Tìm hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Với diện tích khoảng 3,94 triệu héc-ta, chiếm 12% diện tích cả nước, những năm qua ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, với sự tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan khiến sản xuất nông nghiệp luôn bị ảnh hưởng.

Sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đang thay đổi để thích ứng tình hình mới. Ảnh: H.THU

Tăng trưởng nhưng vẫn lo

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho hay: Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của địa phương; vì vậy những năm qua Đồng Tháp đã tiên phong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đáp ứng theo tình hình mới. Tỉnh xác định 5 ngành hàng thế mạnh để đầu tư là lúa gạo, hoa kiểng, xoài, cá tra và nuôi vịt. Tất cả được quy hoạch bài bản, thay đổi phương thức sản xuất; tăng cường hợp tác, liên kết thị trường nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng và đẩy mạnh khâu chế biến để nâng giá trị sản phẩm. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch… đã mở ra hướng tiếp cận mới, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Nhờ đó mà từ đầu năm 2020 đến nay giá trị sản xuất ngành trồng trọt của tỉnh đạt hơn 13.176 tỉ đồng, tăng 508 tỉ đồng so với cùng kỳ...

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Hàng năm tỉnh sản xuất khoảng 625.000ha lúa, hơn 54.700ha rau màu các loại, 18.000ha cây ăn trái và nuôi thủy sản với sản lượng khoảng 532.000 tấn/năm... Hầu hết được khuyến khích sản xuất theo hướng liên kết, ứng dụng các mô hình VietGAP, công nghệ cao để nâng chất lượng và giá trị sản phẩm. Chính điều này đã giúp mức tăng trưởng của khu vực nông lâm thủy sản trong năm vừa qua đạt 2,65%, cao hơn kế hoạch đề ra.

Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, trong 6 tháng đầu năm, với thời tiết cực đoan cao điểm của nắng nóng gay gắt ảnh hưởng trực tiếp đến các loại cây trồng và rau màu có nguy cơ thiếu nước tưới, bên cạnh đó yếu tố hạn mặn xâm nhập đe dọa đến những vùng sản xuất cây ăn trái và các loại cây trồng khác. Trước tình hình đó, ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, phòng chống các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, chuẩn bị hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp ra thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù phải đối mặt với những thách thức từ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, khó khăn về thị trường tiêu thụ nhất là đối với cây lúa, chăn nuôi heo, nhưng theo ngành nông nghiệp Hậu Giang thì nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành vẫn đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng tiếp tục được thực hiện. Riêng vụ lúa Đông xuân 2019-2020, tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao chiếm rất cao; diện tích cây ăn trái tăng so với cùng kỳ. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn tập trung công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm, phòng chống hạn mặn, phòng cháy chữa cháy rừng. Tuy nhiên, giá cả các nông sản còn thấp và tính cạnh tranh chưa cao; việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao nên sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn vẫn còn khá ít.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý, cùng với những mặt được trên thì trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tác động của biến đổi khí hậu, khiến nông nghiệp vùng ĐBSCL gặp khó khăn và đứng trước thách thức lớn, cần có giải pháp ứng phó phù hợp.

Thích ứng với tình hình mới

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhìn nhận: “Lâu nay tỉnh có thế mạnh về sản xuất giống thủy sản, giống lúa…, song vẫn còn ở quy mô nhỏ, chưa tạo ra giá trị lớn để đóng góp nhiều cho tăng trưởng ngành nông nghiệp. Ngoài ra, cũng chưa hình thành được những ngành hàng sản xuất quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Việc chuyển giao công nghệ dù có nỗ lực nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tăng nhanh về năng suất, chất lượng…”. Khắc phục những hạn chế trên, tới đây An Giang sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Đẩy mạnh các mô hình sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh, nâng giá trị canh tác và thu nhập cho nông dân. Chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL cho rằng, dù đã đánh giá sớm tình hình hạn mặn 2019-2020 gay gắt và triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Tuy nhiên, toàn vùng vẫn có khoảng 41.900ha lúa Đông xuân thiệt hại; 6.650ha cây ăn trái bị ảnh hưởng; hàng ngàn héc-ta rau màu và hơn 8.715ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 96.000 hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt; sạt lở, sụp lún xảy ra tràn lan ở ĐBSCL... Điều này cho thấy thiên tai khó lường và chúng ta phải nhanh chóng thay đổi để thích ứng.

