Tìm hướng đi cho phim độc lập

Tự tìm kinh phí sản xuất, tự mang tác phẩm tham dự các Liên hoan phim (LHP) quốc tế… các bộ phim độc lập đang tạo nên 'làn gió' mới cho điện ảnh Việt Nam. Gian nan sản xuất, quảng bá đã vậy nhưng việc ra rạp còn trầy trật nữa.

Cảnh trong phim “Cha cõng con”.

Khẳng định vị thế

Những năm gần đây, phim độc lập của Việt Nam (tên gọi chỉ những bộ phim do cá nhân tự xoay xở làm phim) đang bắt đầu tạo nên những dấu ấn tại các LHP quốc tế.

Có thể kể đến một số phim của đạo diễn Phan Đăng Di như: “Bi, đừng sợ!”- Giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc và Quay phim xuất sắc tại LHP quốc tế Stockholm - Thụy Điển; “Cha và con và...” chọn vào hạng mục tranh giải cùng 18 bộ phim khác tại LHP Berlin lần thứ 65...

Hay trước đó, bộ phim “Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã tạo dấu ấn lớn tại các LHP trong nước và quốc tế…

Gần đây nhất, tại LHP Cannes, phim độc lập của Việt Nam lại đón nhận thêm những tín hiệu vui khi “Vị” của Lê Bảo cùng với dự án phim “Cu Li không bao giờ khóc” của Phạm Ngọc Lân được lựa chọn vào tham dự giải thưởng L’Atelier của Quỹ điện ảnh Cinéfondation. Đặc biệt, trong năm 2018 đạo diễn Lương Đình Dũng với “Cha cõng con” thắng giải Phim hay nhất châu Á - LHP quốc tế Iran 2018...

Ngoài ra là một số phim của tác giả Việt kiều được biết đến rộng rãi như Tony Bùi với “Ba mùa”, “Nhắm mắt thấy mùa hè” của đạo diễn trẻ Cao Thúy Nhi…

Tuy nhiên, đằng sau niềm vui vẫn là những khoảng lặng với nhiều nỗi lo của các nhà sản xuất. Bởi để đưa “đứa con tinh thần” của mình ra được rạp các nhà làm phim độc lập phải đối mặt với vô số những khó khăn.

Đầu tiên chính là vấn đề kinh phí luôn là trở ngại “thường trực”. Theo lộ trình thì các tác giả tự viết ra một dự án phim tốt, thuyết phục nhà tài trợ hoặc quỹ điện ảnh đầu tư, sau đó mời diễn viên, thử vai, quay phim…

Chưa kể các trang thiết bị, đạo cụ, trang phục đều phải tự lo, muốn thuê được những thiết bị chuyên nghiệp thì phải bỏ ra khoản kinh phí lớn. Chính vì khó khăn là thế nên đa số phim độc lập ra mắt là phim ngắn, mà phim ngắn thì khó gây chú ý và tạo dấu ấn so với phim bình thường.

Tiếp đó, sau khi bộ phim được hoàn thành thì những người làm phim độc lập phải đủ mọi cách để tìm được nơi phát hành.

Tuy nhiên, vì phim được sản xuất bằng nguồn kinh phí eo hẹp, không có “sao” nổi tiếng tham gia, nội dung phim phản ánh thân phận con người ít tính giải trí… nền hầu hết chỉ nhận được những cái “lắc đầu” từ các đơn vị phát hành trong nước.

Đơn cử, trước đó câu chuyện đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp phải vất vả tìm đường để đưa những bộ phim “Bi, đừng sợ!”, “Đập cánh giữa không trung”… ra rạp. Với “Bi, đừng sợ!” dù đã đi “du lịch” tới 30 nước và gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế, khi ra rạp, phim trụ rạp được 2 tuần, tiền thu về chỉ đủ trả cho đơn vị phát hành, còn với đạo diễn thì đây là bộ phim doanh thu bằng 0.

