Tìm hiểu về những di sản văn hóa trở thành 'nạn nhân' của chiến tranh

Không chỉ con người, nhiều di sản văn hóa trên thế giới đã bị tàn phá và hủy hoại trong chiến tranh và các cuộc khủng bố.

Tàn tích còn lại của Hội trường Xúc tiến Công nghiệp tỉnh Hiroshima trước khi nơi này được cải tạo thành Khu tưởng niệm Hòa bình Hiroshima (Vòm bom nguyên tử) và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1996.

Năm 1942, lực lượng không quân của Đức Quốc xã đã san bằng Nhà hát Opera Hoàng gia ở Valletta (Malta). Tại châu Á, năm 1945, một chiếc máy bay ném bom B-29 của Mỹ đã thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản), khiến Hội trường Xúc tiến Công nghiệp tỉnh Hiroshima bị hư hại một phần.

Trong vài thập kỷ qua, các hành động chiến tranh và khủng bố đặc biệt đã phá hỏng các di sản văn hóa nổi tiếng ở Đông Âu, Trung Đông và Tây Phi. Dưới đây là 7 địa danh nổi bật.

Thành phố cổ Dubrovnik (Croatia)

Một vụ đánh bom tại thành phố Dubrovnik năm 1991. (Nguồn: Getty Images)

Thành phố Dubrovnik được xây dựng từ thế kỷ thứ VII, khi người La Mã và người Slav định cư trên bờ biển Adriatic. Trong lịch sử, sự thịnh vượng của thành phố này dựa vào giao thương hàng hải.

Vào thế kỷ 19, nhà thơ nổi tiếng người Anh Lord Byron đã gọi thành phố Dubrovnik là “Ngọc trai của người Adriatic”. Năm 1979, UNESCO đã công nhận Dubrovnik là di sản thế giới.

Năm 1991-1992, thành phố này đã bị thiệt hại nặng nề bởi sự tấn công của quân đội Nam Tư trong “Cuộc vây hãm Dubrovnik”, một phần của chiến tranh Nam Tư. Hơn hai phần ba các tòa nhà của thành phố cổ đã bị phá hủy.

Năm 2005, Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ đã kết án cựu tướng Nam Tư Pavle Strugar (người điều phối trận tấn công thành phố Dubrovnik) 7,5 năm tù vì tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc phá hủy các di tích lịch sử ở Dubrovnik.

Vijećnica (Tòa thị chính) của Sarajevo (Bosnia)

Nghệ sỹ Cello Vedran Smailovic biểu diễn bản nhạc của nhà soạn nhạc Strauss giữa đống tàn tích Vijećnica (Tòa thị chính) ở Sarajevo, năm 1992. (Nguồn: AFP)

Tòa thị chính Sarajevo (còn gọi là Vijećnica) nằm ở thành phố Sarajevo. Tòa nhà được xây dựng vào những năm 1890, chủ yếu theo kiến trúc Moorish. Địa danh này được thành phố chuyển đổi thành Thư viện Quốc gia vào năm 1949.

Năm 1992, trong “Cuộc bao vây Sarajevo”, Vijećnica đã bị phá hủy hoàn toàn bởi các trận pháo kích, gần hai triệu tài liệu quý đã bị thiêu rụi. Cho đến năm 2014, sau 4 giai đoạn tu sửa (1996-1997, 2000-2004, 2012, 2013) với khoản kinh phí gần 13 triệu Euro, Vijećnica đã được mở cửa trở lại để phục vụ công chúng.

Tượng Phật Bamiyan (Afghanistan)

Bức ảnh năm 1997 cho thấy bức tượng Phật đứng cao nhất thế giới ở tỉnh Bamiyan của Afghanistan vẫn còn khá nguyên vẹn trước khi bị Taliban phá hủy. (Nguồn: AFP)

Nằm ở thung lũng Bamiyan thuộc vùng núi Hazarajat (cách thủ đô Kabul vào khoảng 240km về phía Tây Bắc), ở khu vực có độ cao 2.500m so với mực nước biển, hai bức tượng Phật Bamiyan từng là những bức tượng Phật cao nhất thế giới, được chạm khắc vào một bên vách núi đá sa thạch từ thế kỷ thứ VI.

Nơi đặt hai bức tượng này được biết đến như một thánh địa Phật giáo. Năm 629, nhà sư Huyền Trang của Trung Quốc đã đi qua đây và miêu tả Bamiyan là trung tâm Phật giáo rất lớn, có hàng chục nghìn nhà sư tới tu hành mỗi ngày.

Hai bức tượng Phật đã từng tồn tại qua hàng chục thế kỷ, bất chấp chiến tranh, sự tàn phá của con người và sự bào mòn thời gian. Tuy nhiên, năm 2001, các biểu tượng tinh thần của người Afghanistan này đã bị thủ lĩnh tinh thần Taliban Mullah Mohammed Omar ra lệnh phá hủy.