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững, đổi mới giống cây trồng, tiếp tục phát triển có chọn lọc các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, một số loại cây ăn quả có thế mạnh, phù hợp với thị trường, phát huy tối đa các lợi thế về điều kiện tự nhiên như khóm, cam, quýt, chanh không hạt, bưởi, xoài, mãng cầu xiêm, mít... Mạnh dạn khuyến khích chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ và chuỗi liên kết; khuyến khích chuyển đổi đất lúa, mía kém hiệu quả sang cây trồng khác và nuôi thủy sản, chuyển đổi chăn nuôi từ heo sang loại khác như gia cầm, dê, đại gia súc, các loài đặc sản. Tăng sản xuất lúa gạo theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Hậu Giang sẽ bám sát diễn biến thời tiết, thông tin thị trường để kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại do diễn biến bất thường của thời tiết. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa tình trạng cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng…, góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, sản xuất nông sản sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ; phát triển các vùng sản xuất hàng hóa với sản phẩm chủ lực, rà soát xây dựng và cung cấp các thông tin về mã số vùng trồng, diện tích và địa điểm; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiêu thụ kịp thời nông sản cho người dân, hạn chế tình trạng dư thừa, giá giảm gây thiệt hại cho người sản xuất. Xây dựng hình ảnh sản phẩm thông qua nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Đẩy mạnh kêu gọi và kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tại các vùng sản xuất tập trung. Tăng cường kết nối doanh nghiệp với tổ chức nông dân, HTX thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng...

Theo Bộ NN&PTNT, để phát triển nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với những thay đổi về điều kiện tự nhiên và thị trường thì cần tập trung xử lý các yếu tố nội tại, cùng với tài nguyên, con người, tiến bộ khoa học công nghệ… biến nguy cơ thành thời cơ và biến bất lợi thành lợi thế. Tới đây, cần ưu tiên phát triển chế biến và thương mại trong chuỗi giá trị nông nghiệp; trong nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tập trung giải quyết 3 nội dung là giống, thức ăn và chế biến. Phấn đấu đến năm 2025, xác định được bộ giống tốt nhất, thích ứng biến đổi khí hậu cho 3 ngành hàng chủ lực (thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo); đến năm 2030, làm chủ nguồn giống trong nước và vươn tầm ra thế giới.

Đối với chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 120 của Chính phủ, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống công trình theo mục tiêu “kiểm soát mặn, bổ sung ngọt”, sử dụng nước mặn thực sự là nguồn tài nguyên tại các vùng chuyển đổi phù hợp; tiếp tục chuyển dịch sản xuất từ “lúa gạo - trái cây - thủy sản” sang mô hình “thủy sản - trái cây - lúa gạo”. Mặt khác, đẩy nhanh đầu tư các công trình phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL...

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, giai đoạn từ năm 2016-2019, nông nghiệp vùng ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng GDP trung bình khoảng 3%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân toàn ngành (2,7%/năm); nông nghiệp ĐBSCL đóng góp khoảng 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp của cả nước và 33,5% GDP chung của vùng ĐBSCL. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản ĐBSCL đạt trên 8,5 tỉ USD, chiếm 56,7% kim ngạch xuất khẩu chung của vùng và chiếm 20,1% kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước; trong đó gạo chiếm 80% kim ngạch gạo của cả nước, cá tra chiếm 95%, tôm chiếm 60% và trái cây chiếm 65%...

Theo H.TÂN - H.THU (Báo Hậu Giang)

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tim-huong-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-a282022.html