Tìm hiểu và làm rõ những mâu thuẫn thiếu chính xác trong các tư liệu điền dã của cụ Dương Quảng Châu về Trần Hoàng Nghị*

Muốn làm rõ vấn đề này cần đi sâu tìm hiểu những tài liệu đã được công bố hoặc những di cảo bản thảo của cụ Dương Quảng Châu về vấn đề có hay không có vị tổ họ Trần là Trần Hoằng Nghị và là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ.

Các bộ sử nước ta từng ghi rõ vùng đất Hải Ấp - Lưu Gia - Thái Đường - Phù Ngự (làng Ngừ) là nơi cụ tổ Trần Hấp và con cháu là Trần Lý, Trần Thừa cùng các vị vua triều Trần cùng sinh sống và khi mất được đưa về táng vùng đất Thái Đường lăng Tinh Cương xưa. Cũng không thấy bộ quốc sử nào hoặc tài liệu lịch sử chính thống nào ghi chép về việc anh em cụ Trần Hấp, Trần Lý, sinh sống tại khu vực làng Mẹo (Ứng Mão), Làng Mẽ - Hương Tinh Cương và làng Miễu nay thuộc xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Quang cảnh tọa đàm.

Có lẽ cụ Dương Quảng Châu là người đầu tiên với tư liệu điền dã của mình đã đưa ra vấn đề này. Nhưng liệu các tư liệu của cụ có chính xác hay không, hay nói như ông Nguyễn Thanh (Nguyên giám đốc Sở VHTT&TT Thái Bình): (Cụ Châu thường ghi trong các bài viết của mình: Dương Quảng Châu (tức Tỳ) có thêm bớt ít nhiều)…

Là người đã rất nhiều lần được cộng tác và cùng cụ Dương Quảng Châu đi sưu tầm, tìm hiểu các nguồn tư liệu điền dã ở các vùng quê trên đất Thái Bình nên tôi hiểu khá rõ sự "thêm bớt ít nhiều"… của cụ Dương Quảng Châu trong các tư liệu điền dã mà cụ đưa ra.

Hiện tôi còn lưu giữ bản thảo 10 bài viết về thời Trần và các nhân vật Hoàng thân quốc thích có liên quan tới Vương triều Trần của cụ Dương Quảng Châu. Bản thảo này khi còn sống cụ Dương Quảng Châu đã gửi Sở Văn hóa thông tin và Thể thao tỉnh Thái Bình biên tập để in; nhưng các cán bộ biên tập của Sở đã "bó tay chấm com"; họ không thể biên tập được vì các tư liệu trong bản thảo này hầu hết đều là các tư liệu điền dã và tính thuyết phục nghiên cứu khoa học không cao. Đọc kỹ các tư liệu thấy rất mâu thuẫn, chồng chéo lên nhau, đặc biệt là không dựa trên các tài liệu văn bản học nào; lại càng không đưa ra được các chứng minh có tính phát hiện làm cơ sở để nghiên cứu như văn bia sắc phong, thần phả, thần tích thuyết phục người nghiên cứu, người đọc, tin tưởng về các tư liệu mà cụ Dương Quảng Châu công bố.

Nhà sử học Đặng Hùng trình bày tham luận.

Bài "Đất và người Tinh Cương" - Long Hưng trong sự nghiệp phù Trần - Tác giả Dương Quảng Châu - Phạm Hóa được in trong sách "Thái Bình với sự nghiệp thời Trần" đây là bài trước đây cụ đã tham gia hội thảo năm 1986, nhưng sau này khi Sở Văn hóa thông tin Thái Bình tái bản lại sách kỷ yếu thì hai tác giả Phạm Hóa và Dương Quảng Châu đã biên tập bổ sung in lại vào năm 2001. Bài viết của cụ Dương Quảng Châu đã được ông Phạm Hóa chuyên viên nghiên cứu của Sở VHTT&TT Thái Bình dày công biên tập. Ông Phạm Hóa thêm cũng có và bớt cũng có để in vào cuốn sách nói trên như một sự tri ân đối với việc nhiệt tình cộng tác nghiên cứu của cụ Dương Quảng Châu trải qua nhiều năm với bộ phận nghiên cứu lịch sử của Sở VHTT&TT. Thực ra hồn cốt, nội dung của bài "Đất và người Tinh Cương - Long Hưng trong sự nghiệp phù trần" - (Sđd) chính là lấy từ "tư liệu ba" - (Bài 3) - trong bản thảo 10 bài của cụ Dương Quảng Châu. Tư liệu 3 của tập bản thảo được chia làm 2 phần. Nhưng tư liệu 3 này lại được phát triển mở rộng thêm từ nội dung của bài viết Trần Thủ Độ với Thái Bình của cụ Dương Quảng Châu trong hội thảo "Trần Thủ Độ với Thái Bình" - năm 1995 tại Thái Bình.

