Tìm hướng đi cho thị trường lao động

Hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành theo đúng cơ chế kinh tế thị trường...

Những năm qua, mặc dù đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, công tác dự báo cũng được nâng cao, nhưng thị trường lao động trong nước vẫn còn thiếu sự liên thông, chất lượng thông tin về lao động và việc làm chưa cao, thiếu kết nối, hoặc đứt gãy... Không những kết quả dự báo cung - cầu lao động chưa đáp ứng yêu cầu về thông tin, mà còn chưa chỉ ra cụ thể nhu cầu tuyển lao động theo nghề, theo kỹ năng, trình độ; chưa kịp thời dự báo tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 tới cung - cầu lao động Việt Nam...

ĐỊNH HÌNH HÀNH LANG PHÁP LÝ

Tại tọa đàm trực tuyến "Phát triển thị trường lao động hiện đại tới năm 2030, tầm nhìn 2045" do Báo Nhân Dân tổ chức mới đây, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) khẳng định, việc xây dựng hai đề án "Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030" và "Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động là hết sức quan trọng, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết TƯ 5 khóa XII về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, hướng tới xây dựng một thị trường lao động định hướng XHCN. Ngoài ra, hai đề án còn góp phần định hình hành lang pháp lý để phát triển các thể chế của thị trường lao động.

Dẫn chứng 10 năm qua, thị trường lao động nước ta quy mô còn nhỏ, ông Bình cho biết, các thể chế thị trường lao động mới được thiết lập có hành lang pháp lý mới ở Trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm và các sàn giao dịch việc làm. Khi 2 đề án này đi vào thực tiễn, sẽ giúp thị trường lao động Việt Nam có những khu vực lao động phát triển rất mạnh trong nước như Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự kết nối mạnh mẽ với thị trường lao động quốc tế. Đối với miền núi, hướng tới phát triển thị trường riêng để vừa bảo đảm hài hòa với trình độ phát triển của miền núi, vừa đúng với những chính sách của khu vực này. Đề án phải bảo đảm phủ sóng được những thị trường khác nhau, phù hợp với thực tiễn. Cho nên, cũng có thể gọi là đa tầng, mỗi tầng có một trình độ phát triển khác nhau.

Theo ông Bình, khái niệm đa lĩnh vực được đặt ra trong đề án, có nghĩa là thị trường có nhiều lĩnh vực, nhiều ngành. Với những lĩnh vực mà chuỗi giá trị kết nối chặt chẽ với chuỗi giá trị của thế giới, ở đây phải có những thị trường chuyên nghiệp và tuân theo luật chơi quốc tế hết sức chặt chẽ. Thí dụ, nếu người lao động (NLĐ) muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, họ phải đạt một số tiêu chí. Việc sử dụng NLĐ cũng phải đúng theo chuẩn mực quốc tế. "Ngoài ra, đề án phải bảo đảm có những chính sách thu hút các chuyên gia giỏi quốc tế và trong nước để hài hòa giữa lao động trong nước và quốc tế" ông Bình nhấn mạnh.

Hiện Bộ LĐTB&XH đang làm việc với Ban Kinh tế TƯ và Tổ chức Lao động quốc tế để đánh giá, xây dựng chính sách về vấn đề này. Việc chuyển từ lao động phi chính thức sang chính thức phải tính đến lĩnh vực để thúc đẩy chính thức hóa. Nếu tính toán không kỹ sẽ khiến chi phí thị trường tăng lên, cản trở hoạt động về công ăn việc làm.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (BLĐTB&XH)

CÒN NHIỀU ĐIỂM PHẢI BỔ SUNG

Đánh giá cao đề xuất xây dựng hai dự án này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đây là định hướng đúng và thực chất, vì giải quyết việc làm là mục tiêu của an sinh xã hội, là trụ cột có tính chất phòng ngừa bảo đảm cho NLĐ có thu nhập, giải quyết đời sống cho họ.

