Tìm hiểu tâm lý trẻ 5 tuổi, những điều bố mẹ không nên bỏ qua

Tâm lý trẻ 5 tuổi đầy những cảm xúc và mâu thuẫn, là giao giữa trẻ mầm non và 'sắp lớn'. Bố mẹ cùng tìm hiểu tâm lý trẻ 5 tuổi trong bài viết để hiểu thêm cũng như có cách dạy bé giai đoạn này hiệu quả nhất.

Sự phát triển của một đứa trẻ 5 tuổi đầy niềm vui và cũng rất phức tạp. Ở tuổi này, nhiều trẻ vẫn đang trải qua thời kỳ chuyển giao giữa tuổi mầm non và giai đoạn phát triển "đứa trẻ lớn" sắp tới. Cùng tìm hiểu thêm tâm lý trẻ 5 tuổi trong bài để hiểu thêm về tâm sinh lý cũng như có những phương pháp giáo dục cho bé tốt hơn.

Tìm hiểu tâm lý trẻ 5 tuổi

Một đứa trẻ 5 tuổi có khả năng tự kiểm soát nhiều hơn trẻ sơ sinh, và hầu hết trẻ em ở độ tuổi này sẽ có thể ngồi trong một khoảng thời gian trong lớp học và nghe hướng dẫn của giáo viên. Đồng thời, trẻ ở độ tuổi này vẫn đang học cách điều chỉnh cảm xúc của mình, vẫn sẽ dễ bị khủng hoảng bởi việc làm đổ một cốc sữa, đánh vỡ chén, đĩa,...

Hiểu tâm lý trẻ 5 tuổi để dạy bé đúng cách

1, Đặc điểm tâm lý của trẻ 5 tuổi

Ở tuổi 5, trẻ em đang bước vào thế giới "trẻ lớn" để kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc tốt hơn. Nhiều trẻ em 5 tuổi là bé vui vẻ, tích cực muốn kết bạn và muốn nhận được phản hồi tích cực từ người lớn. Đồng thời, trẻ em 5 tuổi vẫn trong thế giới trẻ nhỏ và vẫn biểu hiện thái độ tình cảm, cơn giận dữ và mâu thuẫn ở nhiều thời điểm bất chợt.

Đây là thời điểm mà nhiều trẻ em bắt đầu bộc lộ được và nói lên cảm xúc của mình một cách có ý nghĩa. Ví dụ, một đứa trẻ 5 tuổi có thể nói, "Con/cháu/em không thích phải đi ngủ sớm."

Trẻ cũng cảm thấy tự nhiên đồng cảm, và một đứa trẻ 5 tuổi nhìn thấy một người bạn đang buồn, khóc có thể nói, "Tớ xin lỗi vì làm cậu buồn."

Và nếu một đứa trẻ ở độ tuổi này khó chịu về điều gì đó, các bé có thể nói thẳng một cách đơn giản những gì bản thân đang nghĩ, như là "Con giận mẹ."

Những dấu mốc quan trọng ở tâm lý trẻ 5 tuổi

Có thể chơi tự lập, tách ra khỏi bố mẹ trong một thời gian dài mà không thấy khó chịu, kêu khóc.
Chơi và chia sẻ với những đứa trẻ khác
Có thể tham gia cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 5 phút mà không bị phân tâm, lạc chủ đề.

2, Dạy trẻ đúng cách với tâm lý trẻ 5 tuổi

Đây là một thời điểm quan trọng để bắt đầu dạy các bé thích nghi xã hội rộng lớn bên ngoài để xử lý cảm xúc bản thân như giận dữ, thất vọng, nhõng nhẽo, ăn vạ,....

Dạy trẻ cách hòa đồng, nói chuyện, giao tiếp với chơi với mọi người

Hiểu tâm lý trẻ 5 tuổi hướng bé chơi hòa đồng và yêu thương mọi người xung quanh

Lúc này trẻ đã phát triển nhận thức và tâm lý tìm hiểu thế giới bên ngoài sẽ mạnh mẽ hơn trước đây rất nhiều, hình thành các mối quan hệ (bao gồm cả với giáo viên và bạn bè) bên ngoài vòng tròn gia đình, học cách độc lập dần dần, không phụ thuộc vào bố mẹ nữa.

Đây cũng chính là lúc tình bạn hình thành và có tầm quan trọng hơn đối với trẻ 5 tuổi. Một đứa trẻ ở độ tuổi này có thể bắt đầu hút về một số người bạn lựa chọn nhất định và hình thành liên kết chặt chẽ với hai hoặc ba đứa trẻ khác.

Một số biểu hiện tiêu biểu:

Muốn làm bạn vui lòng, chiều bạn, nghe theo bạn
Đồng ý thực hiện các quy tắc, nguyên tắc
Bắt đầu thể hiện mong muốn so bì, muốn được như những bé cùng tuổi khác.

Và không chỉ bắt đầu xây tình bạn mà sự tẩy chay, hình thành nhóm chơi độc lập, tách biệt có thể xảy ra trong tâm lý trẻ 5-6 tuổi. Vì vậy, bố mẹ cùng thầy cô phải theo dõi sát sao hoạt động của các bé trong lớp học và giờ chơi. Bắt nạt cũng có thể xảy ra ở trường mẫu giáo và ở độ tuổi này, các bé đều thiếu kỹ năng và không biết cách xử trí nên sự can thiệp đúng mực, đúng cách của người lớn là hoàn toàn cần thiết.

Theo sát tâm lý trẻ 5 tuổi: Phát triển nhận thức

Bước vào 5 tuổi, các bé bắt đầu hiểu sự khác biệt giữa "đúng" và "sai", "thiện" và "ác", "tốt" và "xấu", có thể nắm bắt được khái niệm về các quy tắc và nghiêm túc thực hiện đúng luật, làm hài lòng người lớn.

Đặc điểm tâm sinh lý của trẻ 5 tuổi: Trẻ dễ hình thành tính ích kỷ và sở hữu cao

Nhưng, theo sự phát triển nhận thức đó, bố mẹ cũng phải lưu ý rằng, đến 5 tuổi, trẻ em có thể suy nghĩ và thể hiện bản thân ở các cấp độ cao hơn, yêu bản thân hơn và sẽ hình thành tính ích kỷ, không muốn chia sẻ mọi thứ với mọi người. Trẻ ý thức được tính sở hữu của bản thân, nếu người khác động vào đồ của mình là sai, đồ người khác mình không động vào, và nếu không uốn nắn kịp thời trẻ sẽ phát triển theo hướng chỉ lo cho lợi ích của mình, không quan tâm người khác. Tính ích kỷ không kịp thời sửa bảo có thể sẽ khiến trẻ bị cô lập, phát triển tính cách méo mó, do vậy, bố mẹ đừng quên dạy trẻ tỉ mỉ về chia sẻ đồ chơi, học tính nhân ái, yêu thường và giúp đỡ mọi người xung quanh. Tin rằng, trẻ sẽ rất vui khi được giúp đỡ mọi người và phát triển tâm lý, tính cách đúng hướng.

Đồng thời, ở giai đoạn 5-6 tuổi này, trẻ sẽ sợ ma, sợ quỷ và sợ bóng tối một cách rõ ràng hơn. Nó bắt nguồn từ trí tưởng tượng và những lời hù dọa của người lớn. Để giải quyết vấn đề này, người lớn nên dạy bé cách tự lập, không hù dọa, tập làm quen với bóng tối bằng cách ngủ một mình,... sẽ giúp bé bản lĩnh và cứng cỏi hơn.

Hiểu tâm lý trẻ 5 tuổi để dạy bé phát triển ngôn ngữ tốt hơn

Như đã nói ở trên, đến 5 tuổi trẻ sẽ phát triển ngôn ngữ, thể hiện nhu cầu và mong muốn của mình bằng lời nói một cách đa dạng và thành thục. Ngôn ngữ của trẻ dễ hiểu hơn và trẻ cũng có thể hiểu được những cấu trúc câu phức tạp hơn.

Và sự phát triển ngôn ngữ này sẽ thông qua những câu chuyện tưởng tượng. Trẻ bắt đầu phát huy tính sáng tạo, tự viết một câu chuyện của riêng mình và rất thích kể chúng với mọi người, do đó, bố mẹ hãy chịu khó lắng nghe, tham gia đóng vai cùng bé để hiểu được trẻ đang nghĩ gì, mong muốn của trẻ ra sao,... kịp thời giải thích những thứ bé chưa hiểu rõ cũng như là dạy bé thêm những điều hay lẽ phải, sửa lại lỗi phát âm, dùng từ chưa đúng. Bố mẹ cũng có thể kể những câu chuyện cho bé như là bằng tuổi con bố mẹ thế này sẽ giúp bé có hành vi và cư xử đúng mực hơn.

Đặc điểm tâm lý trẻ 5 tuổi: Bướng bỉnh và nhõng nhẽo hơn

Biết được tâm lý trẻ bước vào tuổi lên 5 để rèn bé giảm bướng bỉnh và nhõng nhẽo

Bước vào 5-6 tuổi, theo sự phát triển nhận thức và ngôn ngữ, bé ý thức về bản thân mạnh hơn đồng thời có những chính kiến riêng của bản thân thông qua những cuộc "tranh luận" về chủ đề đa dạng với bố mẹ, mà người lớn thường hay nói là "cãi". Đồng thời ở trẻ, sẽ gặp cuộc khủng hoảng tuổi lên 5, chuyển giao từ mầm non sang "thanh niên trưởng thành" sắp vào lớp 1 nên các bé sẽ bướng bỉnh, hay nhõng nhẽo và gan lì hơn.

Gặp phải tình huống này, bố mẹ và thầy cô, gia đình nên kiên nhẫn giải thích cho bé để bé hiểu được vấn đề, đồng thời phải cứng rắn không đáp ứng những yêu cầu của bé, uốn nắn từ sớm, để bé biết được đâu là giới hạn, để bé không mè nheo, ăn vạ.

Hiểu được đặc điểm tâm lý của trẻ 5 tuổi sẽ giúp bố mẹ dạy dỗ, hiểu các bé hơn, từ đó biết cách điều chỉnh trong phương pháp dạy dỗ hàng ngày, giúp trẻ phát triển đúng hướng, thành một em bé ngoan.

Phương Dung (TH)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/tim-hieu-tam-ly-tre-5-tuoi-nhung-dieu-bo-me-khong-nen-bo-qua-c21a293037.html