Tìm hướng đi cho Doanh nghiệp Tư nhân phát triển bứt phá

'Bứt phá' là cụm từ được các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang nỗ lực thực hiện trong năm 2019. Và đây cũng là nội dung được bàn luận sôi nổi tại buổi Tọa đàm Đối thoại với chủ đề: 'Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ bứt phá' vào ngày 15/3, tại Hà Nội. Sự kiện do VITV- Kênh truyền hình đại diện cho tiếng nói của Doanh nghiệp tổ chức nhằm tạo diễn đàn mở để doanh nghiệp chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất kiến nghị để cùng 'bứt phá' với Chính phủ…

Phiên tọa đàm 1 với sự tham gia của các diễn giả: ông Hoàng Trường Giang – Vụ trưởng vụ Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước; ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái; ông Lương Minh Chánh - Chủ tịch trường Đào tạo Quản trị Kinh doanh BizUni; ông Kyle Kelhofer - Giám đốc quốc gia Tổ chức tài chính Quốc tế IFC và bà Bùi Thị Phương Chi - Giám đốc kênh truyền hình Kinh tế tài chính VITV với vai trò là người điều phối.

Chương trình tọa đàm gồm 2 phiên: Phiên 1 mang tên “Bứt phá trong tăng trưởng kinh tế”; Phiên 2 mang tên “Bứt phá trong cải thiện môi trường kinh doanh”.

Năm 2019, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại cùng với những diễn biến chính trị khó lường. Còn đối với kinh tế Việt Nam, các tổ chức quốc tế vẫn có những đánh giá hết sức tích cực. Theo Ngân hàng thế giới (WB), kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ tăng trưởng 6,6% - mức cao trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.

Thêm đó, các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đặt ra yêu cầu cao hơn, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng hội nhập.

Buổi tọa đàm đối thoại diễn ra với nhiều góc nhìn đa chiều của từng diễn giả từ góc độ của cơ quan quản lý đến góc độ của doanh nghiệp để từ đó tìm ra hướng đi phát cho doanh nghiệp tư nhân.

Trong phiên 1 với chủ đề “Bứt phá” trong tăng trưởng kinh tế, khi nói về khả năng bứt phá của nền kinh tế Việt Nam năm 2019, các chuyên gia đều bày tỏ sự tin tưởng về mục tiêu mà chúng ta đặt ra, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đã đề ra con số là 6,6%.

Theo đánh giá của ông Hoàng Trường Giang – Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương: “Đây là con số phù hợp và khá thận trọng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động...”.

Còn ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: “Kinh tế tài chính, chính sách tiền tệ 3 năm trở lại đây luôn là điều thành công. Chính sách tài khóa thực hiện tốt hơn, chi tương đối được kiểm soát tương đối ngặt nghèo để phát triển. Tuy nhiên, do nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập cao, nằm trong biến động lớn của thế giới như chiến tranh thương mại, bảo hộ, rủi ro tiền tệ... Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng 6,6% cũng là một thách thức chứ không dễ dàng”.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: “Hiện doanh nghiệp tư nhân đã nắm đất đai, làm bất động sản rất lớn và hoàn toàn thuộc về họ. Địa tô trong 10 năm trở lại đây chủ yếu là nằm trong tay doanh nghiệp tư nhân. Chính vì vậy, phải nhìn nhận thẳng là Nhà nước đã có cái nhìn hoàn toàn khác về khu vực này và giao nhiều cơ hội cho họ hơn trước”.

Quang cảnh tọa đàm phiên 2 tại sự kiện.

Đến phiên 2 với chủ đề “Bứt phá” trong cải thiện môi trường kinh doanh, các diễn giả đều cho rằng: Doanh nghiệp không thể chờ bứt phá rồi mới tăng tốc, chỉ mình Chính phủ cải cách thôi thì chưa đủ, doanh nghiệp cũng cần cải cách, để không bị loại bỏ khỏi cuộc chơi. Doanh nghiệp tư nhân cần phải tự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình, bằng cách tự đổi mới, chủ động sáng tạo, chớp cơ hội từ tái cơ cấu nền kinh tế…

Ông Phan Hữu Thắng- nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng: “Nền kinh tế muốn bứt phá phải nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước, phát triển tư nhân, hạn chế mặt trái của vốn nước ngoài. Nếu chúng ta đi đều đều thì khó có thể bắt kịp được”.

Ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho rằng: “Khu vực kết nối kinh tế, thực thi chính sách của Chính phủ là các địa phương, Sở, ban ngành còn chậm chễ thay đổi, chưa thống nhất và yếu kém năng lực, đã và đang cản trở nỗ lực của Chính phủ, của cộng đồng doanh nghiệp”.

Buổi Tọa đàm này cũng nằm trong sự kiện Kênh truyền hình Kinh tế - Tài chính VITV kỷ niệm tròn 10 năm tuổi, tròn 10 năm thực hiện nhiệm vụ sứ giả thông tin, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp vào chính sách của Chính phủ trên các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như: Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản, Thuế, Hải quan…

Ngọc Hà

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/tim-huong-di-cho-doanh-nghiep-tu-nhan-phat-trien-but-pha.html