Tìm giải pháp thúc đẩy tập trung đất đai

Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức hội nghị 'Diên hồng' để tháo gỡ vướng mắc trong việc tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tích tụ ruộng đất là quá trình mua đất để sở hữu đất đai ở quy mô lớn hơn, còn tập trung ruộng đất là liên kết nhiều mảnh ruộng của nhiều chủ sở hữu khác nhau lại thành mô hình cánh đồng lớn. Phân biệt rõ tích tụ và tập trung đất đai là để có những chính sách phù hợp hơn với từng loại hình tập trung ruộng đất để sản xuất lớn là việc cần thiết.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại nông trường VinEco tỉnh Hà Nam. Ảnh: S.T

Phân biệt rõ “tích tụ” và “tập trung” đất đai

Theo quan điểm thứ nhất, tích tụ đất đai là sự mở rộng quy mô diện tích đất đai do hợp nhất nhiều thửa lại, đây được xem là tiền đề phát triển kinh tế hộ gia đình trong quá độ chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Quá trình này vận động theo cơ chế thị trường, thông qua các hình thức giao dịch dân sự (chuyển nhượng, thừa kế, cho, tặng quyền sử dụng đất).

Theo quan điểm thứ hai, tích tụ đất đai là một dạng tích tụ tư bản dưới hình thức hiện vật trong nông nghiệp, vì ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu không thể thay thế được của nông nghiệp. Nhưng do đặc điểm sản xuất mang tính sinh học, nên tích tụ đất đai nói riêng và tích tụ tư bản nói chung trong nông nghiệp khác hẳn với tích tụ tư bản trong công nghiệp.

Chính sách thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp hiện tại đang được áp dụng chung như các bất động sản khác và còn tương đối cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp.

Đối với định nghĩa về tập trung đất đai ít được nhắc đến hơn so với tích tụ đất đai, do đó thông thường hiện nay được hiểu thông qua việc phân biệt tích tụ đất đai và tập trung đất đai. Sự phân biệt giữa tích tụ đất đai và tập trung đất đai xuất phát từ quan điểm của các nhà nghiên cứu, còn phần lớn xã hội đều chưa có sự phân biệt rõ ràng hai khái niệm này với nhau. Sự phân biệt giữa tích tụ và tập trung đất đai được thể hiện qua hai tiêu chí: về việc chuyển giao quyền sử dụng đất và về tính ổn định của chủ thể có quyền sử dụng đất.

Về việc chuyển giao quyền sử dụng đất, tích tụ đất đai là quá trình nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để sở hữu đất đai ở quy mô lớn hơn, còn tập trung đất đai là liên kết nhiều mảnh đất của nhiều chủ sở hữu khác nhau lại thành mảnh đất lớn hơn. Do đó, tích tụ đất đai làm thay đổi chủ thể có quyền sử dụng đất từ nhiều người thành một người duy nhất, còn tập trung đất đai thì quyền sử dụng đất của các chủ hộ vẫn không thay đổi.

Về tính ổn định của chủ thể có quyền sử dụng đất, tích tụ đất đai giúp người tích tụ có quyền sử dụng đất lâu dài nên sẽ yên tâm hơn khi tập trung đầu tư và phát triển nông nghiệp vì có đủ quyền năng của chủ sở hữu, nhưng sẽ làm phát sinh bài toán về xã hội và dân cư khi một bộ phận nông dân sẽ mất quyền sử dụng đất do ông cha để lại. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà nước phải ban hành các chính sách và pháp luật về hạn điền để hạn chế tình trạng nêu trên. Việc phân biệt rõ tích tụ và tập trung đất đai giúp nhà nước có những chính sách phù hợp hơn để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

4 giải pháp từ thực tiễn

Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy việc dồn điền đổi thửa ở các địa phương. Hỗ trợ thủ tục hành chính cho người nông dân trong quá trình đo đạc lại đất, lên phương án dồn đổi ruộng đất; Đẩy nhanh tiến độ cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa.

Thứ hai, Nhà nước có các chính sách đồng bộ như miễn thuế thu nhập, phí, lệ phí khi chuyển quyền đối với nông dân. Việc chuyển nhượng đất nông nghiệp phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở mức 25% tính theo giá chênh lệch giữa giá chuyển nhượng trừ đi giá mua và chi phí; hoặc 2% giá chuyển nhượng nếu không xác định được giá mua và chi phí; và 0,5% lệ phí trước bạ.

Thứ ba, quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất sau khi chuyển nhượng để đảm bảo đất không bị bỏ hoang, ngăn ngừa tình trạng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để đầu cơ, không vì mục đích sản xuất. Việc xử lý đối với các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng cần được thực hiện nghiêm trên thực tế.

Thứ tư, chuyển giao quyền sử dụng đất nông nghiệp có tác động rất lớn về mặt kinh tế, xã hội, tới việc đảm bảo lợi ích của người nông dân. Chính vì thế, để hỗ trợ việc thực hiện hình thức này cần phải thực hiện đồng bộ các chính sách khác như thu hút đầu tư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm phi nông nghiệp, thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển nông nghiệp như quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công nghệ, thị trường đầu ra...

Bạn đọc có ý kiến về vấn đề này để kiến nghị tới Thủ tướng tại hội nghị bàn về giải pháp thúc đẩy tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp xin gửi thông tin tới: toasoan@dddn.com.vn.

Bùi Đức Hưng – Nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng)

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/tim-giai-phap-thuc-day-tap-trung-dat-dai-127134.html