Tìm lại cuộc đời sau tháng năm trượt dài với ma túy

'Mỗi buổi sáng đến cơ quan bắt đầu một ngày làm việc, nhìn hàng trăm người bệnh kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt uống thuốc Methadone mà không hề có bất cứ tiếng ồn nào phát ra khiến chúng tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn, tinh thần làm việc cho một ngày mới cũng vì thế mà vui vẻ, phấn chấn hơn.

Có được sự thay đổi đáng kể về nhận thức và hành động của người bệnh như vậy, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của chính bệnh nhân còn có công lao rất lớn của những người thầy thuốc đang hàng ngày sát cánh cùng họ trong quá trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone".

Đó là tâm sự của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Duyên, Trưởng Cơ sở Điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc dạng thay thế Methadone Long Biên (Hà Nội) khi trò chuyện với chúng tôi. Theo bác sĩ Duyên, hiện Cơ sở đang tiếp nhận điều trị cho 408 bệnh nhân nghiện ma túy. Hơn 400 trường hợp là ngần đấy hoàn cảnh gia đình khác nhau, số phận khác nhau nhưng họ có một điểm chung lớn nhất là qua quá trình điều trị Methadone, cuộc đời, nhận thức và hành động của người bệnh đã có những thay đổi tích vực.

Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Duyên, Trưởng Cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc dạng thay thế Methadone Long Biên (Ảnh: Khắc Ngãi)

Kể về một trường hợp từng nghiện ma túy hơn 20 năm, đang điều trị Methadone được hai năm tại cơ sở, bác sĩ Duyên nói: "Tôi ấn tượng mãi về bệnh nhân có tiền sử nghiện ma túy hơn 20 năm. Ngày đầu tiên đến cơ sở đăng ký điều trị, nhìn bệnh nhân này như không chút sức sống nào. Cơ thể chỉ còn da bọc xương, gầy gò, ốm yếu, thậm chí bước đi không vững. Qua lời kể của người nhà bệnh nhân, chúng tôi được biết đó là một trường hợp nghiện ma túy rất nặng. Mỗi ngày, họ phải tiêu tốn vào ma túy hơn một triệu đồng. Hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, vợ con không có việc làm ổn định. Khi không có tiền để thỏa mãn cơn thèm thuốc, bệnh nhân này sẵn sàng gây gổ với những người xung quanh, thậm chí đánh đập vợ con. Tuy nhiên, sau một thời gian gia đình kiên trì vận động, bệnh nhân đã đến đây điều trị Methadone. Sau hai năm điều trị tích cực, hiện tại sức khỏe của bệnh nhân này rất tốt, có thể làm việc kiếm thêm thu nhập, phụ giúp vợ con và đặc biệt nhận thức đã thay đổi rất nhiều. Mỗi ngày đến Trung tâm uống thuốc, các bệnh nhân đều rất vui vẻ, lạc quan và coi các y, bác sỹ tại Trung tâm như người nhà của họ".

Vừa kể chuyện, bác sĩ Duyên vừa gọi một bệnh nhân đang đợi đến lượt uống Methadone vào phòng để trò chuyện. Qua cuộc nói chuyện của bác sĩ và bệnh nhân, chúng tôi thấy họ không có khoảng cách. Cả hai nói chuyện với nhau như người thân ruột thịt trong gia đình. Vừa hỏi thăm tình hình sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ Duyên vừa giới thiệu cho bệnh nhân biết về sự có mặt của chúng tôi tại Trung tâm. Khác với tưởng tượng của chúng tôi rằng bệnh nhân sẽ khó khăn và ngại tiếp xúc với người lạ, tuy nhiên họ lại rất thoải mái, vui vẻ trò chuyện.

Bệnh nhân đó chính là anh P.V.M (38 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội). Chia sẻ với chúng tôi về quãng thời gian chìm đắm trong ma túy, anh M cho biết: "Tôi nghiện ma túy gần chục năm nay. Vì gia đình có điều kiện, bị bạn bè xấu lôi kéo, dụ dỗ, bản thân lúc đó lại chưa nhận thức sâu sắc được tác hại của ma túy nên tôi vướng vào nó từ lúc nào không hay. Gần chục năm vật vã với "cái chết trắng", tưởng chừng có lúc tôi không thể vượt lên được chính mình. Tuy nhiên, nhờ bố mẹ khuyên nhủ, vợ con bên cạnh động viên, đặc biệt là có những bác sĩ tận tâm, tận tình chăm sóc nên tôi đã thay đổi. Trước kia, mỗi ngày tôi tiêu từ 1,8 đến 2 triệu đồng cho ma túy. Sau gần một năm điều trị Methadone, mỗi ngày tôi chỉ mất khoảng 200 - 300 nghìn đồng. Nếu bị ép dùng ít hơn, khả năng tôi vẫn có thể đáp ứng được. Theo các bác sĩ, nếu quá trình điều trị tiến triển tốt như vậy, không lâu nữa tôi sẽ đoạn tuyệt được ma túy. Hiện tại, tôi đang cố gắng rất nhiều để chuẩn bị thật tốt cho ngày hoàn lương".

Nhìn ánh mắt đầy hy vọng của anh M và sự ân cần của bác sĩ Duyên, chúng tôi hiểu rằng ma túy không hẳn là “cái chết trắng”. Chỉ cần sự quyết tâm của người bệnh cùng với sự quan tâm, động viên và chăm sóc nhiệt tình của gia đình, người thân và các y, bác sĩ thì họ sẽ dễ dàng vượt qua và đoạn tuyệt được ma túy.

“Đây là bài tuyên truyền về phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán” của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Khắc Nam

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/tim-lai-cuoc-doi-sau-thang-nam-truot-dai-voi-ma-tuy-d2059208.html