Tìm hướng cung cấp nước cho đảo Bé ở Lý Sơn

Bạn đọc phản ánh, sau nhiều năm hoạt động, nhà máy lọc nước ngọt từ nước biển tại xã An Bình (tức đảo Bé) huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi liên tục gặp sự cố. Việc cấp nước cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu nước trầm trọng, người dân đảo Bé phải mua nước từ đảo Lý Sơn (đảo Lớn) với giá đắt đỏ để sử dụng.

Hệ thống lọc nước hoạt động chỉ khoảng 1/10 công suất gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên đảo Bé.

Hệ thống lọc nước hoạt động chỉ khoảng 1/10 công suất gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên đảo Bé.

Bà Nguyễn Thị Anh, người dân đảo Bé cho biết: Năm nay mùa khô đến sớm, cho nên tình trạng khan hiếm nước ngọt cũng diễn ra sớm hơn mọi năm. Gia đình bà Anh vừa phải mua ba khối nước ngọt từ đảo Lý Sơn (đảo Lớn) về để nấu ăn, tắm giặt tưới cây với giá đắt đỏ, lên đến 220 nghìn đồng/m3, gấp 26 lần so với giá mua nước từ Nhà máy nước An Bình trên đảo Bé. Anh Phan Anh, chuyên lái xe điện phục vụ du khách trên đảo Bé cho biết: Hiện nay đang là cao điểm mùa du lịch của Lý Sơn, vì biển êm, nắng đẹp cho nên ngày nghỉ, ngày lễ khách rất đông, cũng là thời điểm mùa khô, nhu cầu sử dụng nước ngọt của người dân đảo Bé tăng cao, vì thế, tình trạng thiếu nước ngày càng nặng nề. Người dân trên đảo Bé phải mua nước ngọt từ đảo Lớn chở sang bằng tàu nhỏ, mỗi chuyến chỉ được năm khối, với giá 1,1 triệu đồng, cộng thêm chi phí vận chuyển từ cầu cảng về nhà 100 nghìn đồng một khối, trong khi trời liên tục nắng nóng, không có mưa như mọi năm cho nên người dân không tích trữ được nguồn nước mưa. Việc thiếu nước sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến người dân địa phương mà còn ảnh hưởng đến việc phục vụ sinh hoạt của du khách. Nhiều khách du lịch thể hiện sự khó chịu khi phải trả phí nước cao, sử dụng nước ngọt để tắm phải cực kỳ tiết kiệm. Anh Lê Bâng, du khách đến từ tỉnh Khánh Hòa phàn nàn: "Không ngờ giá nước ở đây cao như thế. Tôi với nhóm bạn dự tính ở lại đảo Bé vài ngày nhưng vì chi phí cho việc sử dụng nước ngọt không hợp lý cho nên đành phải về lại đảo Lớn sớm hơn dự kiến". Tuy nhiên vài du khách cũng tỏ ra thích thú khi những chiếc lu, bể bằng xi-măng được xây dựng cách đây gần 20 năm đã được tái sử dụng để chứa nước ngọt.

Theo ông Ðoàn Yên, Giám đốc Ðiện lực Lý Sơn, sau bảy năm hoạt động, hệ thống xử lý nước biển thành nước ngọt An Bình đã xuống cấp, hoạt động phụ thuộc nhiều vào thủy triều. Anh Ngô Văn Lộc, công nhân Nhà máy lọc nước An Bình cho biết: "Hiện Nhà máy lọc nước biển không chạy hết công suất, mỗi ngày chỉ lọc được 20 khối nước ngọt, chỉ đạt một phần mười so với công suất thiết kế, và cho dù vận hành liên tục thì mỗi ngày nhà máy cũng chỉ đủ bơm cấp nước trong vòng 15 phút, không đủ cung cấp cho người dân sử dụng".

Ðồng chí Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn chia sẻ khó khăn: Hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt An Bình do Công ty Doosan sản xuất và lắp đặt đã gần mười năm, hiện một tổ máy bị hư hỏng, nhưng việc sửa chữa rất phức tạp. Huyện đã yêu cầu chính quyền xã An Bình mời Công ty Doosan Vina khảo sát và đánh giá thiết bị, cung cấp giải pháp kỹ thuật và cử chuyên gia sửa chữa trong thời gian sớm nhất, bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và du khách.

Tình trạng thiếu nước ngọt đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của người dân đảo Bé, ảnh hưởng đến nhu cầu thiết yếu của khách du lịch khi ra thăm đảo. Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn cần sớm ưu tiên đầu tư nghiên cứu, khảo sát và tìm hướng giải quyết lâu dài, ổn định nguồn nước ngọt phục vụ đời sống, sinh hoạt cho người dân và du khách ở đảo Bé, Lý Sơn.

Bài, ảnh: TÙNG THANH và HÀ NGHIÊM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/ban-doc-viet/item/40592502-tim-huong-cung-cap-nuoc-cho-dao-be-o-ly-son.html