Đáng lưu ý là trong hội thảo tại Thái Bình năm 1986 cụ Dương Quảng Châu có bài tham luận "Từ đất Thái họ Trần dựng nghiệp" - không hề thấy tác giả nhắc tới từ bến Trấn ở làng Ứng Mão (Mẹo) - Phương La ngày nay, cũng không thấy ghi Trần Kinh sinh ra 3 người con là Trần Hấp, Trần Quả, Trần Mẽ? Cũng không thấy nhắc đến nhân vật Trần Thủ Độ, Trần An Quốc, Trần An Hạ? Ngay cả bài thơ Nôm mà một số người sau này đã lợi dụng vào nó để chứng minh khẳng định vị trí quan trọng của khu bến Trấn (tức vùng đất Phương La - Xuân La - xã Thái Phương ngày nay). Trong bản thảo ở "Tư liệu 3" viết ngày 28/3/2000 cụ Dương Quảng Châu lại viết: An Hạ Vương có sách chép là Trần An Hạ là anh trai Trần Thủ Độ (có thể không đúng); nay xét kỹ theo thời đại tuổi tác thì Trần An Hạ phải là cha hoặc chú của Trần Thủ Độ…" nhưng là anh hoặc chú đều gốc đẻ ra ở bến Trấn Tinh Cương, con trai cụ Trần Mẽ. Cụ Mẽ là em trai cụ Trần Hấp … (trang 2 tư liệu 3)- 28/3/2000.

Nhưng khi biên tập lại bài viết để in tái bản sách "Thái Bình với sự nghiệp thời Tràn (2001) thì không rõ cụ Dương Quảng Châu hay ông Phạm Hóa lại đánh đồng Trần An Quốc - Trần An Hạ là một người. Rõ ràng nguồn tư liệu không nhất quán, mâu thuẫn này lại đè lên mâu thuẫn kia, thiếu khoa học cơ sở. Cũng rất dễ hiểu bởi các tư liệu của cụ Châu đưa ra đều là nghe người ở thế kỷ 20 - 21 kể lại chứ không phải là dựa trên các tư liệu chính sử hoặc văn bản học có giá trị xác định tính chính xác của lịch sử triều Trần.

Có những bài viết ngay bản thân cụ cũng không nhất quán đó là năm 1994 hội thảo về Trần Thủ Độ với Thái Bình thì lần đầu tiên cụ công bố về địa danh bên Trấn và thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị. Ở bài viết này cụ cho rằng: Trần Hấp, con cụ Trần Kinh, sinh ra Trần Hoằng Nghị và Trần Lý, nhưng ở bài viết đăng trong sách tái bản năm 2001 thì cụ Dương Quảng Châu và ông Phạm Hóa lại cho rằng Trần Hoằng Nghị là em của Trần Hấp và sinh ra Trần Thủ Độ. Ngay cả khi viết về đình Làng Miễu, cụ Châu cũng không có điều kiện tiếp xúc được với văn bản "Quán thôn từ điển" viết bằng chữ Hán dày 27 trang do khóa sinh Đặng Đình Tập (cựu lý trưởng xã Trực Nội) viết năm Quý Mão, triều Nguyễn, niên hiệu Khải Định năm thứ 8 (tháng 8/1923). Chính vì thế cụ Dương Quảng Châu và ông Phạm Hóa đã dồn ghép nhân vật Trần An Quốc và Trần An Hạ là một người. Thực ra theo các tài liệu: Văn bia "Miễu lăng Bi Ký" và "Quán thôn tự điển" một số tài liệu khác đã cho thấy rõ vợ chồng vị thần Hoàng được thờ ở đình làng Miễu là Lý An Hạ (không phải là Trần An Hạ), và vợ là Đàm Chiêu Trinh (Bà là con gái của tướng quân Đàm Thời Phùng và là em gái của Hoàng hậu Đàm Thị vợ của vua Lý Cao Tông).

Có điều khó hiểu là ngay ở văn bản điều tra của Hội khảo cứu phong tục thôn Quán Miễu năm 1938 do Viện Đông bắc cổ thời thuộc Pháp có xác nhận đóng dấu của lý trưởng xã Trực Nội là cụ Vũ Tiến Nhạ (người làng Quán); đều có ghi rất rõ: Vị thần được thờ là Lý An Hạ (An Hạ Vương): "Ngài là con "cháu" vua triều Lý, kết hôn cùng người họ Đàm ở thôn Quán…"

Vậy mà không hiểu vì sao một số nhà nghiên cứu khi tìm hiểu ở làng Miễu lại đồng ý với ý kiến của cụ Dương Quảng Châu và cho rằng vị thần này là Trần An Hạ chứ không phải là Lý An Hạ? Sự nhập nhằng tư liệu điền dã của cụ Dương Quảng Châu được thể hiện rất rõ: Trong hội thảo năm 1986 sách kỷ yếu hội thảo "Trần Thủ Độ con người và sự nghiệp" cụ Dương Quảng Châu viết trong bài tham luận "Trần Thủ Độ với Thái Bình" có đoạn: Trần Hấp sinh Trần Lý và Trần Hoằng Nghị (Sđd - trang 28).

Nhưng ở sách kỷ yếu hội thảo 1995 "Thái Bình với sự nghiệp nhà Trần" (Năm 1986) - đến năm 2001 có chỉnh lý bổ sung in tái bản thì hai tác giả Dương Quảng Châu và Phạm Hóa trong bài: "Đất và người Tinh Cương - Long Hưng trong sự nghiệp thời Trần" (trang 88) có viết: "Người em trai Trần Hấp là Trần Quả sinh ra Trần Hoàng Nghị (Sđd).

Trong các bài viết đã đăng hoặc ở dạng bản thảo của cụ Dương Quảng Châu đều có nhắc đến nhân vật Trần Hoằng Nghị khai hoang lập ấp, mở chợ ở khu bến Trấn (Ứng Mão) nay là làng Phương La xã Thái Phương. Nhưng có đúng là Trần Hoằng Nghị về bến Trấn hay không? Ông có phải là thân phụ của thái sư Trần Thủ Độ hay không? Nhất là có bến Trấn thật không? Hay đây chỉ là bến nước bên sông mà dân thôn Tân Hòa và làng Mẹo (Phương La) đều gọi là Cánh Bến? Nếu đúng có nhân vật Trần Hoằng Nghị thì như tư liệu điền dã của cụ Châu cho biết: "Trần Hoằng Nghị có 4 bà vợ"! Vậy bà vợ nào của cái ông Trần Hoằng Nghị này đẻ ra Trần Thủ Độ".

