Tìm giải pháp nâng cao xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới

Ngày 19/3, tại TPHCM, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường chủ trì cuộc họp với các đơn vị chức năng TPHCM bàn giải pháp nâng cao xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới.

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: T.H

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: T.H

Mục tiêu giảm 15 bậc xếp hạng

Tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho biết, World Bank đã thực hiện đo chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới từ năm 2011 đến nay. Định kỳ hàng năm, tổ chức này sẽ thực hiện đánh giá lại vào tháng 5 .

Chỉ số này đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước của một quốc gia, thông qua đó đánh giá hoạt động của Chính phủ đối với hoạt động XNK. Năm 2019 Việt Nam ở mức 100/190 nước, nền kinh tế (trước đó Việt Nam đứng ở mức 94 – trong nhóm ASEAN 4, nhưng sau đó lại bị tụt hạng).

Chính vì vậy, đầu năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02, trong đó xác định mục tiêu cụ thể về chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới. Xác định mục tiêu cho 3 năm (từ 2019-2021), phải giảm được 10-15 bậc. Trước mắt, năm 2019 phải giảm 3-5 bậc, phấn đấu đến năm 2021, Việt Nam đứng ở thứ hạng 85/190 về chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới.

“Để đạt được chỉ số này, đòi hỏi các cơ quan phải nghiên cứu và có giải pháp, kế hoạch hành động trong 3 năm. Đồng thời xử lý ngay những vấn đề liên quan cấp bách ngay từ nay đến tháng 5 năm 2019- thời điểm World Bank đánh giá”- Phó Tổng cục trưởng đặt vấn đề.

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho rằng, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan với vai trò chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức thực hiện. Mục tiêu, cải thiện được chỉ số Giao dịch thương mại biên giới. Trong đó, ngành Hải quan giảm tối đa thủ tục giấy tờ, thời gian thông quan hàng hóa XNK, giảm chi phí cho DN.

Đứng ở góc độ đơn vị thực thi, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng cho biết, Cục Hải quan TPHCM nhận diện vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác cắt giảm thủ tục, thời gian thông quan. Đơn vị đã soát để nhận diện các vướng mắc về thủ tục, chính sách để đề xuất giải pháp khắc phục. Hải quan TPHCM đang hướng đến mục tiêu giao dịch điện tử, tối ưu các giải pháp, giảm thời gian thông quan hàng hóa cho DN.

Chung tay tạo thuận lợi thương mại

Tham dự buối làm việc, đại diện một số cơ quan quản lý chuyên ngành, hiệp hội DN, DN kinh doanh kho, bãi, cảng, DN XNK… đều đồng tình, thống nhất cao trong việc chung tay tạo thuận lợi thương mại cho hoạt động XNK, nâng cao xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại quan biên giới.

Đưa ra giải pháp về sự phối hợp của đơn vị kinh doanh cảng, ông Nguyễn Năng Toàn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, đơn vị này thường xuyên phối hợp với Cục Hải quan TPHCM nói chung và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 nói riêng triển khai rất nhiều giải pháp, ứng dụng chương trình công nghệ thông tin để tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thông quan hàng hóa XNK của DN. Mới đây nhất, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và Cục Hải quan TPHCM đã thống nhất 9 nhóm giải pháp để thực hiện thông quan nhanh hàng hóa cho DN chấp hành tốt pháp luật hải quan nhập khẩu hàng hóa qua cảng Cát Lái…

Đại diện cho các đơn vị kiểm tra chuyên ngành, ông Mai Văn Sủng, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Đo lường Chất lượng 3 cho biết, hiện nay, theo Luật Đo lường, việc việc kiểm tra chất lượng hàng hóa được thực hiện phê duyệt theo mẫu. Khi nhập khẩu hàng hóa đúng mẫu được phê duyệt, DN không phải kiểm tra. “DN cần lưu ý khâu nghiên cứu pháp luật trước khi đưa hàng về để thực hiện cho đúng, bởi vì hiện nay không có kiểm tra chuyên ngành trong Luật Đo lường”- ông Sủng lưu ý DN.

Nêu giải pháp về cải thiện tình trạng ách tắc giao thông nội địa, ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển hàng hóa của DN, đại diện Sở Giao thông vận tải TPHCM chia sẻ, cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất đều có chung khó khăn đó là chỉ có duy nhất một lối đi vào 2 cảng này. Hiện tại, 2 cảng này chỉ khai thác các hạ tầng hiện có, còn các dự án vẫn đang triển khai. Hiện nay, điểm nghẽn vào cảng Cát Lái tại nút giao Mỹ Thủy (quận 2) đã được giải quyết, không còn tình trạng kẹt xe tại khu vực này.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho biết, các đơn vị có liên quan đến thông quan hàng hóa của DN đều có chung nhận định chỉ số Giao dịch thương mại biên giới tổng hợp phản ánh chất lượng phục vụ của cơ quan quản lý, DN dịch vụ đối với hoạt động XNK. Đây là uy tín quốc gia, nhưng cũng là uy tín của từng ngành, nhằm nâng cao trách nhiệm, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN.

Với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện cải thiện chỉ số Giao dịch thương mại, Tổng cục Hải quan ghi nhận các ý kiến phát biểu của các đơn vị, thực hiện ngay chương trình kế hoạch hành động để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

Về kế hoạch trước mắt, đối với Cục Hải quan TPHCM trong thời gian qua có nhiều cải tiến thực hiện hiệu quả việc tạo thuận lợi thương mại, tuy nhiên tiếp tục rà soát lại các mặt hàng XNK, trong đó quan tâm đến 2 nhóm hàng mà World Bank quan tâm đánh giá (mã HS 8708 và nhóm HS 85). Sau đó chọn danh mục các nhóm mặt hàng lớn số thu cao, nhất là các nhóm mặt hàng còn vướng về kiểm tra chuyên ngành để tháo gỡ. Thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ và tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ; củng cố công tác QLRR, trước mắt ưu tiên xử lý cho nhóm hàng nêu trên.

Cùng với đó, Cục Hải quan TPHCM thống kê các danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành còn chồng lấn, trùng lắp của các bộ, ngành để báo cáo, xử lý ngay. Phối hợp với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn bố trí hợp lý việc xếp dỡ hàng hóa phục vụ kiểm tra thực tế, kiểm tra chuyên ngành, nhằm rút ngắn thời gian kiểm tra cũng như thông quan hàng hóa nhập khẩu qua cảng Cát Lái…

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/tim-giai-phap-nang-cao-xep-hang-chi-so-giao-dich-thuong-mai-qua-bien-gioi-101347.html