Tìm hướng đi cho nghệ thuật múa rối

Múa rối là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo, mang đậm tính nghệ thuật và giá trị giáo dục cao. Chính vì vậy, việc tìm ra bản sắc riêng để phát triển nghệ thuật múa rối Việt Nam đã trở thành điều mà những người gắn bó với bộ môn nghệ thuật này luôn trăn trở.

Còn nhiều thách thức

Múa rối rất phong phú, đa dạng với nhiều thể loại như: Rối nước, rối cạn, rối bóng, rối que, rối mặt nạ, múa rối đen… Với sự công phu trong nghệ thuật tạo hình, sự điêu luyện trong cách thức điều khiển con rối, nghệ thuật múa rối Việt Nam trải qua thời gian dài hình thành, phát triển đã trở thành “món ăn tinh thần” độc đáo của văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, đứng trước cuộc sống mới nhiều biến động, nghệ thuật múa rối cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng nhu cầu vừa bảo tồn, vừa phát triển.

Trên thực tế, dễ dàng nhận thấy sự mai một của nghệ thuật múa rối diễn ra ở các làng quê, bởi hiện nay, có quá nhiều yếu tố văn hóa ngoại lai xấm lấn khiến cho khán giả thờ ơ với nghệ thuật múa rối. Ngay cả ở những cơ quan, đơn vị có chức năng bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp như các nhà hát, đoàn nghệ thuật... thì việc biểu diễn múa rối cũng đang bị chi phối bởi yêu cầu lôi kéo khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

Vở diễn "Trê - Cóc" của Nhà hát múa rối Việt Nam. Ảnh: Thúy Hiền

Đối với các vở diễn, nghệ thuật múa rối nước vẫn chỉ lặp lại các trò, sự tích, còn rối cạn thì chỉ quẩn quanh hình thức biểu diễn cũ kỹ, nặng về mô phỏng sân khấu kịch, trò ít, lời nhiều. Ngay tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ V – 2018 vừa mới diễn ra, NSND Vương Duy Biên, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan cũng đã thẳng thắn chỉ ra nhược điểm của một số tiết mục, vở diễn của Việt Nam, đó là còn thoại nhiều, rườm rà, nên “nói ít hiểu nhiều”. Các vở diễn cần truyền tải làm sao để khán giả quốc tế cũng như Việt Nam có thể xem, cảm nhận được bằng hình ảnh, hành động của nghệ thuật rối, không nên áp đặt ý chủ quan của đạo diễn vào nhân vật mà nên để nhân vật gợi mở cho khán giả.

Bên cạnh đó, những vấn đề tồn tại trong quảng bá nghệ thuật múa rối nước đối với công chúng cũng cần được các cấp các ngành có liên quan tâm nhiều hơn nữa để có thể bảo tồn và phát huy một cách tối ưu những giá trị văn hóa truyền thống.

Đổi mới để phát triển

Trong thời gian gần đây, một số đơn vị nghệ thuật đã không ngừng đổi mới toàn diện, từ việc hiện đại hóa công tác tổ chức hành chính cho tới nâng cao chất lượng và đa dạng hóa nghệ thuật để phục vụ và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của đông đảo công chúng. Vào những ngày lễ lớn như: Quốc tế thiếu nhi 1/ 6, đón Giáng sinh, mừng năm mới, Nhà hát múa rối Thăng Long đã xây dựng nhiều chương trình với nội dung phong phú, sâu sắc. Đặc biệt chương trình dành cho thiếu nhi tập trung khai thác các nhân vật trong truyện cổ tích, xây dựng những công chúa, hoàng tử, các siêu anh hùng hay các loài động vật với một màu sắc mới, một hơi thở mới thông qua nghệ thuật múa rối, dàn dựng theo phong cách hiện đại. Thông qua đó, khán giả, đặc biệt là các em thiếu nhi sẽ có thêm những cách tiếp cận văn hóa mới, giúp người xem tích lũy thêm nhiều kiến thức và có cái nhìn sâu sắc hơn về những giá trị truyền thống đầy nhân bản nhưng rất đỗi bình dị.

Theo NSƯT Chu Lượng, Phó Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát luôn luôn phải đổi mới món ăn tinh thần cho công chúng. Nhà hát luôn duy trì mục đích phát triển để gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật múa rối.

Nhằm giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước loại hình nghệ thuật múa rối độc đáo, từ đầu năm 2018, Nhà hát Múa rối Việt Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch cho ra mắt tour du lịch trải nghiệm nghệ thuật “Đồng vọng rối Việt”. Chương trình nghệ thuật kết hợp hài hòa, đầy mới lạ giữa rối nước - rối cạn cùng âm nhạc dân gian, một sự giao thoa đặc sắc giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại. Không gian kiến trúc Việt cổ với mái thủy đình cổ kính lung linh giữa hồ nước, những mái ngói, cây đa , lũy tre... cùng nghệ thuật trang trí - sắp đặt đã tạo nên khung cảnh gần gũi của làng quê đậm đà bản sắc Việt xưa.

Với sự trình diễn độc đáo của âm thanh sánh sáng hiện đại, những bài hát dân ca, hát văn, hát phú, âm nhạc dân gian cùng các vũ điệu uyển chuyển, hấp dẫn, rực rỡ, “Đồng vọng rối Việt” đem đến cho khán giả, khách du lịch hợp đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngoài ra, du khách còn được tìm hiểu tham quan khu trưng bày về nghệ thuật rối, quy trình tạo hình con rối bởi các nghệ nhân và trực tiếp tham gia biểu diễn múa rối cùng các nghệ sĩ.…

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết: Nhà hát múa rối Việt Nam là một trong những đơn vị hàng đầu của ngành Múa rối. Trong những năm qua, không chỉ không ngừng bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật múa rối, Nhà hát Múa rối Việt Nam là đơn vị đi đầu trong việc kết hợp hoạt động biểu diễn múa rối với du lịch. Qua đó, góp phần lan tỏa nghệ thuật múa rối rộng rãi tới không chỉ người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ mà còn cả bạn bè, du khách quốc tế./.

H.Lê

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/tu-tuong-van-hoa/tim-huong-di-cho-nghe-thuat-mua-roi-502464.html