi tối đa, thậm chí người bệnh còn có thể hát. Lấy lại được giọng nói của mình, anh T. cho biết: Cách đây 4 năm anh bỗng nhiên thấy khàn cổ, ho nhiều, giọng nói thay đổi. Tình trạng ngày càng nặng hơn khiến anh bị mất tiếng, hụt hơi và lúc nào cũng có cảm giác có vật gì vướng trong cổ họng.

Khi đi khám ở tuyến dưới anh được chẩn đoán ung thư thanh quản và được chỉ định phẫu thuật vét hạch và cắt u thanh quản năm 2018. Sau phẫu thuật 1 năm, sức khỏe anh T, giảm sút trầm trọng. Mỗi lần mang vác vật nặng, anh không thở được. Giọng nói bệnh nhân gần như mất hẳn, chỉ có tiếng kêu ú ớ… Đây là một biến chứng thường gặp sau các phẫu thuật ở vùng thanh quản thanh quản hoặc sau các chấn thương thanh quản.

Anh T, đã được các bác sỹ mổ lại lần 2 nhằm mở khí quản do hẹp khít thanh quản. Sau ca mổ, anh T, phải đeo dụng cụ nong thanh quản liên tục và xuất hiện các cơn ho kéo dài. Việc hít thở của anh cũng trở nên khó khăn, lúc nói thì câu được câu chăng, thậm chí gần như bị câm vì phát âm không thành tiếng. Bệnh nhân chỉ mong thoát khỏi dụng cụ nong thanh quản.

 Sau khi được sử dụng thanh quản tự thân, anh T, đã "tìm lại" được giọng nói của mình và thoát khỏi những cơn ho kích ứng (ảnh T.X).

Sau khi được sử dụng thanh quản tự thân, anh T, đã "tìm lại" được giọng nói của mình và thoát khỏi những cơn ho kích ứng (ảnh T.X).

Nay sau ca phẫu thuật tạo hình thanh quản tự thân anh T, rất vui mừng khi thoát khỏi được dụng cụ nong thanh quản, "tìm lại" được giọng nói, được hít thở bình thường và trở về cuộc sống sinh hoạt, lao động.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, ung thư thanh quản nếu được phát hiện triệu chứng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi là 80%, nhưng đa phần các trường hợp chủ quan và thiếu hiểu biết nên bệnh đã tiến triển ở giai đoạn muộn. Vì vậy, mọi người khi xuất hiện triệu chứng khản tiếng kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt ở độ tuổi trên 40 cần được xét nghiệm, thăm khám kịp thời. Đây là triệu chứng ung thư thanh quản sớm, thường gặp và đôi khi là duy nhất ở nhiều bệnh nhân. Hoặc nếu xuất hiện nhiều bệnh về đường hô hấp như: viêm họng, viêm amidan… nhưng cũng là dấu hiệu thường gặp khi mắc bệnh ung thư thanh quản nên cẩn trọng.

Phong Châu

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tim-lai-giong-noi-cho-nguoi-dan-ong-bi-ung-thu-thanh-quan-sau-thoi-gian-cam-nin-231964.html