Tìm hiểu phong tục cúng 'tháng cô hồn' của các nước Châu Á

Không phải chỉ ở Việt Nam mới có phong tục cúng tháng cô hồn mà các nước khác: Malaysia, Thái Lan…cũng có phong tục này.

Vào tháng 7 âm lịch hàng năm, nhiều đất nước thuộc khu vực Châu Á có tục cúng tháng cô hồn. Đây là một truyền thống cổ xưa nhằm tỏ lòng kính trọng đối với linh hồn của những người đã khuất. Mỗi một quốc gia có một phong tục riêng, nếu như ở Singapore có tục đốt hình nhân, ở Malaysia có lễ “đón ma”, ở Việt Nam có lễ “Vu lan báo hiếu” thì ở quốc gia khác phong tục của họ như thế nào?

Phong tục cúng cô hồn Hồng Kông: Cầu nguyện cho người đã khuất

Nếu bạn đi du lịch Hồng Kông vào tháng 7 âm lịch, bạn sẽ thấy một Hồng Kông trầm lắng lại để dành không gian cho những người đã khuất.

Phong tục cúng cô hồn trên đất Hồng Kông có những nét độc đáo riêng biệt mang đậm bản sắc văn hóa. Người Hồng Kông sẽ làm những mâm cúng truyền thống, đốt vàng mã và cầu nguyện cho những vong linh đã khuất.

Bên cạnh đó, họ còn tổ chức một buổi xem lại các cuốn phim cũ và mời người quá cố về xem chung, cùng ăn chè và sinh hoạt như lúc họ còn sống.

Sau khi tham gia những nghi lễ tâm linh và lễ tang, họ thường dùng những chiếc lá tươi, như lá sen tắm rửa cơ thể để thanh tẩy vì họ không muốn những cô hồn theo về nhà.

Phong tục cúng cô hồn ở Singapore: Đốt hình nhân

Người Singapore cũng có lễ cúng cô hồn nhưng được tiến hành đơn giản và hiện đại. Hạn chế dùng vàng mã và nói không với các hoạt động cúng tế rườm rà, tốn kém. Vào dịp này, họ sẽ chỉ cúng tế một lần trong tháng 7 với một mâm cỗ gọn gàng tinh tế.

Bên cạnh việc cúng tế, người Singapore có còn phong tục cúng cô hồn khác là đốt hình nhân bằng giấy được làm giống như một người thật. Việc đốt hình nhân này có ý nghĩa là mang đến một người để bầu bạn, tâm sự với người đã khuất. Những hình thức mê tín dị đoan đều không được chào đón ở đây.

Phong tục cúng cô hồn ở Trung Quốc: tiết Trung Nguyên

Vào tiết Trung Nguyên hằng năm, người Trung Hoa sẽ làm những mâm cỗ có nhiều món truyền thống bắt mắt cùng trái cây ngũ quả, giấy tiền vàng mã theo nhu cầu cần thiết và đèn hoa sen thả hồ để soi sáng cho người thân về thăm nhà hưởng hương khói. Đây là thời điểm đẹp nhất khi đêm về vì tất cả mọi nơi đều rực sáng những ánh đèn hoa đăng.

Phong tục cúng cô hồn ở Nhật Bản: Lễ hội Obon

Giống như lễ hội Vu Lan ở Việt Nam, lễ hội Obon được xem là một lễ hội quan trọng có truyền thống lâu đời ở Nhật Bản, đây chính là dịp để tưởng nhớ tổ tiên.

Được tổ chức vào ngày 14, 15, 16 tháng 7 âm lịch, lễ hội tháng cô hồn này ở mỗi địa phương lại có những cách thức tổ chức các nghi lễ và hoạt động riêng biệt. Thông thường sẽ có các hoạt động diễu hành tập thể, các hội chợ và khu vui chơi đón tiếp rất nhiều người đến tham quan và mua sắm.

