Tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình: Chương trình 'giảm nhiệt', quán quân nhạt nhòa

'The Dubut' - 'Dự án số 1' (phát sóng 21 giờ thứ sáu hằng tuần trên VTV3) có lẽ là chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng âm nhạc gây tranh cãi nhất thời gian gần đây. Ngay cả quán quân của chương trình cũng bị khán giả 'ném đá' không thương tiếc sau khi đăng quang.

Một thực tế không thể phủ nhận là các chương trình giải trí trên truyền hình đang bão hòa, các sân chơi tìm kiếm tài năng âm nhạc ngày càng trở nên nhạt nhẽo và tất nhiên, nhiều quán quân cũng rơi vào tình trạng "lặn mất tăm" sau khi đăng quang.

Những quán quân khiến cư dân mạng "dậy sóng"

Đêm chung kết "The Debut" hôm 7/9 vừa qua bị đánh giá là không thực sự hấp dẫn. Bất ngờ nhất của chương trình chính là ngôi vị quán quân. Lần đầu tiên, Tùng Dương, chàng trai 20 tuổi, ba lần bị loại trở thành quán quân của một cuộc thi lớn trên truyền hình.

Ngay cả đêm chung kết, Tùng Dương cũng đã mất đi cơ hội biểu diễn nhưng cuối cùng "lật ngược tình thế" nhờ có được sự ủng hộ lớn của khán giả với hơn 6.500 lượt chia sẻ trong 40 phút trên mạng xã hội.

Tùng Dương chiến thắng với số phiếu áp đảo là 59,8% từ hội nhà nghề và khán giả. Ngay sau khi đêm chung kết khép lại, cư dân mạng lập tức "dậy sóng" về kết quả chương trình. Nhiều ý kiến cho rằng, Tùng Dương không xứng đáng với vị trí quán quân vì giọng hát yếu, liên tục mắc lỗi về kỹ thuật thanh nhạc.

Tùng Dương, quán quân "The Debut" 2018.

Nếu có giọng hát tốt, phong độ ổn định thì chàng trai trẻ này không phải trải qua chặng đường gian nan như vậy để đến với ngôi vị cao nhất của cuộc thi. Vị trí top 4 có lẽ "vừa vặn" với khả năng của Tùng Dương và cũng "vừa ý" khán giả xem truyền hình.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, điểm mạnh của Tùng Dương là sự trẻ trung, hiện đại, có khả năng tự sáng tác và biểu diễn với "chất riêng" trong âm nhạc. Trước những lời chỉ trích của khán giả, giám khảo Hương Tràm lên tiếng, đại ý rằng, Tùng Dương xứng đáng vì được nhiều người yêu thích và cô tin vào sự lựa chọn của khán giả. "Tôi tin và ủng hộ Tùng Dương vì ngoài tính tình ngoan ngoãn, cầu tiến, chính là tài năng âm nhạc của cậu ấy. Tôi vẫn luôn ủng hộ và tin Tùng Dương xứng đáng là quán quân của The Debut", Hương Tràm chia sẻ.

Hương Tràm đánh giá cao Tùng Dương vì tư duy và "gu" âm nhạc lạ, mang đậm dấu ấn cá nhân. Trong bốn thí sinh lọt vào vòng chung kết, màu sắc âm nhạc của Tùng Dương là nổi bật nhất. Tuy nhiên, cách lý giải của Hương Tràm cũng không thể xoa dịu làn sóng chỉ trích nhằm vào Tùng Dương và chương trình "The Debut" liên tiếp gây sự chú ý vì những lùm xùm ngay từ tập đầu lên sóng.

Tùng Dương không phải là quán quân đầu tiên vấp phải sự tranh cãi của khán giả trong thời gian gần đây. Trước đó, Ngọc Ánh, quán quân "Giọng hát Việt" 2018 cũng bị đánh giá là không xứng đáng. Đêm chung kết "Giọng hát Việt" mùa thứ 5 là cuộc so tài của 5 thí sinh: Minh Ngọc, Ngọc Ánh, Gia Nghi (team Noo Phước Thịnh), Thái Bình (team Tóc Tiên) và Dương Quốc An (team Lam Trường). Với tỷ lệ bình chọn cao nhất, Ngọc Ánh đã giành chiến thắng chung cuộc với tỷ lệ phiếu 34,44%, bỏ khá xa các "đối thủ" khác là Thái Bình với 20,06%, Minh Ngọc với 18,18%, Gia Nghi với 19,09%, Dương Quốc Anh với 8,25%.

Khán giả cho rằng, để Ngọc Ánh trở thành quán quân là sự lựa chọn an toàn vì cô chỉ tạo được ấn tượng ở vòng "Giấu mặt", còn nhạt nhòa ở các vòng sau. Ngọc Ánh được đánh giá là có kỹ thuật thanh nhạc tốt, ngoại hình sáng sân khấu. Tuy nhiên, giọng hát của Ngọc Ánh mang tính đại trà, không có màu sắc khác biệt. Các phần trình diễn của Ngọc Ánh thiếu sự phá cách, đột phá, biến hóa - yếu tố rất cần thiết của một quán quân.

