Tìm giải pháp ổn định xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu (XK) nông sản sang Trung Quốc đang có dấu hiệu sụt giảm, do Trung Quốc siết chặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tập quán làm ăn nhỏ lẻ, giao thương tiểu ngạch. Điều này đặt ra yêu cầu phải tổ chức lại sản xuất, xây dựng chiến lược XK nông sản bền vững sang Trung Quốc.

Người dân vùng biên huyện Mường Khương, Lào Cai, tập kết chuối để xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Bích Nguyên

Người dân vùng biên huyện Mường Khương, Lào Cai, tập kết chuối để xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Bích Nguyên

“Tắc đường” vào thị trường lớn

Theo thông tin từ Bộ Công thương, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch XK nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch XK hàng hóa các loại sang thị trường này.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đánh giá, với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của thị trường Trung Quốc rất đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm. Có thể thấy rằng, hàng hóa nông thủy sản của ta vẫn còn tiềm năng, dư địa tăng trưởng XK sang Trung Quốc, khi đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng của thị trường này.

Tuy nhiên, kim ngạch XK nông thủy sản sang Trung Quốc đang rơi vào đà sụt giảm. Ông Hải cho biết, trong 8 tháng năm 2019, kim ngạch XK nông thủy sản Việt Nam đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu thị trường XK của nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc - thị trường quan trọng nhất, đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua. Thực tế, rất nhiều lần nông sản Việt Nam bị ùn tắc trên đường vào thị trường Trung Quốc tại các cửa khẩu, giá cả các mặt hàng nông sản cũng bấp bênh, không được đảm bảo.

Nguyên nhân của tình trạng sụt giảm kim ngạch XK nông sản sang Trung Quốc theo Bộ Công thương là do từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý phía nước này đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Nói một cách đơn giản, Trung Quốc không còn là thị thường dễ tính nữa. Điều này đã phần nào tác động đến tiến độ XK nông thủy sản của ta sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh yếu tố về cung cầu thị trường. Chưa kể, tập quán làm ăn manh mún cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động XK nông thủy sản sang Trung Quốc.

Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương, XK nông thủy sản sang Trung Quốc còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức do tập quán kinh doanh của ta chưa chuyên nghiệp. Hàng nông thủy sản vẫn chủ yếu dựa vào thương mại qua biên giới (tiểu ngạch), dựa vào các điểm cửa khẩu thông quan chứ chưa đưa hàng hóa vào sâu nội địa, do chưa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững.

Tập trung xuất khẩu chính ngạch

Các chuyên gia nhận định, Trung Quốc sẽ ngày càng đặt ra các hàng rào, yêu cầu cao, chặt chẽ, liên quan đến chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu... Điều này đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi tư duy thị trường, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị nông sản, đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, thời gian qua, phía Trung Quốc đã chuyển hình thức thương mại từ chỗ tổng hợp nhiều hình thức xuất nhập khẩu thành một hình thức duy nhất là xuất nhập khẩu chính ngạch (từ ngày 1-6-2019). Bên cạnh đó, phía bạn cũng có sự thay đổi cơ quan quản lý, các năm trước là nhiều cục vụ, năm nay chỉ dồn vào Tổng cục Hải quan. Nếu không nắm bắt, chuyển hóa kịp, ta sẽ lúng túng.

“Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trong đó, tập trung cho nông nghiệp, chấn hưng nông nghiệp. Chính vì lẽ đó, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của ta có kim ngạch XK giảm, gặp nhiều khó khăn, nếu không nhận dạng được những thay đổi này thì hiệu quả XK sẽ thấp” - ông Cường nói.

Xe chở nông sản Việt Nam chờ làm thủ tục xuất nhập cảnh qua biên giới tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Lam

Bàn giải pháp tăng trưởng XK nông sản sang thị trường Trung Quốc, tạo thị trường ổn định, từng bước giải quyết câu chuyện được mùa, mất giá của nông sản như đã diễn ra, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chú trọng sản xuất theo quy hoạch, căn cứ theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa tại Trung Quốc.

Tư duy XK nông thủy sản cũng phải thay đổi theo hướng giảm dần, tiến tới xóa bỏ thương mại tiểu ngạch; tập trung XK chính ngạch. Hướng làm này nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý, đồng thời, từng bước xây dựng được thương hiệu; nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; đáp ứng đầy đủ quy định về nhãn mác, truy xuất nguồn gốc của nông sản Việt. “Đặc biệt, việc dựa vào thương mại biên giới và giao dịch không ký kết hợp đồng cần phải được xóa bỏ và thay đổi, chuyển thành thương mại chính quy” - bà Oanh nêu rõ.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành phải vào cuộc kiểm soát độ an toàn của nông sản, bởi các doanh nghiệp không thể kiểm soát “từ A đến Z”. Khi Trung Quốc đang nâng cao kiểm soát về mặt chất lượng, doanh nghiệp cũng buộc phải thay đổi, tự tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Việc đó không chỉ đáp ứng được yêu cầu của thị trường Trung Quốc, mà còn có cơ hội tiếp cận với các thị trường khác.

Như Trần - Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tim-giai-phap-on-dinh-xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc/