Tìm kiếm giải pháp để biến nhựa thành 'bạn'

Xác định tầm quan trọng không thể thay thế của nhựa, các chuyên gia môi trường cho rằng cần tìm ra các mô hình kinh doanh theo hướng sinh thái, qua đó đưa nhựa quay trở lại cuộc sống theo đúng vai trò.

Nhựa nhiều hơn cá ở biển

Nhựa nhiều hơn cá ở biển

Từ thực trạng ô nhiễm môi trường, giảm thiểu đa dạng sinh thái do rác thải nhựa đặt ra tầm quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hiện tại.

Chia sẻ tại tọa đàm “Sáng kiến kinh doanh giảm phát thải nhựa”, ngày 8/7, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng bộ phận quan hệ đối tác Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, cho biết mô hình kinh tế tuần hoàn được giới thiệu tại Việt Nam từ khoảng năm 2016, được nhìn nhận với 3 điểm chính: sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên; sử dụng hiệu quả sản phẩm, kéo dài vòng đời sản phẩm; thay đổi tâm lý sử dụng, đánh giá hiệu quả mô hình kinh tế đó.

Nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn đã tồn tại lâu ở Việt Nam, có thể kể đến mô hình chuồng, hợp tác xã nhưng chưa nhìn nhận với khái niệm kinh tế tuần hoàn.

“Nhựa là bạn và là một phần tất yếu của cuộc sống. Chúng ta không thể hoặc chưa thể thay thế các sản phẩm từ nhựa, nhưng hãy tăng giá trị và sử dụng đúng giá trị của nó, cần thay đổi từ thiết kế sinh thái để nhựa quay trở lại cuộc sống”.

Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng bộ phận quan hệ đối tác Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam

Theo ông Hải, những điều cần thiết khi chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn cần tập trung vào mức độ chủ động của doanh nghiệp, thay đổi quy trình sản xuất nhằm thay đổi quan niệm về rác thải là nguồn nguyên vật liệu thứ cấp đồng thời xây dựng và kiến tạo, thực hiện pháp luật, áp dụng chính sách đầu tư mua sắm.

“Các doanh nghiệp cần ưu tiên sản phẩm của mô hình kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường và hỗ trợ tài chính, nguồn vốn để doanh nghiệp có thể chuyển đổi về công nghệ”, ông Hải bày tỏ thêm.

Trao đổi thêm về những khó khăn doanh nghiệp gặp phải, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chỉ ra, giá thành cao so với sản phẩm làm từ nhựa thông thường do vấn đề thu thuế, phân biệt sản phẩm thân thiện với môi trường thật với các sản phẩm giả bằng cách dán nhãn sinh thái đang làm khó doanh nghiệp.

Trước thực trạng đó, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, đại diện Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, môi trường là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay và Luật Bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện 4 lần từ năm 1993 đến nay. Rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu. Điều quan trọng nhất là cần ngừng xả thải ra môi trường, đặc biệt với biển và đại dương, thu gom và tái chế.

Cũng tại tọa đàm để thúc đẩy các giải pháp kinh doanh giảm thiểu tác động tiêu cực của nhựa, cuộc thi “Tìm kiếm mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải nhựa thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn PlastiNOvation” nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương (LSPP), tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã được phát động.

PlastiNOvation là cuộc thi hướng tới thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn thông qua tìm kiếm và hỗ trợ các doanh nghiệp có sáng kiến giảm rác thải nhựa sáng tạo, thuộc khuôn khổ dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” (LSPP - Local Solutions for Plastic Pollution), được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID.

Với vai trò Trưởng ban tổ chức cuộc thi PlastiNOvation, bà Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ, các giải pháp dựa trên khoa học công nghệ đổi mới sẽ hỗ trợ cho mục tiêu của Chính phủ về vấn đề giải quyết rác thải nhựa, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Việc giảm thiểu rác thải nhựa sẽ mang đến lợi ích cả về kinh tế và môi trường.

“Với vai trò là một tổ chức khoa học công nghệ, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh GreenHub kết nối đổi mới sáng tạo thông qua các diễn đàn hợp tác giữa cộng đồng địa phương, doanh nghiệp, chính quyền và các nhà đầu tư để triển khai các dự án liên quan đến giảm rác thải nhựa. Chúng tôi tin cuộc thi sẽ là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp xanh kinh doanh trong mảng giảm thiểu rác thải nhựa cất cánh”, bà Trang nhấn mạnh.

Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) là một tổ chức khoa học công nghệ thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), được thành lập ngày 15/3/2016 với sứ mệnh tạo dựng nền tảng, kết nối cộng đồng và nguồn lực để thực hành lối sống xanh, sản xuất xanh và bảo tồn thiên nhiên.

Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” (Local Solutions for Plastic Pollution - LSPP) được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID thuộc chương trình “Dự án Các Hoạt động Địa phương Việt Nam vì Sức khỏe Môi trường”, được thực hiện bởi GreenHub và 3 đối tác (ISPONRE, HUPH-VOHUN, GIMASYS) từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2023, tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam).

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tim-kiem-giai-phap-de-bien-nhua-thanh-ban-post8485.html