Tìm hướng đi lâu dài cho khoai lang tím Vĩnh Long

Giá khoai lang tím Nhật tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long chỉ còn hơn 600 đồng/kg.

Với mức giá này, người dân chỉ thu được khoảng 1,8 triệu đồng/1.000m² và lỗ khoảng 15 triệu đồng/1.000 m², còn nếu thuê đất trồng thì lỗ khoảng 20 triệu đồng/1.000 m². Nhiều diện tích khoai đã tới ngày thu hoạch nhưng vẫn chưa tiêu thụ được.

Chia sẻ những khó khăn này với nông dân, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp vận động tiêu thụ một phần sản lượng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải có giải pháp để có hướng đi lâu dài cho sản phẩm này, không thể mỗi khi gặp khó tiêu thụ lại kêu gọi hỗ trợ.

Đoàn viên thanh niên trực tiếp đến ruộng thu mua và hỗ trợ nông dân thu hoạch khoai lang.

Đoàn viên thanh niên trực tiếp đến ruộng thu mua và hỗ trợ nông dân thu hoạch khoai lang.

Cùng hỗ trợ

Để góp phần giải quyết đầu ra cho khoai lang của nông dân, mấy ngày qua, Tỉnh Đoàn Vĩnh Long phối hợp với các xã Tân Hưng và Thành Trung, huyện Bình Tân để tiêu thụ khoai lang đang tới lứa thu hoạch của người dân. Được sự kết nối từ Đoàn Thanh niên xã Thành Trung, Tỉnh Đoàn Vĩnh Long trực tiếp đến ruộng, hỗ trợ thu mua 7,5 tấn khoai lang của chị Ngô Thị Nga (xã Thành Trung, huyện Bình Tân). Số khoai này được bán đến người tiêu dùng ngay trong ngày với cùng mức giá 3.000 đồng/kg.

Cầm trên tay số tiền vừa bán được khoai, chị Ngô Thị Nga xúc động nói: "Chưa năm nào khoai lang rớt giá như năm nay. Chín công đất này tôi thuê để trồng khoai, giờ quá lứa hơn 1 tháng, khoai to rất khó bán. Cũng may được địa phương và Tỉnh Đoàn đến hỗ trợ thu mua chứ để nữa không biết phải làm sao. Bây giờ thu lại được đồng nào thì mừng đồng đó, chỉ mong đủ trả tiền chi phí chứ không mong có dư".

Phó Bí thư Xã đoàn Thành Trung, huyện Bình Tân Nguyễn Văn Lợi cho biết, trước mắt, Đoàn Thanh niên tham mưu Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã chọn hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn, những hộ khó khăn có xác nhận của địa phương để ưu tiên được hỗ trợ tiêu thụ khoai lang trước. Ngoài ra, địa phương cũng ưu tiên đối tượng có khoai lang từ 5-6 tháng để giúp cho bà con vì nếu để lâu chất lượng giảm, không thể bán được thì coi như lỗ nặng.

Trên tinh thần tình nguyện, hỗ trợ tiêu thụ khoai lang không lợi nhuận, liên tục mấy ngày qua, hàng chục chuyến xe chở khoai lang từ vùng chuyên canh khoai huyện Bình Tân đã được Tỉnh Đoàn Vĩnh Long tập kết về Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh. Qua đó, hơn 60 tấn khoai đã được Tỉnh đoàn Vĩnh Long thu mua trực tiếp của nông dân và chuyển đến tay người tiêu dùng với mức giá 3.000 đồng/kg, cao hơn so với mức giá thương lái mua của nông dân.

Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long Nguyễn Huỳnh Thu cho biết, hiện nay, không chỉ Tỉnh Đoàn, mà các cấp bộ đoàn trong tỉnh cũng chủ động kết nối với địa phương để cùng tiêu thụ khoai lang cho bà con. Trong khả năng của mình, các cấp bộ đoàn sẽ vừa trực tiếp thu mua, vừa làm cầu nối để các doanh nghiệp, cá nhân đến tiêu thụ khoai lang, giúp bà con thu lại một phần vốn, chi trả vật tư, tái sản xuất.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long Lê Thị Thúy Kiều, qua phát động thì cán bộ hội viên phụ nữ đã đăng ký ủng hộ và kết nối tiêu thụ hơn 60 tấn khoai cho nông dân huyện Bình Tân. Hiện nay, các cấp Hội đang tiếp tục làm cầu nối để các đầu mối, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu có thể trực tiếp đến thu mua khoai lang cho bà con, giúp giảm phần nào những thiệt hại trong vụ khoai năm nay.

