Tìm giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Hôm qua, ngày 1-11, ngày làm việc thứ 10, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIV. Các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về các nội dung: Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn (Ðề án); Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; Việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

Ngày làm việc thứ 10, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XIV

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Ðắk Nông phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: DUY LINH

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Ðắk Nông phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: DUY LINH

Thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN phát triển

Phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận), Cao Thị Giang (Quảng Bình) và một số đại biểu khác đồng ý về sự cần thiết ban hành Ðề án nhằm chăm lo tốt hơn, hiệu quả hơn nữa cuộc sống và điều kiện sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS, MN) và vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, đồng thời phát huy được nội lực của đồng bào khu vực này trong xóa đói, giảm nghèo bền vững, tiếp tục vươn lên. Ðây là một đề án được xây dựng khoa học, thực tiễn, toàn diện và có tính khả thi. Tuy nhiên, để Ðề án có hiệu quả trong thực tế cuộc sống, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện các chính sách một cách kiên trì, bền bỉ với trách nhiệm cao trong thời gian dài, tránh hiện tượng đề ra nhưng triển khai không đến nơi, đến chốn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu những đặc thù trong cuộc sống, không gian sống của đồng bào DTTS, MN để có những chính sách phù hợp, thiết thực. Muốn phát triển bền vững đời sống của đồng bào, không chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà cần quan tâm bảo tồn, phát triển những đặc điểm văn hóa, nét đẹp trong đời sống tinh thần, để bà con được thật sự thoải mái trong không gian văn hóa của mình. Trong Ðề án, cần đặc biệt chú trọng các giải pháp hướng dẫn đồng bào DTTS chủ động, tự lực vươn lên thoát nghèo bằng các hình thức lao động, sản xuất phù hợp, giúp đồng bào tự làm ra sinh kế, tránh việc làm hộ, làm thay, qua đó khắc phục tình trạng ỷ lại Nhà nước của một bộ phận đồng bào hiện nay.

Một số ý kiến nêu rõ, hiện có 118 chính sách của Nhà nước đang có hiệu lực và đã phát huy tác dụng không nhỏ trong thực tế đời sống đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, đồng bào DTTS còn gặp rất nhiều khó khăn mặc dù chính sách hướng về đồng bào thì nhiều nhưng chồng chéo, thiếu nguồn vốn, dàn trải cho nên triển khai thực hiện hiệu quả không cao. Ðáng chú ý, có những chính sách chỉ tập trung việc hỗ trợ chứ không chú trọng những giải pháp nhằm giúp bà con chủ động, tự lực vươn lên; có chính sách được triển khai nhưng không phù hợp cuộc sống, phong tục của nhân dân, cho nên không được đón nhận, gây lãng phí…

Các đại biểu Y Khút Niê (Ðắk Lắk), Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) và một số đại biểu khác nhất trí với 11 chính sách lớn của Ðề án nhưng đề nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, qua đó lựa chọn chính xác những chính sách nào cần thực hiện trước, thực hiện ngay để đáp ứng kịp thời những khó khăn, nhu cầu chính đáng, cấp thiết của đồng bào. Bên cạnh đó, cần lựa chọn những chính sách nào sẽ thực hiện sau và những chính sách nào cần triển khai xuyên suốt, thường xuyên để bảo đảm nguồn lực ổn định cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực này. Các chính sách, nguồn lực cần được phân bổ theo điều kiện, đặc thù khác nhau của từng dân tộc, từng địa bàn để tránh cào bằng, nơi rất khó khăn thì được hỗ trợ ít, nơi có điều kiện hơn thì được quan tâm nhiều. Một trong những yếu tố quan trọng nhất của Ðề án là các chính sách cần hướng về việc "đánh thức" tinh thần cần cù lao động, sản xuất của đồng bào, trong đó chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình, trồng rừng, bảo vệ rừng… Ðồng thời, cần thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp đối với khu vực miền núi, tạo thêm sinh kế, việc làm cho bà con thông qua những dự án sản xuất, kinh doanh. Ðây là yếu tố quan trọng và để thực hiện tốt, các địa phương cũng như Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn.

Các đại biểu QH đã góp ý vào nhiều nội dung khác nhau của Ðề án. Có đại biểu nêu rõ: Trong thực tế, cùng với những khó khăn về tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, điều kiện sống thấp nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất… đồng bào DTTS, MN còn đang đối mặt với những vấn đề xã hội khiến cuộc sống còn nhiều hạn chế. Vì vậy, các chính sách của Ðề án cần có những nội dung đột phá chiến lược tham gia giải quyết những vấn đề xã hội trong cuộc sống của bà con, chú trọng hơn nữa về bình đẳng giới, giải quyết các hủ tục lạc hậu… Việc huy động nguồn lực để thực hiện Ðề án là rất quan trọng, tuy nhiên đây là nội dung chưa được đề cập rõ ràng, chưa được quan tâm thỏa đáng trong Ðề án. Vì vậy, các cơ quan xây dựng Ðề án cần quan tâm và thể hiện rõ hơn việc huy động các nguồn lực xã hội để triển khai hiệu quả các chính sách. Có đại biểu cho biết: Thực trạng sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh của bà con DTTS, MN còn nhiều hạn chế do việc tiếp cận các dịch vụ y tế, sức khỏe còn rất khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi Ðề án chưa đề cập cụ thể vấn đề này, vì vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực tế để có những chính sách giúp đồng bào có điều kiện được hưởng thụ các hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh… Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu hướng tới của Ðề án, như mức thu nhập, lao động qua đào tạo… đề ra là chưa sát với thực tế và chưa có cơ sở rõ ràng. Một số đại biểu băn khoăn nội dung này và đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát và xem xét để có chỉ tiêu phấn đấu hợp lý hơn, tránh thực trạng đề ra mục tiêu cao quá khả năng, không thực hiện được.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ðỗ Văn Chiến đã phát biểu ý kiến giải trình và trao đổi, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu QH nêu.

Tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế

Buổi chiều, QH thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo đó, đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết để thực hiện việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không có khả năng nộp NSNN. Về nguyên tắc xử lý nợ, nhiều đại biểu thống nhất việc xử lý nợ phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; công khai, minh bạch; tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế. Ðại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, phải có yếu tố loại trừ đối với những trường hợp được xóa nợ do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc tai nạn bất ngờ. Với những trường hợp này, nếu xóa trước đây đã là đúng rồi thì người dân, doanh nghiệp có khắc phục khó khăn, quay trở lại sản xuất, kinh doanh thì không nên truy lại khoản nợ đã xóa, tạo điều kiện khuyến khích các đối tượng này... Ðối với các trường hợp được dự kiến hưởng chính sách này, một số đại biểu còn bày tỏ băn khoăn với đối tượng là người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, không còn hoạt động tại điểm kinh doanh đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế. Các đại biểu cho rằng, trong nền kinh tế thị trường việc các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thay đổi địa chỉ kinh doanh, địa chỉ liên lạc là điều bình thường. Luật pháp của nước ta quy định rõ khi thay đổi địa chỉ liên lạc thì doanh nghiệp phải báo cáo với cơ quan đăng ký kinh doanh. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét lại nhóm đối tượng này và cần đề xuất giải pháp trong thời gian tới để có thể quản lý và tránh thất thu thuế từ nhóm đối tượng này.

Về điều khoản thi hành dự thảo Nghị quyết, theo đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) và một số đại biểu khác cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định "Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020 và được thực hiện trong thời hạn ba năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành". Tuy nhiên, không nên quy định Nghị quyết này thực hiện trong thời hạn ba năm mà nên đổi lại thành vô thời hạn, vì có quy định, trong quá trình thực hiện nếu phát hiện người được xóa thuế quay lại hoạt động hoặc bị xóa thuế không đúng thì phải thu lại.

Cũng trong buổi chiều, QH đã thảo luận về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Các đại biểu cho rằng, việc này là cần thiết, giúp giải quyết dứt điểm khoản dự toán đang "treo" thuộc NSNN trong các lĩnh vực này, giải tỏa áp lực cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên nước. Một số ý kiến đề nghị cần xác định nguyên nhân dẫn đến chậm ban hành Nghị định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và cấp tài nguyên nước và cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức trong việc chậm ban hành hai Nghị định này. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, việc cho lùi thời gian thực hiện quy định của pháp luật với lý do chậm ban hành Nghị định cũng sẽ tạo tiền lệ xấu trong việc thực thi pháp luật. Do đó, cần xem xét, đánh giá lại việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước ảnh hưởng thế nào đến việc thu NSNN.

Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu thêm đất để sản xuất và đây là vấn đề bức thiết, then chốt, quan trọng nhất, là tiền đề, nền tảng tất yếu để hoàn thành các mục tiêu Ðề án. Chính vì vậy, trong Ðề án cần xem xét bỏ từ "hỗ trợ", thay vào đó là "đầu tư giao đất không thu tiền". Ðồng thời, quy định không được sang nhượng, không quy hoạch, phê duyệt các dự án thu hồi đất của đồng bào khi chưa bố trí được đất tái định cư. Có cơ chế góp vốn, hưởng lợi bằng giá trị đất vào các doanh nghiệp để đồng bào không mất đất; kiên quyết thu hồi đất của các nông, lâm trường, các doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, các dự án chuyển đổi sai mục đích, "ôm" diện tích đất lớn chờ thời sang nhượng, trong khi nhiều hộ đồng bào thiếu đất là rất phản cảm, bất hợp lý.

Ðại biểu ÐINH DUY VƯỢT (Gia Lai)

Tôi đề nghị rà soát lại từng nhóm dự án, tránh trùng lắp, dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, làm phân tán nguồn lực, khó triển khai thực hiện, khó tổng kết, đánh giá, khó kiểm tra, giám sát, khó xác định trách nhiệm. Trong đề án đưa ra tám dự án. Qua nghiên cứu, tôi thấy các dự án này có sự đan xen, trùng lắp lẫn nhau. Ví dụ, trong dự án về phát triển kinh tế lâm nghiệp đã thấy có nhiều liên quan với nội dung hỗ trợ đất sản xuất của dự án khác; đồng thời, có đến hai, ba dự án khác nhau nhưng có sự trùng lắp về việc đầu tư nước sinh hoạt…

Ðại biểu PHAN THÁI BÌNH (Quảng Nam)

Ban soạn thảo cần đánh giá, bổ sung thêm một yếu tố rất quan trọng, đó là công tác bảo vệ, phát triển rừng, ứng phó biến đổi khí hậu, gắn với chính sách giảm nghèo bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Ðây là một yếu tố không thể thiếu trong việc tạo sinh kế cho đồng bào. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng bất hợp pháp diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trong khi, công tác quản lý rừng còn rất lỏng lẻo. Rừng bị tàn phá thì kéo theo hệ quả mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của người dân. Nhà nước cũng đã bỏ ra rất nhiều ngân sách để hỗ trợ khắc phục. Thực tế cho thấy, qua đợt mưa lũ, một số hộ dân vừa thoát nghèo hay cận nghèo đã trở lại là hộ nghèo.

Ðại biểu DƯƠNG TẤN QUÂN (Bà Rịa - Vũng Tàu)

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42109702-tim-giai-phap-nang-cao-chat-luong-cuoc-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-mien-nui.html