Tìm hiểu về ứng dụng của pháo sáng trong lĩnh vực quân sự

Pháo sáng ra đời từ hàng trăm năm trước và được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực đời sống. Đặc biệt, nó phát huy tác dụng trong các hoạt động huấn luyện, tác chiến hiện đại.

Bà Martha Coston (1826-1904) được coi là người phát minh ra pháo sáng. Bà đã tiếp tục công việc của chồng mình, ông Benjamin Coston, từng là Giám đốc Trung tâm thí nghiệm khoa học thuộc Hải quân Mỹ, đột ngột qua đời khi đang phát triển một loại vũ khí dạng pháo hiệu. Đến năm 1859, bà được cấp bằng sáng chế cho “Thiết bị pháo bắn tín hiệu ban đêm”, tức pháo sáng.

 Pháo sáng có thể cung cấp ánh sáng cho một khu vực rộng lớn. Ảnh: Wallpaper Flare.

Pháo sáng có thể cung cấp ánh sáng cho một khu vực rộng lớn. Ảnh: Wallpaper Flare.

Pháo sáng bắt đầu được dùng trong quân sự từ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Tác dụng được sử dụng nhiều nhất của pháo sáng vẫn là mục đích phát sáng. Các loại pháo sáng quân dụng tùy từng loại sẽ có thời gian phát sáng khác nhau, nhưng có thể lên tới cả chục phút nếu được trang bị thêm dù rơi chậm.

Trung bình, một quả pháo sáng có thể cung cấp ánh sáng bao phủ một khu vực rộng một vài kilomet vuông. Đây là một thứ vũ khí rất hữu hiệu trong tác chiến chống đối phương lợi dụng đêm tối tiếp cận, áp sát mục tiêu. Với các loại súng phóng lựu cỡ 40mm, binh sĩ có thể phóng pháo sáng một cách dễ dàng.

Ảnh minh họa binh sĩ sử dụng pháo hiệu trong nhiệm vụ nhảy dù đột nhập. Nguồn: Fivestarca.

Ngoài thắp sáng, pháo sáng còn đóng vai trò làm pháo hiệu. Những quả pháo sáng với lửa và khói có nhiều màu khác nhau sẽ được sử dụng như một cách thông báo, truyền tin giữa các lực lượng trên chiến trường. Ví dụ, quân đội Mỹ thường sử dụng pháo hiệu màu đỏ để đánh dấu vị trí sau đó gọi không kích.

Có một lo ngại khi sử dụng pháo hiệu để đánh dấu cho trực thăng là pháo hiệu sẽ tạo ra rất nhiều khói khiến phi công gặp khó khăn trong việc điều khiển máy bay đáp xuống. Tuy nhiên, thực tế là khi trực thăng áp sát mặt đất, gió từ cánh quạt sẽ thổi bay hoàn toàn khói từ quả pháo hiệu nên phi công sẽ hoàn toàn không gặp bất cứ trở ngại nào.

Một khối chứa đạn pháo sáng trang bị cho trực thăng CH-146 Griffon. Ảnh: Aviation Week.

Tiêm kích F-22 phóng pháo sáng đánh lừa tên lửa đối phương. Ảnh: Flickr.

Trong nhiệm vụ nhảy dù đột nhập, binh sĩ cũng sử dụng pháo hiệu gắn ở giày để đánh dấu đường đi của mình cho đồng đội biết, tránh tình trạng rơi lạc quá xa nhau. Khi một người đáp ở vị trí không mong muốn, vệt màu từ quả pháo hiệu sẽ cho đồng đội anh ta biết rằng anh ta đã rơi lệch về hướng nào để dễ bề tìm lại nhau.

Bên cạnh đó, một tác dụng khác của pháo sáng đó là sử dụng làm mồi bẫy. Đây là một tác dụng rất quan trọng, đóng vai trò đáng kể trong tổng thể khả năng phòng thủ tên lửa của máy bay cánh bằng cũng như trực thăng.

Mỗi máy bay sẽ được trang bị nhiều hộp chứa đạn pháo sáng. Khi phát hiện tên lửa tầm nhiệt của đối phương, pháo sáng sẽ được phóng ra. Tên lửa tầm nhiệt tự động lần theo nguồn phát nhiệt, thường là động cơ của máy bay. Pháo sáng mồi bẫy phát ra nhiệt lượng lớn làm cảm biến hồng ngoại trên đầu dò tên lửa bị đánh lừa và lao tới, giúp máy bay thoát hiểm.

Theo Phạm Huy/Quân đội Nhân dân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/tim-hieu-ve-ung-dung-cua-phao-sang-trong-linh-vuc-quan-su/20200517025914785