Ngày nay, du khách vẫn tìm đến thành phố cổ xưa này để chiêm bái và viếng thăm. Tuy hai bức tượng không còn, nhưng hai hốc đá và quần thể hang động được đục vào vách núi phía sau bức tượng từng là nơi thờ tự, thực hành tu tập và nơi ở của chư Tăng vẫn còn, di tích vẫn giữ được một khung cảnh thiêng liêng.

Nhà thờ Hồi giáo Djinguereber tại Timbuktu (Mali)

Nhà thờ Hồi giáo Djinguereber ở Timbuktu. (Nguồn: Getty Images)

Vào thế kỷ XIV, Hoàng đế Mansa Musa của đế chế Mali đã cho xây dựng nhà thờ Hồi giáo Djinguereber. Công trình được làm bằng đất, rơm và gỗ này là một trong bốn tổ hợp đại học Timbuktu. Nơi đây được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1988.

Tuy nhiên, đến năm 2012, nhà thờ Djinguereber đã trở thành "nạn nhân" của các cuộc bạo loạn khi nhóm phiến quân Ansar Dine tấn công thành phố, làm hư hại hai ngôi mộ của Djinguerer cùng các đền thờ Hồi giáo linh thiêng.

Nhà thờ Hồi giáo Aleppo (Syria)

Nhà thờ Hồi giáo Umayyad cổ đại tại thành phố Aleppo (phía Bắc Syria) bị phá hủy bởi bom đạn chiến tranh. Bức ảnh được chụp năm 2017. (Nguồn: AFP)

Nhà thờ Hồi giáo Aleppo được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XIII. Tương truyền, nơi đây được cho là hầm mộ chứa hài cốt của nhà tiên tri Zechariah, cha của nhà tiên tri John the Baptist. Địa danh này là một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất và lâu đời nhất ở Aleppo, nằm trong bức tường bao quanh thành cổ lịch sử.

Là trung tâm tinh thần của người dân nơi đây, nhà thờ Aleppo từng nhiều lần chứng kiến và bị tàn phá bởi nhiều cuộc chiến giữa quân Chính phủ và lực lượng đối lập.

Năm 2013, tòa tháp cao, nơi mọi người thuờng đến để cầu nguyện trong nhà thờ đã bị phá hủy trong các cuộc tấn công của Chinh phủ Syria và phe đối lập. Hiện vẫn chưa rõ "thủ phạm" khiến tòa tháp này sụp đổ.

Đền thờ Bel tại Palmyra, Syria

Ảnh chụp Đền thờ Bel (ảnh nhỏ, năm 2014) và tàn tích (năm 2016) sau khi bị IS phá hủy. (Nguồn: AFP)

Thành phố Palmyra là một trong những Di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận. Nơi đây còn lưu lại vết tích của một thành phố lớn, một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất của thế giới cổ đại với những công trình được xây dựng từ thế kỷ I và II.

Địa danh này sở hữu hơn 1.000 cây cột có niên đại 2.000 năm tuổi, một cống dẫn nước thời La Mã và một nghĩa địa cổ với hơn 500 ngôi mộ. Thật không may, nhiều "kho báu" của thành phố cổ này đã bị phá hủy trong cuộc xung đột ở Syria. Đền thờ Bel, một địa điểm tôn giáo quan trọng trong thành phố cổ Palmyra được xây dựng vào thế kỷ thứ I, dành riêng cho vị thần Mesopotamian Bel (hay Baal) cũng là một trong những "nạn nhân".

Năm 2015, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã san phẳng ngôi đền gần 2.000 năm tuổi này sau khi phá hoại Đền thờ Baalshamin, cũng là một địa điểm tôn giáo cổ xưa khác ở Palmyra.

Thành phố Nineveh cổ đại (Iraq)

Bức ảnh được chụp năm 1977 ghi lại hình ảnh của Cổng Nergal ở thành phố Nineveh (Iraq) trước khi bị IS phá hủy. (Nguồn: Getty Images)

Thành phố Nineveh cổ đại được xây dựng vào thế kỷ thứ VII trước Công nguyên, từng là thành phố lớn nhất trên thế giới và được nhắc đến trong Kinh thánh. Địa danh này nổi tiếng với những bức tường bao quanh và những cánh cổng lớn, vốn được sử dụng để bảo vệ thành phố của đế chế Assyria cổ đại. Cổng Adad và Cổng Mashki (hay còn gọi là "Cổng Thần") là những công trình điển hình.

Tuy nhiên, trong chiến dịch tấn công các địa điểm văn hóa và di tích lịch sử năm 2016, các cánh cổng có niên đại 2.000 năm tuổi đã bị tổ chức khủng bố IS phá hủy.

(theo History)

Kha Ninh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tim-hieu-ve-nhung-di-san-van-hoa-tro-thanh-nan-nhan-cua-chien-tranh-109766.html