Hiện tại ở làng Xuân La, gần bờ sông nhỏ có nền cũ của ngôi miếu (miếu đã bị phá), trước đây thờ vị thần hoàng (một trong tứ vị lôi oanh thần Sấm): Hoàng Bà Bến Súc trấn quốc Đại Vương) - Hiện vị thần này đang được thờ ở đình làng Xuân La. Theo khảo sát thực tế và được các cụ già ở làng Xuân La là ông Phạm Văn Báu, ông Phạm Văn Thành cùng các cụ Trần Quang Đãng, Trần Văn Mão, Trần Văn Cài, Trần Quang Pháo v.v… ở xã Hồng An, xã Thái Phương cho biết: Từ trước tới nay có con sông nhỏ bắt nguồn từ sông cầu Nại (sông cầu Nại khởi nguồn từ một nhánh sông chảy từ cống Đào Thành (xã Cộng Hòa) chảy qua làng Me xã Hòa Tiến, rồi chảy qua cầu Lại (xã Liên Hiệp); Khi đi qua cầu Lại khoảng 500m thì con sông này tách dòng và có một dòng chảy qua xã Thái Hưng, lượn qua rìa làng Xuân la rồi qua cánh đồng Giang (giáp giới làng Xuân La, làng Then, làng Phương La); Dòng sông chảy sát đống Lựa của làng Mẹo (Phương La), rồi chảy theo rìa làng Phương La qua cầu Tiên (nơi trước đây có tấm bia đá) Thạch Kiều Bi Ký") - được tạo khắc năm 1830 - hiện bia để ở chùa Phương La. Xưa các cụ truyền lại câu ca: Đầu gối đống lựa, chân tựa cầu Du (ý muốn nói tới biên giới phía Nam của làng Ứng Mão (Mẹo). Dòng sông nhỏ tiếp tục chảy qua cánh bến, (bên kia sông là cánh đồng sát đường đi xuống thôn Đống Gạo, xã Hồng An hoặc ngược lên thì tới làng Dần - chợ Diền (xã Minh Tân). Từ cánh bến dòng sông chảy qua cầu Du lượn qua cầu Diêm (xã Minh Tân), chảy qua cánh đồng Lộc Thọ (xã Độc Lập) rồi chảy qua cầu Diềm (xã Minh Hồng) và đổ ra cửa sông đò Phú Hậu. Sau này khi làm cống Minh Tân (xã Minh Tân) để lấy nước từ sông Hồng vào thì dòng sông nói trên chảy từ cầu Du xã Thái Phương đến cầu Diền chia làm 2 nhánh, 1 nhánh qua Minh Hồng rồi đổ ra khu đò Phú Hậu đã nêu trên. Còn nhánh thứ hai chảy qua cầu Nãi (làng Long Nãi, xã Độc Lập - Hưng Hà), rồi chảy ra cống Minh Tân (xã Minh Tân) và chảy ra sông Hồng. Hoặc ngược lại từ sông Hồng qua cống Minh Tân, dòng sông đưa nước vào qua các xã nói trên.

Tìm hiểu thực tế tại khu cánh Bến (nay thuộc thôn Tân Hòa, xã Thái Phương), gặp các cụ cao tuổi: cụ Trần Quang (Văn) Đãng (85 tuổi), trưởng ngành 4, đời thứ 6 - thuộc chi họ Trần Văn nhà ông Trần Văn Sen tại làng Mẹo, Phương La và ông Trần Văn Mão 72 tuổi, người thôn Tân Hòa cho biết: "Tổ tiên chúng tôi về sống ở làng Mẹo (Phương La) đến nay đã 8 - 9 đời (tính đến đời cháu cụ Đãng; không hề thấy các cụ truyền lại là có địa danh bến Trấn nào hết mà chỉ có địa danh cánh Bến ở làng Ứng Mão xưa (Mẹo - Phương La ngày nay). Ở đây chỉ có cánh Bến nằm sát con sông nhỏ chảy theo rìa làng Phương La. Bên kia sông cánh Bến là cánh đồng giáp thôn Đống Gạo xã Hồng An. Trước đây ở gần sát cánh Bến dân làng có làm một chiếc giếng to để lấy nước sinh hoạt và phục vụ lễ hội ở đình, chùa, đền, miếu. Sát sông có bến nước dân làng thường sinh hoạt, tắm rửa khi đi làm đồng về. Sát cánh Bến trước đây có một hồ nước (hiện nay hồ vẫn còn mà thông với dòng sông chảy qua làng); cạnh hồ có đền thờ Đức Thánh Trần; dân làng gọi tắt là đền Trần. Đền có 3 gian nhà gỗ lim nhưng đến thập kỷ 70 của thế kỷ trước đền bị hạ giải; nay là nơi ở của một số hộ dân trong làng.

Vì có bến nước, lại ở sát ven sông và nằm ở rìa của làng Mẹo - Phương La; nên những người dân ở trong làng gọi khu vực này là "Cánh Bến".

Thực tế đã từng đi điền dã với cụ Dương Quảng Châu, nên tôi biết cụ đã liên tưởng ngôi đền thờ "Hoàng bà bến Súc trấn quốc Đại Vương" - ở làng Xuân La với con sông chảy qua cánh bến ở làng Mẹo để làm bài thơ Nôm:

" Bến trấn Tinh Cương lưới với chàiĐem đầu kê vững dạ vua tôi…"…

Trước đây (vào những năm 1994 - 2000) - khi cụ Châu còn sống tôi đã hỏi cụ: "Ở làng Mẹo làm gì có bến Trấn, sao cụ lại viết ghép vào vậy? Cụ Châu nói: ghép cho vần để tạo cho bài thơ dẫn đề cho việc khẳng định vị trí địa thế quan trọng của vùng đất Phương La - Xuân La - Then …thời Trần. Đi điền dã với cụ nhiều nên tôi biết các tư liệu của cụ Dương Quảng Châu ở vùng đất làng Mẹo, làng Then, làng Xuân La … đa phần là các tư liệu do những người được người khác bố trí để cung cấp tư liệu theo dạng truyền khẩu cho cụ Dương Quảng Châu. Chính vì thế các tư liệu điền dã của cụ Dương Quảng Châu luôn mâu thuẫn chồng chéo lên nhau khi viết về Thái sư Trần Thủ Độ và anh em của ông (như đã nêu ở trên).

Gần đây khi trở lại làng Mẹo (Phương La) để tìm hiểu thêm tư liệu tôi được cụ Trần Quang Đãng, cụ Trần Văn Mão cho biết, trước đây khoảng năm 2006 - đầu năm 2007) - Viện Sử học và Hội KHLSVN có cử một đoàn về làng Mẹo (Phương La) để tìm hiểu về tư liệu đền nhà ông, về Trần Hoằng Nghị và bến Trấn, nhưng họ chỉ được gặp những người nắm bắt lơ mơ về ngôi đề và khu cánh Bến hoặc có những người không biết cũng tham gia vào trả lời các câu hỏi cứ như là họ đã biết; vì họ được ông Trần Văn Sen và một số người bố trí cung cấp số liệu cho đoàn. Chứ những người sống cùng trong chi họ Trần Văn (chi nhà ông Sen) như chúng tôi và lại ở sát cánh Bến, hiểu biết khá rõ về nguồn gốc, tổ tiên của chi họ mình từ nơi khác về đất Ứng Mão mới được 8 - 9 đời và từ đời ông cha đến nay vẫn thường tắm gội ở cánh Bến thì họ không đến gặp mặt để tìm hiểu cho rõ ngọn ngành. Thực tế ngôi miếu gốc cây đa (có người gọi là Đền nhà Ông, cạnh chợ làng Mẹo)-chỉ là ngôi nhà thờ của các cụ tôi xây dựng từ lâu rồi để thờ cụ tổ trong chi họ( ngay cả cha,ông chúng tôi cũng không biết CỤ TỔ họ tên là gì ?và ở đâu về? chỉ biết chắc một điều rằng chi họ TRẦN Văn nhà chúng tôi ở làng ỨNG MÃO xưa (Phương La ngày nay không phải là hậu đuệ của thái sư Trần Thủ Độ và ngôi đền này cũng không phải là ngôi đền THỜ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM như hiện nay mọi người treo biển và tuyên truyền rầm rộ khắp trong cả nước.Xã Thái phương tới nay có 19 chi họ trần (trước đây chỉ có 10-12 chi,nhưng sau này do các chi tự tách ra thành lập chi mới) thực tế chi họ TRẦN VĂN nhà chúng tôi hiện có 5 ngành (trong chi) là có mối quan hệ HUYẾT THỐNG với nhau còn ngoài ra không có quan hệ huyết thống hay cùng một dòng dõi với các chi họ TRẦN khác ở trong LÀNG PHƯƠNG LA và trong xã Thái phương nói chung.đúng là :ĐỒNG DANH CHỨ KHÔNG ĐỒNG HUYẾT THỐNG.

