Tìm hiểu quá trình 'tiến hóa' của vị trí lốp dự phòng trên ôtô

Xuyên suốt quá trình phát triển, khoang chứa lốp dự phòng được bố trí ở nhiều nơi trên ôtô, phụ thuộc vào mục đích, ý tưởng chế tạo và sắp tới...có thể biến mất!

Giai đoạn ban đầu, nhìn chung xe hơi chưa có khái niệm về lốp dự phòng bởi những lốp xe đầu tiên được làm bằng cao su đặc, hoặc không sử dụng lốp cao su. Các bánh xe có thể được chế tạo hoàn toàn bằng thép hoặc gỗ và hầu như không thể thay thế. Vì vậy, việc thay lốp, nếu cần, là rất hãn hữu.

Từ thời kỳ đầu, ở chiếc Cadillac Model 30 năm 1910 có thể thấy bên sườn phải xe 2 lốp dự phòng. Các lốp này không cản trở người điều khiển, vì không có cánh cửa bên phải.

Nhưng chẳng bao lâu sau, những chiếc xe được đặt trên 4 chiếc lốp nén khí có ưu điểm êm ái hơn nhưng cũng dễ bị thủng. Con đường nhẵn và cứng vào buổi bình minh nền văn minh ôtô là chưa đủ. Bánh xe phải đối mặt với rất nhiều đá sắc nhọn và rác rưởi. Bởi vậy, đầu thế kỷ 20, ôtô thường mang theo tới 2 lốp dự phòng. Lốp xe dự phòng thường được đặt phía bên phải, cạnh người lái. Khi đó, vô-lăng của tất cả các xe vẫn còn ở bên phải và về cơ bản xe không có cánh cửa bên phải. Ở phía này người ta bố trí các cần số và phanh.

Chiếc roadster sang trọng Mercedes 680S với kiểu bố trí lốp dự phòng điển hình bên trên cánh cửa trước.

Cùng với sự phát triển của xe hơi, vai trò của lốp dự phòng cũng thay đổi. Các bánh xe có thể thay thế và lốp dự phòng trở thành tổ hợp lốp cùng vành bánh xe đi kèm. Ban đầu, bánh xe dự phòng được bố trí phía sau chiếc xe. Tuy nhiên vào thập niên 20 thế kỷ trước xuất hiện cốp đựng hành lý, dẫn đến lốp dự phòng được đưa lên sườn phải hoặc sườn trái xe, bên trên cánh cửa trước .

Rolls-Royce Phantom II năm 1930 với bánh xe dự phòng được gắn vào phần đuôi có nắp bảo vệ.

Theo thời gian, vào cuối những năm 1930 bắt đầu xuất hiện các mẫu xe với khoang chứa hành lý tích hợp chứ không còn riêng rẽ. Và lốp dự phòng được tích hợp vào khoang này. Ban đầu, lốp dự phòng được đặt đơn thuần vào cốp chứa hành lý, chiếm mất những thể tích sử dụng hữu ích.

Trong một thời gian dài, lốp dự phòng của Land Rovers (ảnh Land Rover Series III đời 1971) được bố trí trên mui xe. Với tư thế ngồi cao cùng kính chắn gió lớn, cách bố trí này không cản trở thị trường quan sát của người điều khiển.

Đến thập niên 1960, khi thể tích khoang chứa hành lý không ngừng tăng lên, và đường kính vành xe giảm bớt, lốp dự phòng lúc này được bố trí nằm theo chiều dọc sườn khoang chứa hành lý.

Tuy nhiên sau một thời gian, người ta thấy vị trí để lốp dự trữ này bất tiện, chiếm nhiều không gian trong khoang chứa hành lý. Khi đó xuất hiện thiết kế thích hợp đặc biệt cho một bánh xe dự phòng phía dưới khoang chứa hành lý. Và thiết kế này được sử dụng cho đến ngày nay.

Bố trí lốp dự phòng ban đầu xe địa hình GAZ-21, phía đuôi và ở 2 bên

Tuy nhiên việc bố trí lốp thứ 5 (dự phòng) trong khoang hành lý không phải lúc nào cũng có thể đạt được. Với số lượng ngày càng tăng dòng xe cỡ nhỏ, vấn đề vị trí đặt lốp dự phòng lại nảy sinh khó khăn.

Thiết kế lốp dự phòng trên xe Horch Model 901 với bánh xe gắn 2 bên thân với ổ bi nên có thể xoay tròn. Trường hợp địa hình xấu, nó có thể trở thành các bánh xe hỗ trợ.

Đôi khi lốp dự phòng được bố trí dưới nắp capô trước. Thiết kế này đã được sử dụng với các xe của Liên Xô trước đây (Oka, Niva, Tavriya). Với xe địa hình, lốp dự phòng thường được bố trí trên cửa sau mở khoang chứa hành lý.

Lốp dự phòng được bố trí ngay sau ghế ngồi trước ở Suzuki Jimny đời đầu, nhằm đảm bảo xe chỉ dài 3m để giảm thuế.

Và hiện nay, vẫn còn những mẫu xe bố trí lốp dự phòng trên cửa hậu thứ năm (hoặc ba) này. Khoảng 15 năm trở lại đậy, lốp dự phòng kích thước đầy đủ thường được thay bằng loại lốp dự phòng có kích thước mỏng hơn. Nguyên nhân là để tiết kiệm không gian trong khoang chứa hành lý. Nhưng với sự ra đời của lốp có thể chạy khi không còn hơi (run-flat), người ta không còn sợ việc thủng lốp hay cần phải mang theo lốp dự phòng nữa. Và một số nhà sản xuất, chẳng hạn như BMW, trên nguyên tắc đã không xem xét việc bố trí khoang chứa lốp dự phòng.

Tuy nhiên, nguy cơ hỏng lốp xe trên đường vẫn khá lớn ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Bởi vậy trong các thập niên sắp tới, nhiều khả năng lốp dự phòng vẫn chưa thể loại bỏ trong xe hơi.

Trên mẫu xe địa hình thử nghiệm Moskvitch 2150, bánh dự phòng bố trí phía sau bên phải. Tuy nhiên xe không được đưa vào sản xuất.

Nhiều chủ sở hữu Volkswagen T2 treo lốp dự phòng lên mũi chiếc minibus. Động cơ xe đặt phía sau nên bố trí này không ảnh hưởng tới hệ thống làm mát.

Cách bố trí lốp dự phòng ở Volga wagon (GAZ 24-02): trong một hốc đặc biệt dưới sàn khoang sau, với cửa mở riêng.

Lốp dự phòng ở Niva VAZ-2121 nằm trong khoang động cơ, và thiết kế này vẫn tồn tại cho tới ngày nay.

Các cuộc đua đường trường không thể thiết lốp dự phòng. Bánh thường đặt trên nóc xe như Peugeot 405 T16 tại giải Paris - Dakar 1988. Cách làm này cũng được dân chơi offroad áp dụng.

Lốp dự phòng ở một số dòng crossover và xe địa hình ngày nay vẫn được treo trên cửa hậu thứ 5, như Ford EcoSport.

Ở một số dòng xe, lốp dự phòng bố trí dưới gầm khoang chứa hành lý, như Renault Kaptur.

Lốp dự phòng được làm mỏng hơn trên chiếc Audi A4 thế hệ thứ năm. Tại Việt Nam, Kia Morning nhập khẩu cũng thường có trang bị lốp dự phòng kiểu này.

Nguồn Xe Đời Sống: http://xedoisong.vn/cong-nghe/tim-hieu-qua-trinh-tien-hoa-cua-vi-tri-lop-du-phong-tren-oto-16596.html