Tìm hiểu khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Người khai sinh ra Đờn Ca Tài Tử Nam bộ

Ông Cao Văn Lầu (hay Sáu Lầu), sinh ngày 22/12/1892 tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, quận Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình ông trôi dạt nhiều nơi trước khi dừng chân tại Bạc Liêu. Với sự hướng dẫn những bước đi đầu tiên của nhạc sĩ cổ nhạc Lê Tài Khị, tài năng của một người nhạc sĩ lớn trong ông đã được phát triển.

Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu nằm trên chính con đường mang tên ông - đường Cao Văn Lầu, phường 2, TP. Bạc Liêu.

Trong khuôn viên công trình, tại biểu tượng đài ống tre, lối vào chính phía trên của nhà hành chính là cầu thang lên khu vực biểu tượng chiếc đàn kìm – biểu tượng của đờn ca tài tử Nam bộ - gắn liền với hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu – người con của tỉnh Bạc Liêu. Chiếc đàn kìm được cách điệu từ đốt tre, phần đàn kìm được đục lõm tạo sự huyền bí, thiêng liêng, gợi lên sự hoài niệm và tưởng nhớ về những người đã khuất.

Điểm nổi bật tại đây để tạo thêm tính thiêng liêng, huyền bí là các bậc thang lên đài ống tre được bố trí các số bậc: 2,4,8,16,32 và 64, tượng trưng cho cung bậc, nhịp phách của ca cổ cải lương tương ứng với từng nghệ nhân sáng tác. Đó là: nhịp 2 của Cao Văn Lầu, nhịp 4 của Trịnh Thiên Tư, nhịp 8 của Lư Hòa Nghĩa, nhịp 16 của Mộng Vân, nhịp 32 của Trần Tấn Hưng và nhịp 64 của Lý Khi

Xung quanh tượng đài ống tre được khắc họa trên đá 20 bài tổ như 3 bản Nam, 6 bản Bắc, 4 bản Oán, 7 bản Bắc lớn.

Đằng sau biểu tượng chiếc đàn Kìm là tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu với nhạc phẩm "Dạ cổ hoài lang" được khắc ngay phía sau.

Sau biểu tượng đàn kìm là khu công viên với các biểu tượng các loại nhạc cụ, gọi là tứ tuyệt. Bên trái là nhà trưng bày lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu; bên phải là các khối phục vụ; phía cuối của dự án là khối nhà biểu diễn loại hình đờn ca tài tử bố trí nằm trên hồ sen

Phòng trưng bày là nơi giới thiệu nhiều tư liệu quý gồm ảnh chụp một số tham luận về việc bảo tồn và phát huy giá trị bản “Dạ cổ hoài lang”; hình ảnh một số nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu của quê hương Bạc Liêu...

... phục trang sân khấu cải lương của các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng; một số nhạc cụ cổ nhạc trong đó có cây đờn cò của giáo sư Trần Văn Khê; cây đàn guitar phím lõm của nhạc sĩ ưu tú Văn Giỏi sử dụng từ năm 1976, cây đàn guitar phím lõm của ông Hai Ngưu mà nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã mượn khi đến Sài Gòn vào năm 1963; dàn nhạc lễ gồm cò, gáo, tranh, trống, trống cơm, tum, chập chõa…

Đặc biệt nơi đây còn phục dựng cảnh đờn ca tài tử bằng mô hình sáp rất sinh động.

Khu mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu gồm 4 ngôi mộ: mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu, mộ bà Trần Thị Tấn – vợ của nhạc sĩ, mộ song thân nhạc sĩ Cao Văn Lầu – ông Cao Văn Giỏi và bà Võ Thị Tài

Nhà sân khấu biểu diễn loại hình đờn ca tài tử.

Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu được xem là điểm du lịch độc đáo của Bạc Liêu. Từ việc tham quan của du khách thập phương, đến những chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo Trung ương và các tỉnh đến Bạc Liêu, hay các sự kiện văn hóa quan trọng khác… Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhằm khẳng định vị thế của bản Dạ cổ Hoài lang và tôn vinh tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Minh Khánh

Nguồn Bộ VHTTDL: http://cinet.vn/du-lich/tim-hieu-khu-luu-niem-nhac-si-cao-van-lau-nguoi-khai-sinh-ra-don-ca-tai-tu-nam-bo-360651.html