Là người hay đi hay điền dã cùng cụ Dương Quảng Châu từ thế kỷ XX tôi biết chắc rằng tác giả bài thơ: "Bến trấn Tinh Cương lưới với chài" và một số bài thơ khác, được viết trong tập bản thảo của cụ Châu là do cụ sáng tác ra nhưng được gắn cho cụm từ "Các nho gia Thái Bình tự xa xưa…" lưu truyền lại. Cụ Dương Quảng Châu thích thơ Đường; có lần tôi hỏi đã hỏi cụ mấy bài thơ của cụ viết trong bản thảo và trong các bài tham luận là của cụ sáng tác sao cụ lại ghi là của "Các nho gia Thái Bình tự xa xưa"? Cụ nói: Ghi vậy để có tính khách quan, để người đọc chú ý và khẳng định được tầm quan trọng về bài khu vực bến Trấn Phương La, Xuân La, làng Then… quê hương của Trần Hoằng Nghị. Có lẽ vì thế trong tham luận "Trần Thủ Độ với Thái Bình" đọc tại hội thảo 1994 ở ngay đầu trang cụ Dương Quảng Châu đã viết: "Rất nhiều cụ già ở quê Tiên Hưng tôi thường đọc bài thơ Nôm sau; ở bài này cụ không dùng cụm từ "Bài thơ của các nho gia Thái Bình từ xa xưa như ở trong bản thảo cụ đã viết (tư liệu 3). Được biết bài thơ này được cụ Dương Quảng Châu sáng tác sau những chuyến đi khảo sát điền dã tại xã Thái Phương, làng Phương La vào những giữa những năm 80 và cuối những năm 90 của thế kỷ 20. Vậy mà các tư liệu điền dã thiếu logic khoa học và các bài thơ tự sáng tác của cụ lại được một số nhà sử học như ông Nguyễn Minh Tường và những người trong nhóm của ông coi như của quý mà không hề tra cứu xác minh lại xem nguồn tư liệu của cụ Dương Quảng Châu có đáng tin cậy hay không. Có lẽ vì thế nên ông Nguyễn Minh Tường đã biến "Thiên thần Lôi Oanh thần Sấm - Trang Nghị Đại Vương được thờ ở đình làng Xuân La thành cha đẻ của Thái sư Trần Thủ Độ. Ông Phó Giáo sư Nguyễn Minh Tường viết: Trong sắc phong của thôn Xuân La, tên Hoằng Nghị Đại Vương đều được ghi là Trang Nghị Đại Vương, đấy là gọi theo một mỹ hiệu khác mà triều đình phong cho Ngài. Vả lại, trong đạo sắc này, ngay dưới mỹ hiệu Trang Nghị Đại Vương, ngài còn được ban hai chữ "Cương Nghị", vì thế nếu có gọi ngài là Cương Nghị Đại Vương cũng chẳng sai. Có thể khẳng định Trang Nghị Đại Vương được thờ làm thần thành hoàng ở thôn Xuân La, không thể là ai khác, ngoài Hoằng Nghị Đại Vương, vì một lẽ đơn giản đất này, xưa kia nằm trong phạm vi "Thượng chí Vô Tè, hạ chí Cống Cách…", tức là trang ấp của ngài.

Trong tập bản thảo 10 bài (ở tư liệu 3) được viết ngày 28/3/2000 và trong các bài đã biên tập in ở sách: "Trần Thủ Độ con người và sự nghiệp" (1995); Sách "Thái Bình với sự nghiệp nhà Trần" in tái bản có bổ sung năm 2001 đều thấy cụ Dương Quảng Châu đưa ra tư liệu điền dã của mình về chi thứ 3 của dòng họ Trần là Trần Quả. Theo cụ Châu thì nhân vật này là em của Trần Hấp và Trần Mẽ; nhưng trong chính sử và các gia phả của triều Trần cùng các tài liệu khác đều không nhắc tới Trần Quả và Trần mẽ là em của Trần Hấp. Vì là tư liệu điền dã, lại khai thác thông tin theo lời truyền khẩu của con cháu họ Trần thời nay sống ở làng Mẹo (Phương La) nên các tư liệu của cụ Dương Quảng Châu đều chồng chéo mâu thuẫn lẫn nhau. Lúc thì cụ cho rằng Trần Hấp sinh ra Trần Lý và Trần Hoằng Nghị (bài viết 1994 - 1995), nhưng không rõ lý do gì ở trong tư liệu 3 viết năm 2000 cụ Châu lại cho rằng Trần Kinh sinh ra Trần Hấp, Trần Quả, và Trần Mẽ. Chính vì thế khi biên tập bổ sung tái bản sách "Thái Bình với sự nghiệp thời Trần" người ta đã đưa bài viết của cụ Dương Quảng Châu vào và cho in với tít đề "Đất và người Tinh Cương - Long Hưng trong sự nghiệp triều Trần" - Đây là bài viết được biên tập lại ở tư liệu 3, có tên là: "Một dòng họ Trần phát tích tại bến Trấn làng Then (Mẹo) - Hương Tinh Cương (trong tập bản thảo 10 bài của cụ Dương Quảng Châu được hoàn thành vào ngày 3/6/2000). Đáng chú ý trong hội thảo tại Hà Nội năm 2007 khi có những bài tham luận nêu ra vấn đề sai sót của cụ Dương Quảng Châu trong việc đánh đồng nhân vật Trần An Quốc (anh Trần Thủ Độ) - với Lý An Hạ (theo tư liệu của cụ Dương Quảng Châu thì là Trần An Hạ). Bằng những tư liệu thực tế văn bia, các văn bản ở Làng Miễu còn lưu giữ ở làng Miễu các tác giả đã chứng minh những sai lầm trong tư liệu của cụ Dương Quảng Châu và nhóm nghiên cứu của PGS.TS.Nguyễn Minh Tường. Nhưng thật hài hước khi trong bài kết luận của GS.Vũ Khiêu tại hội thảo 2007 ở Hà Nội có viết…"Còn có ý kiến cho rằng cụ Trần Hoằng Nghị không sinh ra ba người con như thế, mà không phải là Trần An Hạ mà là Lý An Hạ, chúng tôi thấy cần phải trao đổi sâu hơn, mà có bớt một người con là Trần An Hạ cũng chả sao… Không phải họ Trần mà là họ Lý, không phải Phương La mà là Nghệ An thì Nghệ An cứ xây dựng đền thờ thì cũng không sao"… (Trích băng ghi âm tại Hội thảo).