Người Nhật cũng tiến hành các nghi lễ cúng bái, thả đèn hoa đăng. Nếu như đèn hoa đăng của Việt Nam là những bông sen bằng giấy, đèn hoa đăng Trung Quốc là các bông tròn đủ màu sắc thì đèn hoa đăng Nhật Bản được làm bằng những khung tre hình trụ vuông, giấy bồi cứng, khi đốt đèn lên và thả xuống hồ nước không mau tắt cũng như không bị rã ra, trông rất sáng tạo và bắt mắt.

Các mâm cúng vào dịp lễ này đều được chuẩn bị hết sức cẩn thận và kỹ lưỡng. Người Nhật dùng bột làm nguyên liệu chính cho các món cúng. Những món ăn từ bột được chế biến khá đẹp mắt như bánh khảo, bánh gạo, bánh hoa, bánh bột với đủ hình dạng đẹp mắt bày tỏ sự kính trọng sâu sắc đến bề trên.

Phong tục cúng cô hồn ở Hàn Quốc: Ngày lễ rửa liềm

Theo phong tục truyền thống, người Hàn Quốc gọi ngày rằm tháng 7 là Bách Trung (Baekjung) hay Bách Chủng (Baekjong), tức là 100 chủng loại hạt ngũ cốc, vì đây là thời điểm có nhiều loại rau củ quả có thể thu hoạch trong năm. Ngoài ra, ngày này còn là ngày lễ Hội Vu Lan Bồn hay ngày lễ Cha Mẹ là ngày ngày tưởng nhớ tổ tiên, tri ân và bày tỏ lòng thành kính đối với các bậc sinh thành.

Ở nông thôn Hàn Quốc, vào ngày Bách chủng Rằm tháng 7 âm lịch, mọi công việc đồng áng đã hoàn thiện người nông dân bắt đầu có thể nghỉ ngơi và chờ đến khi lúa chín, nên cũng không cần sử dụng đến cái liềm nữa. Chính vì thế mà ngày này còn được gọi là “Ngày rửa liềm”.

Hội nông dân sẽ tổ chức diễu hành với trang phục Hanbok truyền thống, tay cầm gậy có khi mang mặt nạ hoặc không, nhằm xua đuổi tà thần và cầu xin một vụ mùa mới may mắn cũng như không bị cô hồn quấy phá.

Phong tục cúng cô hồn ở Malaysia: Tung đồng xu đẩy lui ma quỷ

Là một nước trong khu vực với văn hóa tín ngưỡng thiên về Phật Giáo, Malaysia cũng đi đầu trong việc cúng bái vào tháng 7 âm lịch với những hoạt động hấp dẫn đến nỗi du khách không muốn bỏ qua thời điểm "ma quỷ" ở đây.

Vẫn giống như Trung Quốc, tục cúng vong linh những người đã khuất tại Malaysia luôn bắt đầu bằng những mâm lễ trang trọng có món ăn truyền thống, các món trà địa phương, hoa tươi, trái cây bắt mắt và vàng mã được sắp đều xung quanh. Sự khác biệt duy nhất chính là động thái tung đồng xu được thực hiện bởi thầy tu mời đến nhằm cầu may và đẩy lùi ma quỷ.

Người Malaysia truyền thống rất tin tưởng vào tâm linh và đấng bề trên, họ tin rằng việc tung đồng xu và cầu nguyện sẽ giúp ma quỷ lui về bóng tối, còn cho người thân đã khuất có thể về thăm nhà và phù hộ việc làm ăn cho họ.

Phong tục cúng cô hồn ở Thái Lan: Lễ hội Ma Xó

Sớm hơn các nước cùng khu vực một tháng, vào tháng 6 âm lịch hằng năm, Xứ sở Chùa Vàng tổ chức lễ hội Ma Xó nhằm tôn vinh người chết với các buổi diễu hành kéo dài cùng các phong tục địa phương độc đáo.

Trong quan niệm của người dân Thái Lan, lễ hội Ma Xó diễn ra là dịp để người dân ca hát, nhảy múa nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với những linh hồn đã luôn che chở, bảo vệ cuộc sống, ngôi làng của họ và cầu xin thời tiết thuận lợi cho vụ mùa sắp tới.

Thúy An (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/tim-hieu-phong-tuc-cung-thang-co-hon-cua-cac-nuoc-chau-a-576606.html