Tìm hướng đi mới cho sản phẩm nấm đã quen thuộc trên thị trường

Bắt tay vào khởi nghiệp với mặt hàng đã rất đỗi quen thuộc và phổ biến trên thị trường là nấm, mộc nhĩ, chị Nguyễn Thị Huệ, thôn Sơn Đông, xã Hải Chính (Hải Hậu, Nam Định) thận trọng tìm tòi hướng đi mới và đã gặt hái được những thành công nhất định.

Năm 2001, chị Nguyễn Thị Huệ lập gia đình, đây cũng là giai đoạn gia đình gặp nhiều khó khăn nhất. Thuộc diện hộ nghèo của xã, vợ chồng anh chị tất tả với nghề làm muối truyền thống của địa phương vất vả, bấp bênh, thu nhập không được là bao. Anh chị cũng phải xoay xở đủ loại công việc; không nề hà đi làm thuê, làm tôm cá khô… để thêm thắt thêm thu nhập, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.

Năm 2011, gia đình chị quyết định đầu tư, phát triển kinh tế gia đình theo hướng mới là trồng nấm. Chị Huệ chia sẻ: Trước khi đầu tư, 2 vợ chồng chia nhau đến các chợ, các đại lý để nắm bắt nhu cầu của thị trường. Tại các chợ huyện, thị trấn trong vùng đã có các mặt hàng nấm, bởi đây cũng là mặt hàng quen thuộc trong các bữa ăn của nhiều gia đình. Tuy nhiên, qua nắm bắt, tìm hiểu từ các đại lý, chị nhận thấy sản phẩm nấm và mộc nhĩ được bán trong huyện phần lớn phải nhập ở nơi khác về, chi phí vận chuyển cao. Trong khi đó, trong huyện vẫn chưa có cơ sở nào trồng nấm.

Các sản phẩm nấm phần lớn không được đóng gói, không có tên, địa chỉ cơ sở sản xuất để người tiêu dùng nhận diện và tăng thêm độ tin tưởng, mà chất lượng thì chưa cao. Chị Huệ cho rằng, “mình đi sau thì phải tìm được hướng đi khác biệt, phải có sự đổi mới thì mới mong cạnh tranh được”. Sản phẩm của gia đình chị khi tung ra thị trường đã có những cải tiến như đóng gói sản phẩm, chia theo nhiều loại với trọng lượng khác nhau để đa dạng sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Khi mới bắt tay vào hoạt động mô hình sản xuất các sản phẩm nấm, chị Huệ tâm sự: “Mọi thứ đều mới mẻ, kinh nghiệm thị trường còn hạn chế, đặc biệt là nguồn vốn còn thiếu nên gia đình tôi chỉ tập trung phát triển thị trường ở tại địa bàn trong huyện”. Ban đầu chị xác định tập trung vào xây dựng uy tín và chất lượng sản phẩm. Vợ chồng chị đã kiên trì học hỏi từng bước, học đến đâu làm đến đó và quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Việc chăm sóc nấm cũng phải theo thời tiết, mùa đông với mùa hạ lại có cách chăm sóc khác nhau. “Khi gia đình tôi mở rộng mô hình trồng thêm một số sản phẩm nấm rơm, nấm sò và nấm mỡ, ban đầu chỉ tìm hiểu qua sách báo và những thông tin trên mạng, nên việc sản xuất cho thu hoạch thấp, lượng nấm ra không đều đã làm cho gia đình tôi lo lắng, hoang mang vì việc đầu tư vốn vào hoạt động này khá nhiều”.

Chị Nguyễn Thị Huệ, thôn Sơn Đông, xã Hải Chính (Hải Hậu, Nam Định)

Chị Nguyễn Thị Huệ, thôn Sơn Đông, xã Hải Chính (Hải Hậu, Nam Định)

Chị suy nghĩ, để có được thành công, “nhất định phải đầu tư vào vốn hiểu biết, khoa học kỹ thuật để nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh”. Nghĩ là làm, gia đình chị đã mời chuyên gia từ Viện sinh học Hà Nội có kinh nghiệm đến tư vấn trực tiếp xem thực trạng quy trình trồng nấm của cơ sở mình. Gia đình chị đã được tư vấn cặn kẽ từng bước như: Xử lý nguyên liệu, cây giống, ươm giống và rạch bịch, cách thức chăm sóc và thu hoạch, giữ độ ẩm thích hợp, điều chỉnh nhiệt độ bằng cách tưới nước và đậy mô.

“Quá trình được tư vấn thực tế tại chỗ, bản thân tôi cùng chồng luôn chú ý lắng nghe, ghi chép và quan sát tư vấn làm, từ đó các vụ kế tiếp gia đình tôi đã có kiến thức nên kết quả rất tốt nấm ra đều và cho năng suất cao”. Chị Huệ đúc rút kinh nghiệm: “Trước khi thực hiện bất kỳ việc gì cần trang bị cho bản thân đủ kiến thức để thực hiện các việc đó. Ngoài ra, trong trường hợp gặp phải một số khó khăn ngoài mong muốn cần bĩnh tĩnh để xử lý tránh tình trạng hoang mang dẫn đến nản chí”.

Không chỉ vậy, một trong những khó khăn khác còn nan giải hơn nhiều là “nút thắt” nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Chị Huệ tâm sự: Năm 2011 trong lúc đang băn khoăn không biết vay vốn ở đâu, thì được nghe thông tin Tổ chức tài chinh vi mô TNHH MTV Tình Thương (TYM) triển khai trên địa bàn. Chị đã bàn bạc cùng chồng tham gia TYM để vay vốn, với mức vốn vay năm đầu là 7 triệu đồng, chị dành mua luồng tre để làm giá treo các gói nấm.

Tính đến nay chị đã sử dụng 57 triệu đồng từ nguồn vốn vay của TYM qua các vòng vốn, số vốn này đã được vợ chồng tôi sử dụng rất hiệu quả, khi thì mua trang thiết bị cho hoạt động sản xuất, khi thì đầu tư cho nguyên vật liệu, lúc thì đầu tư vào nhà xưởng. Ngoài sự hỗ trợ về vốn vay, TYM còn hỗ trợ chị em rèn luyện tính khoa học, có kế hoạch chi tiêu, biết sắp xếp phân công lao động làm tại cơ sở cho phù hợp với điều kiện và năng lực của từng người. “Từ đó tôi mạnh dạn và trưởng thành hơn, thông qua cơ chế cho vay trả dần hàng tuần giúp tôi năng động hơn trong công việc, là động lực để vợ chồng tôi cùng nhau làm ăn mở rộng xưởng sản xuất, chị Huệ nói.

Sau nhiều nỗ lực, gia đình chị đã tạo được thị trường ổn định trên địa bàn huyện, việc kinh doanh của gia đình ngày càng phát triển, gia đình đã mở rộng thị trường sang các huyện lân cận như: huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, ngoài ra chúng tôi còn phát triển thêm những khách hàng ngoài tỉnh như Hà Nội và Hưng Yên. Quy mô sản xuất cũng được mở rộng thêm những sản phẩm khác như nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Các loại nấm có chất lượng tốt, được thị trường tin dùng, nên giá cả cũng ổn định hơn. Trung bình mỗi tháng gia đình chị Huệ xuất ra thị trường từ 5-6 tấn nấm bào ngư. Sau khi trừ hết chi phí, có năm gia đình chị Huệ lãi tới 500 triệu đồng.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/san-pham-hong/tim-huong-di-moi-cho-san-pham-nam-da-quen-thuoc-tren-thi-truong-post64440.html