Tìm hướng xử lý phụ phẩm nông nghiệp

Theo thống kê, khối lượng phụ phẩm nông nghiệp phát sinh hàng năm tại Hà Nội lên tới hàng triệu tấn. Việc giải quyết triệt để số phụ phẩm này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường nông thôn.

Phụ phẩm tái chế chiếm 25 - 30%

Tổng diện tích gieo trồng của Hà Nội hiện nay vào khoảng 244.560ha cây hàng năm và 22.360ha cây lâu năm. Khối lượng phụ phẩm nông nghiệp mỗi năm lên tới 3,26 triệu tấn. Trong đó, rơm rạ chiếm gần 2,1 triệu tấn, cây rau màu các loại khoảng 657.000 tấn, còn lại là các sản phẩm khác, bao gồm cả vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật…

 Phụ phẩm nông nghiệp được sử dụng để nuôi giun quế tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Tùng Nguyễn

Phụ phẩm nông nghiệp được sử dụng để nuôi giun quế tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Tùng Nguyễn

Mặc dù vậy, theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được sử dụng, tái chế chỉ chiếm khoảng 25 - 30% tổng khối lượng. Hầu hết phụ phẩm còn lại bị vứt trên đồng ruộng hoặc bị đốt bỏ, tác động tiêu cực đến môi trường. Điển hình là việc đốt rơm rạ ngay trên đồng phát thải một lượng lớn khí CH4, N2O, tro bụi cùng nhiều chất độc hại, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và sức khỏe của người dân. Đặc biệt, đối với vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, một bộ phận nông dân hiện nay vẫn giữ thói quen vứt bỏ trên đồng ruộng sau khi sử dụng. Các hoạt chất hóa học trong thuốc ngấm vào đất, ảnh hưởng đến thổ nhưỡng cũng như chất lượng nguồn nước về lâu dài.
Nâng cao nhận thức của người dân
Thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Trên cơ sở Chỉ thị số 15/CT-UBND của UBND TP, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Đến nay, lượng rơm rạ bị đốt bỏ trên đồng ruộng đã giảm đáng kể như tại huyện Gia Lâm giảm 99%, huyện Mỹ Đức giảm 98%, huyện Ứng Hòa giảm 90%...
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã phối hợp với các địa phương phát động phong trào thu gom rác thải, phế thải đồng ruộng; triển khai mô hình “Cánh đồng không thuốc bảo vệ thực vật” đến người dân các xã, phường, thị trấn. Đồng thời tích cực vận động các cơ sở sản xuất, hộ dân cam kết không vứt rác thải nguy hại ra đồng ruộng; thực hiện thu gom các loại bao bì, chất thải vào bể chứa, thùng chứa theo quy định bảo vệ môi trường…
Mặc dù đã có những hoạt động tích cực nhằm quản lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên thực tế công tác này vẫn còn những khó khăn nhất định. Nổi cộm là công tác truyền thông về bảo vệ môi trường nông thôn ở cấp huyện, xã chưa thường xuyên, hiệu quả còn hạn chế. Cùng với đó, ý thức chấp hành quy định của một bộ phận người sản xuất chưa cao…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, việc thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề môi trường trong sản xuất nông nghiệp vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm. Sở NN&PTNT cũng sẽ tăng cường các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý phụ phẩm nông nghiệp. Khuyến khích và có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân áp dụng, tiến tới nhân rộng các công nghệ sản xuất sạch hơn… Ngoài ra, công tác giám sát việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, các quy định của TP về nghiêm cấm đốt rơm, rạ sau thu hoạch cũng sẽ được tăng cường. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, sẽ có hình thức xử lý nghiêm để tạo sức răn đe...

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tim-huong-xu-ly-phu-pham-nong-nghiep-413675.html