Tác giả lại viết "Cụ Trần Quả là con cụ Trần Kinh ở Tức Mạc - Mỹ Lộc, hàng ngày bán cá ở chợ Mả Sao - Tinh Cương, sau kiêm nghề làm ruộng ở làng Mẽ, lấy bà vợ họ Phùng sinh ra Trần Chế (sđd).

Nhưng ở bài viết 2001 cụ Dương Quảng Châu lại cho rằng ông Trần Mẽ về sống ở khu vực nay là làng Mẽ (nay là xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà). Rõ ràng tài liệu bất nhất và mâu thuẫn với nhau. Vậy ông Trần Quả hay ông Trần Mẽ (nếu có hai nhân vật này thì ông nào mới ở Phương La và ông nào mới ở làng Mẽ. Có đúng ông Trần Quả (ở tư liệu 3 viết năm 2000) và ông Trần Mẽ (ở bài viết năm 2001) sống ở làng Mẽ như tư liệu của cụ Dương Quảng Châu đưa ra hay không. Nếu có thì tại sao trong bài viết về Trần Thủ Độ năm 1994 không hề thấy cụ Dương Quảng Châu nhắc tới hai người em của Trần Hấp? Mà cụ Châu lại cho rằng Trần Hấp sinh Trần Lý, Trần Hoằng Nghị.

Chúng tôi đã nhiều lần về làng Mẽ (nay thuộc xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà) để tìm hiểu về vết tích tư liệu có liên quan tới hai nhân vật Trần Quả và Trần Mẽ. Qua nhiều lần đi về xã Phú Sơn chúng tôi không hề tìm thấy dấu vết nào có liên quan tới các nhân vật: Trần Quả, Trần Mẽ mà chỉ có dấu tích và đền thờ 3 vị vua triều hậu Lê cùng nền móng thành vách của điện thuần mỹ (thời hậu Lê) trên nền đất phủ đệ cũ của Kiến Vương Tân (thuộc làng Mỹ Xá - Mẽ); do vua Lê Tương Dực cho xây dựng. Cạnh con đường làng giữa làng Mỹ Xá hiện còn một ngôi miếu nhỏ thờ Phùng Tá Thang, Phùng Tá Chu và các con, cháu, chắt của ông là Thị Lang Phùng Nhậm triều vua Lê Thái Tổ; Phùng Tiến Đạt (quan giám nghị đại phu triều Lê). Phùng Tiến Đạt sinh Phùng Thị Giang (bà là phi tần của vua Lê Thánh Tông); bà sinh ra hoàng tử Kiến Vương Tân; Kiến Vương Tân sinh ra Giản Tu Công (Lê Oanh) - vua Lê Tương Dực.