Nghệ sỹ trẻ cần có ý thức xây dựng phong cách âm nhạc riêng

Nếu như vài năm trước đây, những chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc như "Thần tượng âm nhạc Việt Nam", "Giọng hát Việt", "Ngôi sao Việt", "Nhân tố bí ẩn"… được coi như bệ phóng quan trọng để đưa những nghệ sỹ trẻ bước vào showbiz thì giờ đây, hiện tượng "từ con số không trở thành người hùng" sau một đêm dường như không xảy ra. Quán quân đăng quang các cuộc thi ngày càng nhiều nhưng rất ít người có thể tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả sau cuộc thi. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Nhiều ý kiến trái chiều về việc Ngọc Ánh đăng quang ngôi vị cao nhất của chương trình "Giọng hát Việt" mùa thứ 5.

Trước tiên phải thấy rằng, do sự bão hòa các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình. Quá nhiều chương trình giải trí diễn ra trong cùng thời điểm và hiện tượng thí sinh "chinh chiến" từ cuộc thi này đến cuộc thi khác đã diễn ra. Khán giả rơi vào tình trạng "bội thực" các chương trình giải trí. Thậm chí không thể nhớ tên chương trình, thí sinh nối bật trong cuộc thi. Phần lớn các chương trình giải trí có xuất xứ từ nước ngoài và format dù hấp dẫn đến đâu nếu không có sự đổi mới cũng dần trở nên nhàm chán.

Nhiều chương trình tìm kiếm tài năng trong khi tài năng là hữu hạn nên tất yếu dẫn đến tình trạng "cạn kiệt tài năng". Nhà sản xuất buộc phải "so bó đũa, chọn cột cờ" trong số thí sinh tham gia dự thi. Để chương trình hấp dẫn, thu hút khán giả, nhà sản xuất buộc phải sử dụng những yếu tố khác ngoài tài năng để thu hút khán giả. Và tất nhiên, lạm dụng chiêu trò sẽ phản tác dụng.

Trở lại câu chuyện của "The Debut", nhà sản xuất đã sử dụng nhiều chiêu trò nhưng điều đó không thể lấp đầy được khoảng trống về chất lượng chương trình. Trước khi lên sóng, ê kíp sản xuất giới thiệu, "The Debut" cam kết đảm bảo tính thực tế, minh bạch, sự khác biệt về tư duy âm nhạc so với các chương trình âm nhạc khác. Tuy nhiên, những gì diễn ra khiến khán giả "thất vọng toàn tập". Dàn dám khảo mà cư dân mạng nói vui là "vắt mũi chưa sạch" với những màn "đấu khẩu" nảy lửa càng khiến khán giả ngán ngẩm.

"Luật chơi" tính lượt chia sẻ hình ảnh để cứu Tùng Dương trong đêm chung kết cũng bị chỉ trích là chiêu trò "có một không hai". Nhiều người còn ví von rằng, cách thức này không khác gì chiêu trò "câu view" của các trang mạng bán hàng online.

Lấy lượt chia sẻ của cư dân mạng để quyết định số phận của thí sinh là điều không nên có trong một cuộc thi tìm kiếm tài năng. Khán giả cũng đặt câu hỏi, liệu chương trình có lợi dụng thí sinh có lượng fan đông đảo để câu view hay không. Chính những lùm xùm bên ngoài cuộc thi đã làm lu mờ chương trình, trong khi chất lượng thí sinh, tiết mục biểu diễn mới là cốt yếu tạo nên sức hấp dẫn của chương trình.

Tương tự như vậy, "Giọng hát Việt" mùa thứ 5 cũng hạ nhiệt đáng kể. Không có nhiều thí sinh chất lượng, nhà sản xuất buộc phải khai thác yếu tố giải trí từ những người ngồi ghế nóng. Dàn giám khảo hot với những tên tuổi như Thu Phương, "Anh Hai" Lam Trường, Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên, cùng với đó là những thay đổi về luật chơi cũng không đủ tạo sức hút cho chương trình. Không ít khán giả bày tỏ sự thất vọng về "Giọng hát Việt" năm nay. Ngay cả các tiết mục biểu diễn trong đêm chung kết cũng bị đánh giá là thiếu điểm nhấn.

Yếu tố quan trọng nhất của các chương trình tìm kiếm tài năng chính là tài năng. Không có các tài năng thì chiêu trò dù có "cao siêu" đến đâu cũng không cứu nổi chương trình tụt dốc. Tôi cho rằng, để các chương trình hấp dẫn khán giả, nhà sản xuất cần phải tập trung vào việc phát hiện và mài giũa để các tài năng đó tỏa sáng một cách thực chất. Chiêu trò chỉ là cái vẻ hào nhoáng bề ngoài và cần có những giới hạn cần thiết. Lạm dụng chiêu trò sẽ phản tác dụng và sớm hay muộn cũng bị khán giả tẩy chay.

Với các nghệ sỹ trẻ, giọng hát, ngoại hình là điều đáng quý nhưng quan trọng hơn là phải có ý thức xây dựng phong cách, cá tính âm nhạc của riêng mình. Để thành công trên con đường nghệ thuật, người nghệ sỹ cần có tài năng và tài năng đó phải được phát triển cùng với cá tính sáng tạo nghệ thuật riêng biệt.

Tường Phạm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/tim-kiem-tai-nang-am-nhac-tren-truyen-hinh-chuong-trinh-giam-nhiet-quan-quan-nhat-nhoa-510815/