Tìm giải pháp lâu dài về vốn cho dự án BOT

Nhìn vào câu chuyện Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, có thể thấy một trong những khó khăn lớn nhất chính là đảm bảo các điều kiện đủ để giải ngân vốn vay của hợp đồng tín dụng.

Ngân hàng kiến nghị rất nhiều vấn đề cần phải được bảo đảm trước khi cho vay Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Song Lê

Ngân hàng kiến nghị rất nhiều vấn đề cần phải được bảo đảm trước khi cho vay Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Song Lê

Với các dự án BOT nói chung, việc để ngân hàng đồng ý giải ngân không phải vấn đề đơn giản và cần có cách tiếp cận mới để dự án đưa ra thực sự khả thi về tài chính, thu hút được ngân hàng cho vay mà không cần phải mất quá nhiều công sức xử lý tình huống như Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.

Từ sự lo ngại khi phương án tài chính thay đổi

Ngày 30/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp tháo gỡ vướng mắc cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ đưa ra những chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo Dự án cơ bản thông xe toàn tuyến vào năm 2020 và khánh thành vào năm 2021.

Một trong những nút thắt chưa được tháo gỡ dẫn đến cuộc họp ngày 30/7 là vấn đề vốn. Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) là ngân hàng đầu mối thu xếp vốn cho Dự án. Trước khi cơ cấu lại nhà đầu tư, vướng mắc lớn của Dự án là nhà đầu tư chưa đáp ứng đủ các điều kiện tiên quyết để giải ngân vốn vay của hợp đồng tín dụng. Đến trước cuộc họp ngày 30/7, sau nhiều thay đổi, nhiều nỗ lực, Ngân hàng vẫn chưa thể yên tâm cho vay.

Sau khi cơ cấu lại nhà đầu tư, chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Dự án được điều chỉnh, dự kiến tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên hơn 12 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 19,5% so với tổng mức đầu tư đã được các tổ chức tín dụng (TCTD) hợp vốn thẩm định.

Theo VietinBank, Ngân hàng đã nỗ lực trong công tác thu xếp nguồn tài trợ để bảo đảm Dự án hoàn thành đúng tiến độ như đã cam kết với Chính phủ. Tuy nhiên, Dự án chưa có đủ các văn bản pháp lý liên quan đến sự thay đổi về tổng mức đầu tư, mức phí, lưu lượng xe, thời gian thu phí… nên chưa có cơ sở để các TCTD đồng tài trợ đánh giá chính xác về hiệu quả và khả năng trả nợ của Dự án. Tổng mức đầu tư tăng và phương án tài chính thay đổi, nguồn thu từ trạm thu phí TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương không được bổ sung cho dòng tiền trả nợ của Dự án, thì Dự án không cân đối được dòng tiền trả nợ trong 5 năm đầu tiên đi vào vận hành.

Ngân hàng cần sự bảo đảm

Có lẽ đã qua thời ngân hàng phóng tay cho vay dự án BOT hay cho vay vì mệnh lệnh hành chính. Bối cảnh hiện nay buộc các ngân hàng phải rất thận trọng khi rót vốn.

Với Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, để bảo đảm sự thành công của Dự án cũng như khả năng trả nợ, các TCTD hợp vốn cho Dự án kiến nghị rất nhiều vấn đề cần phải được bảo đảm trước khi cho vay. Ví dụ, về phía nhà đầu tư phải bố trí đủ vốn chủ sở hữu và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cam kết hỗ trợ đủ vốn cho Dự án. UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bảo đảm cho hoạt động thu phí của các trạm thu phí thuộc Dự án không bị gián đoạn, bảo đảm cho lộ trình tăng phí như đã cam kết trong hợp đồng BOT đã và sẽ ký.

Đặc biệt, các TCTD hợp vốn nhấn mạnh, mọi sự thay đổi có thể làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của Dự án phải có sự thống nhất giữa các TCTD hợp vốn, doanh nghiệp dự án và UBND tỉnh Tiền Giang trước khi được ký kết. Trong trường hợp nguồn thu của Dự án không đạt được như phương án tài chính, UBND tỉnh Tiền Giang có những giải pháp tài chính/phi tài chính hỗ trợ cho DN nhằm bảo đảm khả năng trả nợ. UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT cam kết không đầu tư vốn để mở rộng, cải tạo các tuyến đường hiện hữu, thay đổi quy hoạch giao thông so với thời điểm thẩm định làm thay đổi phân lưu theo tính toán tại phương án tài chính đã ký kết.

Sự cẩn trọng của ngân hàng là cần thiết, bởi nguồn vốn cấp cho Dự án không nhỏ, rủi ro xảy ra cho Dự án, nhà đầu tư chịu một thì ngân hàng chịu ba.

Không chỉ dự án này, không chỉ VietinBank cần sự cam kết tuân thủ hợp đồng chặt chẽ của phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà rất nhiều ý kiến từ nhà đầu tư trong, ngoài nước, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển đều cho rằng, Chính phủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có sự bảo đảm rằng hợp đồng phải được tuân thủ dù chính sách pháp luật có thay đổi. Đặc biệt, trong bối cảnh các ngân hàng trong nước đã sắp chạm trần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, dự án BOT thời gian tới cần hướng tới nguồn vốn tín dụng nước ngoài. Muốn vậy, dự án cần có sự chia sẻ rủi ro hợp lý, nhiều ý kiến đề xuất nên có bảo lãnh của Chính phủ đối với một số rủi ro ngoài tầm kiểm soát như doanh thu tối thiểu, chuyển đổi ngoại tệ và cần được chế định trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang được xây dựng.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất nâng cao vai trò của bên cho vay đối với dự án BOT. Ông Phan Xuân Dương, Phó Giám đốc Công ty CP Năng lượng Vĩnh Tân 3 cho rằng, một số dự án BOT ngành điện chậm là do không có sự tham gia từ đầu của ngân hàng, ký hợp đồng rồi nhưng ngân hàng không đồng ý điều kiện như tại hợp đồng nên chậm giải ngân hoặc ách tắc.

Ông Trần Văn Thể, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cũng cho biết, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể việc tham gia của ngân hàng vào quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án, dẫn đến khi phê duyệt dự án rồi thì đàm phán với ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, lãi suất thấp hơn, thời gian hoàn vốn trong phương án tài chính rất dài nhưng quy định thời gian cho vay của ngân hàng ngắn dẫn đến áp lực trả nợ lớn. Luật PPP cần quy định ngay từ đầu có sự tham gia của tổ chức cho vay vào quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án để đảm bảo xây dựng được phương án tài chính khả thi.

Nguyệt Minh

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-tu/tim-giai-phap-lau-dai-ve-von-cho-du-an-bot-104890.html