Một điều đáng chú ý nếu là vùng đất Mỹ Xá (Mẽ) do cụ Trần Mẽ khai khẩn, con cháu sinh sống ở đó từ nhiều đời thì việc gì các vua Trần còn phải phong đất ở làng Mẽ (Mỹ Xá) cho con cháu của Trần Mẽ sau này. Đây là điều vô lý; nhưng cũng dễ hiểu vì nó là tư liệu điền dã và có sự suy diễn luận giải của hai tác giả Dương Quảng Châu - Phạm Hóa dẫn đến nhiều người đọc, cứ tưởng đó là người thực, việc thực. Trong bài viết "Đất và người Tinh Cương- Long Hưng trong sự nghiệp phù Trần" (Sđd); đồng tác giả Dương Quảng Châu - Phạm Hóa cho rằng Trần Quả sinh ra Trần Hoằng Nghị và Trần Hoằng Nghị sinh ra hai người con là Trần An Quốc và Trần An Bang. Thật khó hiểu ở hai cuộc hội thảo cụ Dương Quảng Châu đã công bố hai người là bố sinh ra Trần Hoằng Nghị, một là Trần Quả em Trần Hấp? và người thứ hai được cho là sinh ra Trần Hoằng Nghị là Trần Hấp. Rõ ràng nguồn tư liệu điền dã của cụ Dương Quảng Châu là thiếu tin cậy và không thể dựa vào đó để khẳng định Trần Hoằng Nghị là thân phụ của thái sư Trần Thủ Độ được.

Không hiểu vì sao người cao minh như ông Nguyễn Minh Tường lại không nhận ra, mâu thuẫn trong các tư liệu của cụ Dương Quảng Châu. Lúc thì cho rằng Trần Hoằng Nghị có 3 người con là Trần An Quốc, Trần An Hạ, Trần Thủ Độ, khi thì đánh đồng Trần An Quốc và Trần An Hạ là một người và cho rằng Trần Hoằng Nghị có 2 người con là Trần An Quốc (tức Trần An Hạ) và Trần Thủ Độ.

Thông qua việc phân tích các tư liệu trong các bài viết đã được đăng tại các cuộc hội thảo về Trần Thủ Độ và nhà Trần trong đất Thái Bình được tổ chức tại tỉnh Thái Bình trong những năm 1986 -1994 được in thành sách kỷ yếu; thậm chí còn được tái bản lại vào năm 2001. Ta thấy các tư liệu của cụ Dương Quảng Châu đưa ra trong các bài viết về thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị là không đúng sự thật. Đặc biệt các tư liệu của cụ Châu còn mắc nhiều sai lầm trong việc lúc thì cho rằng Trần Hấp là bố của Trần Hoằng Nghị bài viết "Trần Thủ Độ với Thái Bình"; rồi ở một bài viết khác được tái bản in năm 2001 thì lại cho rằng Trần Hấp là anh của Trần Hoằng Nghị. Nguy hiểm hơn khi tác giả Dương Quảng Châu với việc đi điền dã của mình đã không được tiếp cận với các tài liệu đáng tin cậy hoặc những người trung thực mà ông lại bị một số người lợi dụng về lòng đam mê của mình để xuyên tạc bóp méo sự thật, bịa đặt ra khu vực bến Trấn - Tinh Cương và nhân vật Trần Hoằng Nghị là người đã từng xây dựng lập làng Ứng Mão (Phương La ngày nay).

Vậy mà một số nhà khoa học khi nghiên cứu các tài liệu của cụ Dương Quảng Châu đã tận dụng và sử dụng nó không một chút nghi ngờ, cũng không kiểm tra tính chính xác của các tài liệu mà cụ Dương Quảng Châu đã để lại sau quá trình điền dã và viết tham gia các tham luận trong các cuộc hội thảo.

Dù sao cũng nghi nhận ở cụ Dương Quảng Châu một con người tận tụy với công việc, đam mê trong việc nghiên cứu đã ít nhiều cũng để lại những đóng góp nhất định trong việc tìm hiểu nghiên cứu về thời Trần và con người thời Trần trên đất Thái Bình. Đ.H

-------------------------------

Tham luận tại Tọa đàm khoa học về nhân vật Trần Hoằng Nghị do Hội đồng họ Trần Việt Nam phối hợp với các nhà nghiên cứu lịch sử tổ chức ngày 26/8/2019 tại Hà Nội.

Nhà sử học Đặng Hùng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tim-hieu-va-lam-ro-nhung-mau-thuan-thieu-chinh-xac-trong-cac-tu-lieu-dien-da-cua-cu-duong-quang-chau-72014