Tuy nhiên, ông Lợi cũng khẳng định, đề án cần phải xử lý hai vấn đề. Thứ nhất, phải khắc phục cho được tồn tại hiện nay đang đặt ra đối với Chính phủ về giải quyết việc làm cho NLĐ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng của năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, nguồn chất lượng nhân lực của chúng ta còn thấp, quan hệ cung - cầu đang có vấn đề. Cung chưa đáp ứng cầu sử dụng và dịch chuyển quá trình lao động chưa phù hợp với quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, thị trường lao động (TTLĐ) là một thị trường chịu tác động của nhiều yếu tố, chưa giải quyết đáp ứng được hiện tại. Thứ hai, đề án phải giải quyết hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng cho được một TTLĐ ổn định, hài hòa và hiện đại.

Tính hiện đại ở đây phải bảo đảm mấy yếu tố sau. Thể hiện thể chế về cơ chế chính sách về TTLĐ; đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành, các lĩnh vực trong nước trong quá trình hội nhập. Chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phù hợp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.

Nhiệm vụ thứ hai là phải giải quyết được chất lượng TTLĐ, vì chất lượng tốt mới giải quyết được việc làm bền vững. Theo đó, để giải quyết việc làm bền vững cần đáp ứng mấy vấn đề sau. Đáp ứng việc làm theo quyền của con người theo quy định Hiến pháp như học nghề, tự tạo việc làm, tự chọn nơi làm việc. Bảo đảm có thu nhập hợp lý, có chính sách bảo hiểm như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm các chức năng về sau khi NLĐ rời khỏi TTLĐ vẫn có thể tồn tại. Bảo đảm an toàn lao động, an toàn tính mạng, vệ sinh môi trường trong quá trình làm việc. Đề án cũng phải hỗ trợ NLĐ rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì thế, phải nghĩ đến việc đào tạo, đào tạo lại nhằm giữ chỗ cho NLĐ để khi chuyển đổi cơ cấu, công nghệ dưới tác động CMCN 4.0, họ vẫn có cơ hội tìm việc làm khác.

Nhìn nhận các đề án này với tư cách các nhà nghiên cứu học thuật, bà Ngô Quỳnh An, Đại học Kinh tế quốc dân phân tích, bên cạnh khu vực chính thức, còn tồn tại khu vực phi chính thức cung cấp công ăn việc làm, sinh kế cho nhiều người lao động và gia đình họ. "Do đó, cần từng bước nâng cao chất lượng của thị trường phi chính thức, giúp NLĐ có động lực để chuyển đổi sang thị trường chính thức" và nhấn mạnh: "Nếu vẫn để dòng di chuyển ra thành thị như hiện nay, nhìn chung sẽ làm tăng khu vực phi chính thức ở thành thị. Hơn nữa, việc di chuyển lao động tới khu công nghiệp lớn gây ra áp lực tới an sinh xã hội. Hy vọng đề án này quy hoạch phát triển vùng như thế nào để rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp nhưng không ra khỏi nông thôn và không dịch chuyển quá xa như hiện nay để gây ảnh hưởng tới cuộc sống và hệ lụy với NLĐ lao động".

Chúng ta đừng coi thị trường lao động như vấn đề xã hội. Đây là vấn đề kinh tế. Chúng ta phải đầu tư xử lý việc làm cho người lao động trên cơ sở phát triển thị trường lao động.

Ông Bùi Sỹ Lợi Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Đồng tình với ý kiến của bà Ngô Quỳnh An, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong TTLĐ hiện nay, vấn đề cần quan tâm là dịch chuyển của khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Về vấn đề giải quyết việc làm cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, ông lưu ý phải thực hiện nguyên lý "ly nông bất ly hương". Tức là tách lao động khỏi nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp nhưng không rời quê hương, không đặt gánh nặng lên các khu công nghiệp và đô thị.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Hưng, Công ty CP MediaMart Việt kỳ vọng, hệ thống thông tin TTLĐ quốc gia sớm được hoàn thiện và liên thông trong toàn quốc, để NLĐ và người sử dụng lao động khi có nhu cầu thì việc tiếp cận sẽ dễ dàng, đầy đủ thông tin và kết nối nhanh chóng. Như vậy, doanh nghiệp và NLĐ sẽ giảm được chi phí đáng kể và hoạt động của thị trường cũng hiệu quả hơn rất nhiều.

Lý Hà

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/tim-huong-di-cho-thi-truong-lao-dong-20201216105110941.htm