Làm phim để đi thi

Có thể thấy, ngay tên của dòng phim là “độc lập” đã cho thấy con đường của những người dấn thân, rằng họ phải tự mình vận động. Trong khi các đơn vị phát hành trong nước khá “lạnh nhạt” thì hướng đi của phim độc lập đang là mang đi dự thi các LHP quốc tế tạo dấu ấn trước khi “hồi hương” phục vụ khán giả quê nhà. Đơn cử, như đạo diễn Lương Đình Dũng khẳng định: “Mục tiêu làm phim đầu tiên của tôi là để đi thi. Sau khi đi thi, phim sẽ có cơ hội ra mắt tại Việt Nam”.

Cũng theo đạo diễn Lương Đình Dũng, các nhà làm phim độc lập hiện nay cũng cần phải cân đối tính thương mại và nghệ thuật trong mỗi dự án. Ở nước ta, người làm phim độc lập có nhiều “đất”. Chỉ cần vài trăm nghìn, vài triệu hay vài trăm triệu đồng là có thể làm phim, miễn là khéo xoay xở.

Tại các thị trường lớn như Mỹ, kinh phí thấp thì rất khó có cơ hội. Nhưng đã là một bộ phim điện ảnh, trước hết nó phải đảm bảo những yếu tố nghệ thuật cơ bản như sức hấp dẫn của câu chuyện, hình ảnh đẹp và đúng nghĩa một phim điện ảnh hấp dẫn. Nếu không làm được điều đó, sẽ không có cơ hội lôi kéo khán giả.

“Trong suy nghĩ của tôi, không có phim nghệ thuật hay thương mại, chỉ là phim có khán giả hay không. Tôi quan niệm, cái đẹp trong điện ảnh là diễn viên, diễn xuất, hình ảnh... cũng là thương mại. Tính thu hút và giải trí của bộ phim cũng có thể xem là tính thương mại. Với tôi, một bộ phim phải có câu chuyện hay và hình ảnh đẹp” - đạo diễn Lương Đình Dũng nói.

Mặc dù vậy, với những khó khăn khi chinh phục “khán giả nhà” thì có một điều lạ là dòng phim độc lập trong những năm gần đây lại xuất hiện nhiều gương mặt mới. Đây đang là cơ hội “tiến thân” của đạo diễn trẻ trong việc khẳng định tài năng, giống như việc “chào sân” để giới thiệu... bản thân.

Bởi phía trước họ là những LHP quốc tế đang chờ đón và đã từng có rất nhiều giải thưởng cao đã thuộc về các đạo diễn trẻ dám dấn thân như thế.

Đơn cử, việc đạo diễn trẻ Nguyễn Phương Anh giành giải thưởng lớn (trị giá 20.000 USD) từ Diễn đàn Tài chính Điện ảnh châu Á (thuộc Liên hoan phim quốc tế Hong Kong); Đào Thanh Hưng đạt Giải nhất (trị giá 10.000 USD), hạng mục Dự án châu Á xuất sắc tại Chợ dự án phim tài liệu châu Á ở Incheon (Hàn Quốc) với “Tiếng hót sau những chấn song”… đang là những “động lực” tháo gỡ bài toán về kinh phí.

Nhìn vào nền điện ảnh Việt Nam những năm gần đây, có thể thấy “dòng phim nhà nước” gần như vắng bóng. Phim tư nhân, phim thương mại đang chiếm lĩnh thị trường trong nước. Chính dòng phim độc lập đang đại diện cho “tiếng nói” của điện ảnh nước nhà trên trường quốc tế thông qua nỗ lực không mệt mỏi của các nhà làm phim. Và ở đó khi được quan tâm và tạo điều kiện, dòng phim độc lập của Việt Nam chắc chắn sẽ tiến xa.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dien-anh/tim-huong-di-cho-phim-doc-lap-tintuc408231