Tìm kiếm cơ hội từ những thị trường ngách

Đa dạng hóa thị trường, mở rộng không gian tăng trưởng xuất khẩu, khai phá các thị trường phi truyền thống sẽ là bước đi cần thiết trong năm 2023 để tạo thế cân bằng và duy trì thương mại bền vững trong tương lai.

Trao đổi với Mekong ASEAN về chủ đề mở rộng thị trường ngách cho xuất khẩu, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương nhận định, thị trường khu vực Mỹ Latinh nổi lên là một tệp bạn hàng thương mại nhiều tiềm năng.

Mặc dù là thị trường ngách nhưng trong vòng 5 năm, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đã tăng từ 11,6 tỷ USD năm 2016 lên mức 21,4 tỷ USD năm 2021.

Riêng về xuất khẩu, năm 2021 Mexico là thị trường có kim ngạch lớn nhất với khoảng 4 tỷ USD, Brazil đứng sau với 2 tỷ USD, tiếp đến là Chile với khoảng 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, các thị trường mới nổi cũng đang trở thành điểm sáng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể như xuất khẩu với Colombia năm 2021 đạt 666 triệu USD, tăng 44,6%; với Peru đạt 560 triệu USD, tăng 84,4%; với Panama đạt 462 triệu USD, tăng 49,3%, Costa Rica đạt 181 triệu USD, tăng 267%.

Đối với khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Việt Nam có quan hệ thương mại với 33 quốc gia. Với tổng dân số xấp xỉ 670 triệu, trong đó các thị trường phi truyền thống và mới nổi có hơn 400 triệu dân, đây là khu vực có quy mô và tiềm năng thị trường lớn.

Tiềm năng ở chỗ, hiện kim ngạch xuất khẩu sang khu vực thị trường Mỹ Latinh hiện chỉ chiếm khoảng 3,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với thế giới. Lấy con số tính đến 10 tháng đầu năm 2022, kim thương mại hai chiều đã đạt 18,7 tỷ, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu đạt 10,2 tỷ USD, tăng 5,3%.

"Với các thị trường nhỏ, dù kim ngạch hai chiều nói chung và kim ngạch xuất khẩu nói riêng còn thấp và chưa tăng trưởng bền vững, nhưng tiềm năng xuất khẩu hàng tiêu dùng rất khả quan, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể xem xét tiếp cận trong thời gian tới", theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ.

Với nhu cầu phát triển và tiêu dùng cao, trong khi nền sản xuất nội địa chưa đáp ứng, sử dụng nhập khẩu để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và tiêu dùng vẫn sẽ là xu hướng chính của nhiều nước tại khu vực Mỹ Latinh trong ngắn và trung hạn.

Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam lại đang đáp ứng tốt yêu cầu và thị hiếu của các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao. Chính vì vậy, về cơ bản hàng hóa Việt sẽ có nhiều thuận lợi trong tiếp cận và chinh phục thị trường Mỹ Latinh, nhất là ở phân khúc bình dân và trung cấp.

Việt Nam và các đối tác Mỹ Latinh đang triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận để tạo đòn bẩy cho quan hệ kinh tế thương mại đầu tư. Nổi bật là hiệp định CPTPP với Peru là thành viên; hiệp định Thương mại tự do với Chile (VCFTA) hay hiệp định Thương mại với Cuba. Hiện Việt Nam đang tiếp tục trao đổi khả năng đàm phán một Hiệp định thương mại tự do với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Các hiệp định nói trên đã và đang mang lại những tác động tích cực (bao gồm giảm thuế quan nhập khẩu), tạo động lực cho quan hệ thương mại – đầu tư song phương.

Mỹ Latinh là thị trường xa nhất về khoảng cách địa lý với Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ tới giá xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Để khai thác tốt thị trường, cần rất nhiều thời gian, chi phí phát sinh lớn. Nói cách khác, tiếp cận thị trường Mỹ Latinh đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực và một chiến lược dài hơi.

Việc chưa có tuyến vận tải hành khách và hàng hóa trực tiếp sẽ dẫn tới chi phí vận tải và hậu cần cao, thời gian vận tải kéo dài, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm Việt.

Về cạnh tranh, hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với hàng giá rẻ của Trung Quốc, Ấn Độ, vấp phải sự cạnh tranh từ chính các nước trong khu vực. Trong khi đó, mức độ nhận thức của các doanh nghiệp nhập khẩu nước bạn đối với chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất của Việt Nam còn tương đối thấp.

Đối với các sản phẩm thực phẩm, một số quốc gia có thị hiếu và khẩu vị khác biệt, nên có xu hướng nhập khẩu dưới dạng đặt hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, mặc dù không phổ biến. Hình thức này chỉ phù hợp với khả năng của các doanh nghiệp vừa là nhà sản xuất, đồng thời là nhà xuất khẩu. Các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu sẽ khó đáp ứng những yêu cầu tương tự.

Một khu chợ tại Peru.

Một khu chợ tại Peru.

Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, đã lấy việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu như là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Trong năm 2023 và những năm sắp tới, trước sự bất định của nền kinh tế thế giới, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, Việt Nam cần mở rộng khai thác các thị trường ngách tiềm năng như châu Phi, Mỹ Latinh.

Đây là các thị trường mới nhưng đang gia tăng dân số, nhu cầu đối với hàng hóa tiêu dùng ngày càng lớn, nền sản xuất nội địa lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Mặt khác, thị hiếu và yêu cầu tiêu chuẩn sản phẩm chưa khắt khe, hàng hóa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá cả.

Mỹ Latinh còn là nguồn cung nguyên vật liệu tiềm năng cho các ngành sản xuất trong nước như các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, khoáng sản... Các doanh nghiệp nhập khẩu có thể xem xét cân nhắc đa dạng nguồn cung theo hướng có lợi cho doanh nghiệp mình, theo Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ.

Việc mở rộng sang các thị trường ngách là hướng đi mang tính chiến lược, các doanh nghiệp có thể đa dạng hóa thị trường, thêm đối tác bạn hàng, mở rộng khả năng giao dịch về giá cả, nguồn hàng, góp phần giảm bớt rủi ro trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không ngừng biến động.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tim-kiem-co-hoi-tu-nhung-thi-truong-ngach-post16401.html