Tìm hướng ra cho tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn

Sở NN & PTNT tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức Hội thảo nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả trong việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh Quảng Nam đã có những bước tăng trưởng đáng kể. Hằng năm, ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam đã cung cấp ra thị trường hơn 100.000 tấn sản phẩm thủy sản, gần 240.000 tấn rau, củ, quả và hơn 60.000 tấn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện và có kiểm soát.

Năm 2016, Quảng Nam triển khai thí điểm mô hình chuỗi thịt lợn tại Thăng Bình, đến năm 2017, tỉnh Quảng Nam tiếp tục triển khai phương án thí điểm 6 chuỗi cung cấp thực phẩm thịt lợn, thịt gà, trứng gà, rau, tôm, nước mắm an toàn với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Năm 2018, Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Nam đã chỉ đạo các Chi cục duy trì các chuỗi và nhân rộng thêm những chuỗi mới tại các địa phương.

Người tiêu dùng cần tìm hiểu rõ các thông tin chứng nhận, truy xuất nguồn gốc khi mua sản phẩm hữu cơ. Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ đối với sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn của địa phương hiện vẫn đang gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, triển khai chuỗi, việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Đa số người tiêu dùng hiện nay khó tiếp cận nông sản sạch khi thống kê từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho thấy, có đến 85% nông sản tiêu thụ qua các kênh truyền thống là chợ, shop nhỏ lẻ hay là gánh hàng ven đường, chỉ có 15% còn lại là qua kênh hiện đại như siêu thị hay cửa hàng tiện lợi.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó cần chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung an toàn; các mô hình cung ứng nông sản sạch; đẩy mạnh liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại; hỗ trợ nhân rộng các mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn.

Về phía người sản xuất, cần định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ của gia đình, trang trại (chợ địa phương, khu vực dân cư, siêu thị hay xuất khẩu), vì mỗi thị trường đều có các yêu cầu khác nhau. Nhà phân phối cần tìm hiểu rõ sản phẩm đang phân phối như: tiêu chuẩn hữu cơ nào đang được áp dụng, đơn vị nào chứng nhận chất lượng sản phẩm và giá cả đi liền với giá trị sản phẩm đó.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần phải tìm hiểu các thông tin khi mua sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Người tiêu dùng còn thực hiện chức năng vai trò giám sát thị trường đối với sản phẩm mình sử dụng, để có những phản ánh kịp thời, điều này sẽ đảm bảo quyền lợi cho chính người tiêu dùng, thúc đẩy sự minh bạch của thị trường.

Ngọc Khánh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/kinh-te/quang-nam-giai-phap-nao-cho-tieu-thu-san-pham-nong-lam-thuy-san-an-toan-1261089.html