Tìm hướng đi mới cho du lịch Hội An

Năm 2019 là năm kỷ niệm 20 năm Khu đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Thế nhưng, đây cũng là năm ghi nhận nhiều “biến động” của hàng loạt di tích, di sản trong lòng phố cổ. Chỉ trong thời gian ngắn, hai địa điểm thu hút đông khách du lịch ở Hội An là Chùa Cầu và Cù Lao Chàm đều quá tải. Do vây, chính quyền địa phương phải ra thông báo kiểm soát số lượng người đến tham quan những địa điểm trên mỗi ngày. Bên cạnh đó, sự xuống cấp của các khu nhà cổ, rác thải, ách tắc giao thông cũng khiến cho du lịch Hội An đối diện nhiều nguy cơ. Trước thực trạng này, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Di sản Văn hóa thế giới, ngoài những chương trình kỷ niệm, UBND tỉnh Quảng Nam còn tổ chức hàng loạt buổi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia trong nước và quốc tế để tìm hướng đi mới cho du lịch Hội An.

Chùa Cầu - biểu tượng của Hội An luôn trong tình trạng quá tải khách du lịch.

Chùa Cầu - biểu tượng của Hội An luôn trong tình trạng quá tải khách du lịch.

Từ lâu, du lịch Hội An được ví như “gà đẻ trứng vàng” của du lịch Việt Nam, khi nhiều năm liền, cái tên Hội An luôn trên top bản đồ du lịch thế giới. Thành phố di sản này hiện đang là điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Kể từ khi khu phố cổ được công nhận Di sản Văn hóa thế giới (năm 1999), du lịch Hội An phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm. Thống kê 5 năm gần đây cho thấy, khách du lịch đến Hội An tăng gấp 2 lần, từ 1,6 triệu lượt (2013) lên trên 3,3 triệu lượt (2017), tốc độ phát triển bình quân 5 năm (2013 - 2017) gần 119%. Năm 2018, Hội An đã đón hơn 4,99 triệu lượt khách, tăng 50,84% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 3.755.270 người, khách trong nước đạt 1.236.320 người. Các chỉ tiêu về lượt khách đến, lượt khách lưu trú, bình quân công suất sử dụng buồng phòng và doanh thu vé tham quan đều vượt so với kế hoạch năm và tăng cao so với cùng kỳ.

Song song với những con số đáng mừng đó là mặt trái của việc phát triển du lịch quá mức. Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, đã đến lúc Hội An cần xây dựng một chương trình, kế hoạch hành động lâu dài, cụ thể để có thể phát triển du lịch bền vững. Kế hoạch đó phải thể hiện được Nhà nước cần làm gì, doanh nghiệp nên làm gì, người dân làm gì. Qua đó tạo ra một thông điệp rõ ràng, xuyên suốt, có sự cộng hưởng của các bên liên quan, kể cả nhà đầu tư nhằm hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Còn ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An thông tin thêm, Hội An đang đối diện với sự quá tải trên nhiều lĩnh vực, nhất là về giao thông, hạ tầng, ô nhiễm môi trường, gia tăng rác thải chủ yếu từ hoạt động du lịch. Trong khi đó, áp lực luôn thường trực từ nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt quần thể kiến trúc và không gian, trật tự, an toàn của khu phố, của các làng quê, làng nghề truyền thống, của hệ đa dạng sinh học vùng cửa sông và biển đảo. “Tổng diện tích Hội An chỉ khoảng 60km2 (đất liền khoảng 45km2), dân số hơn 90 ngàn người (số liệu năm 2018 - P.V). Việc đón hàng triệu khách du lịch mỗi năm đã tạo những thách thức lớn về môi trường mà lãnh đạo TP cũng đang rất đau đầu trong việc tìm phương án”, ông Sơn cho biết.

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 20 năm Di sản Văn hóa thế giới, hôm nay (ngày 7-9), UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức “Hội nghị đánh giá và tuyên dương công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An và Mỹ Sơn qua 20 năm được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới”. Hội nghị sẽ tập trung đánh giá những kết quả đạt được trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An trong thời gian qua; đồng thời tìm ra những giải pháp tích cực cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên trong thời gian đến.

Quá tải về giao thông, ô nhiễm môi trường nên Hội An đang triển khai ứng dụng xe điện trong việc đưa đón du khách.

Ngoài ra, Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Vai trò cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới qua thực tiễn Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn”, tổ chức ngày ngày 8-9 tại Palm Garden Resort Hội An do UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ VH-TT&DL, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đồng chủ trì; Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa, Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VH-TT&DL) là cơ quan phối hợp. Đây là một diễn đàn quan trọng để trao đổi, đúc kết kinh nghiệm nghiên cứu, đánh giá tác động và phân tích sâu hơn trên các phương diện chính sách, phương pháp, cách tiếp cận và quá trình tăng cường sự gắn kết giữa di sản và cộng đồng. Qua đó, thúc đẩy sự hưởng lợi và tham gia của cộng đồng vào việc quản lý và bảo vệ di sản thế giới; đồng thời, đánh giá những đóng góp của di sản đối với mục tiêu giảm nghèo, thúc đẩy cơ hội phát triển KT-XH bền vững, cũng như sinh kế của người dân địa phương. Đặc biệt, đánh giá về hoạt động du lịch di sản, bảo vệ các di sản văn hóa qua thực tiễn tại Quảng Nam.

Ông Lê Văn Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh đã triển khai hàng chục buổi tọa đàm, hội thảo về các vấn đề liên quan đến áp lực du lịch tại Hội An, đặc biệt là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. “Các buổi hội thảo trong tháng 9 này quy tụ rất đông nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn, những người tâm huyết với Hội An. Mục tiêu của Quảng Nam không chỉ là tổ chức lễ kỷ niệm chu đáo, hoành tráng mà thông qua những hoạt động bên lề sẽ tìm ra các giải pháp mới, tối ưu để phát triển du lịch Quảng Nam. Đồng thời, bảo tồn và phát huy giá trị của hai Di sản Văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn”, ông Thanh nói.

ĐỒNG DAO

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_212222_tim-huong-di-moi-cho-du-lich-hoi-an.aspx