Tìm giải pháp xây dựng tiêu chí nghèo đa chiều

Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 đã bộc lộ nhiều nội dung bất cập, vì vậy cần thiết phải xây dựng tiêu chí nghèo đa chiều mới cho giai đoạn 2021-2025.

Chuẩn nghèo mới hướng đến đảm bảo quyền an sinh xã hội cho người dân.

Chuẩn nghèo mới hướng đến đảm bảo quyền an sinh xã hội cho người dân.

Việc áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg đã nhận diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo thu nhập và từng chiều, chỉ số thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được đánh giá là bước đột phá hướng đến giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 đã bộc lộ nhiều nội dung bất cập, vì vậy cần thiết phải xây dựng tiêu chí nghèo đa chiều mới cho giai đoạn 2021-2025.

Nhiều tiêu chí khó thực hiện

Thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đa chiều từ năm 2015, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cơ bản bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, tiếp cận giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin và vệ sinh, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm an sinh xã hội, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.

Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020 tỷ lệ nghèo chung cả nước chiếm 5,23%, cận nghèo là 4,59%. Trong đó, miền núi Tây Bắc có tỷ lệ nghèo cao nhất, gấp 4,63 lần tỷ lệ nghèo chung, tiếp theo là miền núi Đông Bắc và Tây Nguyên. Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ nghèo thấp nhất (dưới 1%), đồng bằng sông Hồng dưới 2%.

Đánh giá việc thực hiện nghèo đa chiều phản ánh từ các địa phương cho thấy, hiện nay việc xét chuẩn nghèo mới đã đi gần hết chặng đường, song nhìn lại vẫn còn nhiều bất cập cần điều chỉnh cho phù hợp. Các tiêu chí tiếp cận đo lường hộ nghèo đa chiều theo Quyết định 59 gồm tiêu chí về thu nhập và tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (DVXHCB). Theo đó, 5 DVXHCB là: y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh…Tuy nhiên trong quá trình xét không đơn giản bởi ở mỗi địa phương đều có những đặc thù khác nhau.

Chú trọng về chuẩn thu nhập

Xuất phát từ thực trạng trên, hiện nay Bộ LĐTBXH đang xây dựng và đề xuất từ giai đoạn 2021 -2025 sẽ thực hiện tiêu chí giảm nghèo đa chiều mới. Theo đó, chuẩn nghèo đa chiều cần phải được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa và phát triển chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn trước hướng tới mục tiêu hỗ trợ đối tượng toàn diện, bao trùm.

Chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn sau cao hơn chuẩn nghèo quốc gia của giai đoạn trước và từng bước tiếp cận dần đến chuẩn mức sống tối thiểu. Phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước để có thể tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho nhóm dân cư nghèo nhất, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng khó khăn, các địa bàn có tỷ lệ nghèo cao.

“Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng dựa trên cách tiếp cận đảm bảo quyền con người, đặc biệt là quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân; hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm, bền vững người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, được đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Tô Đức, Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo cho biết.

Cũng theo ông Đức, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 dự kiến với hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ cận nghèo ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Dự kiến chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 ước tính tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 9,3%, tương ứng với 2,5 triệu hộ, 10 triệu khẩu. Tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 7%, tương ứng với 1,89 triệu hộ, 7,61 triệu khẩu.Tổng nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là khoảng 78,3% so với giai đoạn 2016-2020.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tim-giai-phap-xay-dung-tieu-chi-ngheo-da-chieu-507373.html