Tìm hiểu về Phật giáo, vẻ đẹp của quá khứ qua góc nhìn hai chiều

Cuốn sách 'Các tầng địa ngục theo Phật giáo' là chuyến chu du đầy suy tư qua những ngôi chùa Việt Nam của hai tác giả người Pháp Léon Riotor và Léofanti, họ'phỏng vấn' và đàm đạo với các sư trụ trì tại đây về 'địa ngục' theo Phật giáo, được các nhà sư dùng kiến thức triết học, tôn giáo cùng những truyền thuyết của xứ sở để thuyết minh cặn kẽ các tranh vẽ địa ngục trên tường chùa.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có thể nói, cuốn sách này là một tư liệu quý được ghi chép theo lối khảo tả từ góc nhìn của người phương Tây hơn 130 năm trước, với những lời văn thâm trầm và triết lý, phần nào phản ánh đời sống văn hóa, triết học và tâm linh của người dân bản xứ thời kỳ đầu thế kỷ hai mươi, đặc biệt là những gì họ hình dung và tin tưởng vào một thế giới sau cái chết. Tác phẩm được in kèm ba tiểu dẫn và lời tựa của Ernest Renan, Ledrain Giáo sư École du Louvre, Foucaux– Giáo sư Collège de France, cùng các họa tiết, tranh đầu chương, tranh đầu sách và mười hai phụ bản được các nghệ nhân người Nhật, Pha và Ly, vẽ bằng bút sậy theo các bản khắc nổi ở chùa Báo Ân. Mười hai phụ bản này thể hiện hình ảnh Thập Điện Diêm Vương, không chỉ độc đáo ở góc độ mỹ thuật mà như E. Ledrain nhận định, còn chứng tỏ mỹ thuật đã “len lỏi tới đâu trong tư duy của các nhân vật tôn giáo quyền lực và tầng lớp thường dân”. Về cuốn sách Các tầng địa ngục theo Phật giáo, Tiến sĩ Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đã viết:“Thay vì ca ngợi tầm quan trọng của cuốn sách này, tôi sẽ đặt mình ra khỏi toàn bộ nội dung cuốn sách, và thực hiện một khảo cứu về địa ngục trong lịch sử văn hóa Việt Nam, để cung cấp thêm một góc nhìn khác – góc nhìn của người hiện đại, về một vấn đề thân quen mà hết sức xa lạ này. Nhiều người sẽ thấy rằng, từ góc độ lịch sử, đã có quá nhiều trầm tích phủ lên nhận thức của chúng ta. Và vẻ đẹp của quá khứ, nhất là vẻ đẹp của tư tưởng, thể hiện qua các dấu vết vật chất, các lớp niên đại xa xăm, các loại hình văn bản và nghệ thuật khác nhau không hề thuần nhất và tĩnh tại, mà luôn biến ảo theo dòng thời gian.” “Ta có thể tìm thấy hàng loạt những mảnh vụn ngữ ngôn minh chứng cho sự hòa tan của Phật giáo trong kho từ vựng tiếng Việt, các từ ngữ như: quỷ đói (ngạ quỷ), quỷ sứ, đầu trâu mặt ngựa, vong linh, oan hồn, địa ngục, âm ty, địa phủ, súc sinh, Diêm La, đầu thai, vãng sinh, hóa kiếp… đến những thành ngữ quán ngữ vẫn quen dùng, như “đi chầu Diêm Vương”,“đi chầu ông bà ông vải”, “về thế giới bên kia”, “gầy như quỷ đói”, “địa ngục trần gian”… Tôi còn nhớ, mẹ tôi mỗi khi bắt con gà trong chuồng, tay liếc dao, miệng đều lẩm bẩm câu: “Tao hóa kiếp cho mày được sang kiếp khác tốt hơn nhé.” Có quá nhiều chứng cứ như vậy còn hiện diện trong ngôn ngữ ngày nay.” Cũng chính TS. Trần Trọng Dương sẽ khơi sâu thêm chủ đề này của sách, và khéo léo luồn lách những tình huống thường ngày để kết nối tới lịch sử Phật giáo, dẫn dắt người tham gia tìm hiểu về lịch sử văn hóa Tôn giáo phương Đông trong một buổi tọa đàm vào tối 26/08/2020, tại Thư viện Viện Pháp, 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tọa đàm giúp bạn có cái nhìn hai chiều về lịch sử văn hóa Phật giáo, để biết rằng từ góc nhìn phương Tây và góc nhìn từ chính người phương Đông chúng ta có khác biệt thế nào. Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Tiến sĩ Trần Trọng Dương, nhà nghiên cứu Hán Nôm và cổ sử Việt Nam và Tiến sĩ Văn họcMai Anh Tuấn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/tim-hieu-ve-phat-giao-ve-dep-cua-qua-khu-qua-goc-nhin-hai-chieu-paGWByNMg.html