Tìm kênh đầu tư hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới ở đâu?

Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh bình thường mới, nên chọn đầu tư theo sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chính sách hỗ trợ của Chính phủ…

Tọa đàm về chủ đề “Bình thường mới - Tìm kênh đầu tư hiệu quả” diễn ra sáng nay 12/11. Ảnh: Chí Cường

Tọa đàm về chủ đề “Bình thường mới - Tìm kênh đầu tư hiệu quả” diễn ra sáng nay 12/11. Ảnh: Chí Cường

Chia sẻ tại buổi tọa đàm về chủ đề “Bình thường mới - Tìm kênh đầu tư hiệu quả” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 12/11, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ươngNguyễn Tú Anh cho biết, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch Covid-19 được dự báo có thể làm giảm đáng kể tiềm năng công nghiệp hóa của Việt Nam trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, bối cảnh bình thường mới hiện nay dù rủi ro hơn nhưng dòng thanh khoản cũng đang lớn hơn tạo ra các cơ hội.

“Chẳng hạn cơ hội khi thị trường chứng khoán Mỹ leo cao cũng do dòng tiền dư thừa. Vì vậy, trong xu hướng này, tùy khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư sẽ có lựa chọn kênh đầu tư khác nhau.

Song, để đầu tư muốn ít rủi ro hơn mà vẫn đảm bảo lợi nhuận thì nên đầu tư dài hạn bởi Covid-19 rỗi cũng sẽ qua đi”, vị này nói.

Cũng theo vị này, các DN nên đầu tư dựa trên sự điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

“Sự dịch chuyển chuỗi sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam khi các dự án lớn đổ về sẽ kéo theo cơ hội.

Tuy nhiên, không nên chỉ nhìn vào việc đầu tư vào chuỗi cung ứng của nhà đầu tư nước ngoài. Bản thân các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đang xây dựng chuỗi cung ứng”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo ông, sở dĩ chúng ta nên chọn hướng đầu tư như vậy bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể bám vào các ông lớn này. Đặc biệt ở các ngành mà Việt Nam có lợi thế như nông nghiệp hay ngành điện tử Việt Nam cũng đã phát triển thời gian qua nhờ sự dẫn dắt của nhà đầu tư nước ngoài các năm qua.

Hơn nữa, thời gian tới, chính sách hỗ trợ của các Chính phủ cũng như Việt Nam sẽ tập trung vào các ngành để bảo vệ tốt nhất số lượng việc làm.

Do đó, Chính phủ sẽ có xu hướng lựa chọn hỗ trợ những ngành có độ lan tỏa lên toàn nền kinh tế, dù có thể không đầu tư nhưng có thể chi tiêu để mua sắm sản phẩm của một ngành có thể tạo ra công ăn việc làm cho nhiều ngành khác…

Quốc hội vừa họp phiên toàn thể biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 với 89,21% đại biểu tán thành. Theo đó, mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP là 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người, chỉ số giá tiêu dùng bình quân đạt 4%...

Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để vừa thúc đẩy xuất khẩu, vừa phát triển mạnh thị trường trong nước; Trong đó, chú trọng kích cầu tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối trong nước và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống. Ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công có đủ điều kiện...

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tim-kenh-dau-tu-hieu-qua-trong-boi-canh-binh-thuong-moi-o-dau-d485817.html