Tìm hướng đi lâu dài

Đoàn viên thanh niên Tỉnh đoàn Vĩnh Long đến tìm hiểu thực tế, thu mua và giúp gia đình chị Ngô Thị Nga, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long thu hoạch khoai lang.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân cho hay: Từ đầu năm đến nay, diện tích khoai lang xuống giống là 7.052 ha, ít hơn cùng kỳ 2.212 ha. Hiện nay, nông dân đã thu hoạch 2.932 ha, còn trên đồng là 4.116 ha. Trong đó, có 840 ha khoai vụ đông xuân đã hơn 5 tháng tuổi, tới thời điểm thu hoạch, ước sản lượng khoảng 31.900 tấn. Trước những khó khăn của nông dân, Ủy ban nhân dân huyện đã có văn bản về việc hỗ trợ tiêu thụ khoai lang cho nông dân trên địa bàn.

Theo đó, UBND huyện giao Chủ tịch UBND các xã có diện tích khoai lang lớn khẩn trương liên hệ với các doanh nghiệp mua bán khoai lang, các hợp tác xã trên địa bàn thành lập các điểm cung cấp khoai lang cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu thu mua; đề nghị các ngành, đoàn thể huyện làm đầu mối trung gian để giới thiệu, kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân tham gia thu mua hỗ trợ tiêu thụ khoai lang của người dân.

Ông Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Tân cho biết: Đến nay, đã có hơn 10 công ty, tổ chức, cá nhân liên hệ tiêu thụ gần 100 tấn khoai lang, ngoài ra một số công ty, doanh nghiệp cũng đã đến các xã để hợp đồng tiêu thụ giải cứu khoai lang tím Nhật tại địa phương. Huyện chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện để các đơn vị đến thu mua của dân, đảm bảo mức giá phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Về lâu dài, huyện sẽ đánh giá lại tình hình, có giải pháp quyết liệt hơn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Đồng thời, huyện phối hợp với ngành chuyên môn hướng dẫn bà con đẩy mạnh sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ, làm sao để đưa khoai lang Bình Tân xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khác chứ không chỉ phụ thuộc vào con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc như hiện nay..

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, khoai lang tím Nhật có thị trường chính là xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng hiện nay Trung Quốc cũng đang vào vụ thu hoạch khoai lang, cộng với tình hình dịch bệnh COVID-19 nên tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm, trên địa bàn có một số sơ sở, doanh nghiệp chế biến khoai lang, trong đó có Công ty Đông Phát Foods có sản lượng tiêu thụ khoai từ 3.000-6.000 tấn khoai/năm.

Tỉnh sẽ tiếp tục thu hút các doanh nghiệp chế biến để đa dạng các sản phẩm đầu ra của khoai lang nói chung, khoai lang tím Nhật nói riêng; khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ liên kết với hợp tác xã, nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ khoai thông qua các hợp đồng liên kết để ổn định sản xuất, giá cả.

Ngoài ra, giải pháp căn cơ và lâu dài là tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm đầu ra như củ tươi, khoai lang sấy, tinh bột khoai, các loại bánh, sữa làm từ khoai lang..., mở rộng thêm thị trường tiêu thụ khoai lang sang Trung Quốc và các thị trường khác.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi tiến độ sản xuất, thường xuyên cập nhật thông tin giá cả thị trường để có khuyến cáo người dân điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh để hàng hóa nông sản bị tồn đọng nhiều gây ra tình trạng rớt giá như hiện nay.

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tim-huong-di-lau-dai-cho-khoai-lang-tim-vinh-long-20210530105514152.htm