Tìm giải pháp khai thác có hiệu quả nguồn dược liệu Tây Nguyên và Nam Trung Bộ

Là 2 vùng có nhiều điều kiện thuận lợi phù hợp cho sự phát triển của các cây dược liệu, trong đó, có nhiều loại cây dược liệu quý, hiếm, tuy nhiên, việc khai thác dược liệu tại Tây Nguyên và Nam Trung Bộ còn khá hạn chế, mang tính tự phát, nên hiệu quả mang lại chưa cao, một số loại cây dược liệu đối mặt với nguy cơ cạn kiệt.

Hội thảo với sự tham dự của hơn 300 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp trồng, kinh doanh dược liệu

Hội thảo với sự tham dự của hơn 300 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp trồng, kinh doanh dược liệu

Nhiều tiềm năng nhưng khai thác chưa hiệu quả

Ngày 21/6, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp với Bộ Y tế, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Khoa học & Công nghệ phục vụ phát triển dược liệu khu vực Tây Nguyên & Nam Trung Bộ”.

Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là 2 vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển dược liệu với diện tích lớn, địa hình đa dạng, khí hậu, đất đai thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây dược liệu, thuận lợi hình thành vùng dược liệu trọng điểm. Đây cũng là nơi có hơn 50 dân tộc khác nhau sinh sống, có nhiều kinh nghiệm trong sử dụng các loài cây cỏ làm thuốc.

Theo khảo sát, tại Tây Nguyên có tới 1.657 loài cây thuốc và trên 1000 loài được ghi nhận ở vùng Nam Trung Bộ. Trong số đó, có nhiều loại cây dược liệu có giá trị làm thuốc, nhiều loài đã trở thành những loài đặc trưng có thế mạnh của vùng như Sâm Ngọc linh, Đảng sâm, Ngũ vị tử,, Bách bệnh, Quế, Lan kim tuyến, Sa nhân, Thiên niên kiện, Nấm lim xanh …ở vùng Tây Nguyên; Bách bệnh, Sa nhân tím, Rau đắng biển, Mạn kinh, Thiên niên kiện, Xáo tam phân, Cam thảo đá bia, Sâm phú yên, …(vùng Nam Trung Bộ).

Trồng cây dược liệu có giá trị cao hơn và gấp 3 – 4 lần các cây trồng khác, vì vậy, một số địa phương đã chú trọng và quy hoạch phát triển vùng dược liệu để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, mặc dù cây dược liệu có giá trị cao và đã được nhìn nhận quan tâm, tuy nhiên, thực tiễn phát triển trong thời gian qua cho thấy, ngành dược liệu của Vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tạo ra chưa nhiều. Nhiều loại dược liệu quý chưa được quy hoạch, phát triển chuỗi giá trị dẫn đến hiệu quả thấp, có nguy cơ cạn kiệt. Bên cạnh đó, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển dược liệu còn hạn chế; chưa có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu; chưa có sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu; công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu dược liệu của các tỉnh trong Vùng còn yếu kém.

Còn theo Ths. Đinh Văn Phê – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, nguồn dược liệu tự nhiên đang ngày một cạn kiệt, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cây dược liệu trồng đang bị thu hẹp hoặc phát triển một cách tự phát mất cân đối. Sự giảm sút nguồn dược liệu có nhiều nguyên nhân như: sự khai thác tràn lan, trình độ nhận thức con người còn hạn chế…

Khai thác, bảo vệ nguồn cây dược liệu đang là vấn đề cấp bách được đặt lên hàng đầu...Hơn nữa, phát triển dược liệu trong giai đoạn tới cũng mở ra cơ hội rất lớn cho việc giao thương, tham gia thị trường quốc tế về dược liệu và dược phẩm có nguồn gốc tự nhiên

Các đại biểu tham quan các sản phẩm từ dược liệu

Giải pháp nào cho việc bảo tồn, khai thác có hiệu quả nguồn dược liệu

Trong những năm gần đây, các địa phương trong vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đã có nhiều quan tâm, chú trọng đến công tác phát triển dược liệu. Nhiều tỉnh đã triển khai, thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu, đánh giá tiềm năng, lợi thế của địa phương, xây dựng quy hoạch, chương trình, thông qua nghị quyết về phát triển dược liệu để phát triển kinh tế địa phương.

Đảng và Nhà nước cũng dành sự quan tâm đến công tác phát triển dược liệu và đã xác định tầm quan trọng của dược liệu trong việc chăm lo, nâng cao sức khỏe nhân dân gắn liền với các văn bản cụ thể về công tác phát triển dược liệu. Riêng tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, nhiều chương trình dự án về dược liệu đã được triển khai như Chương trình Tây Nguyên, Chương trình sản phẩm quốc gia Sâm ngọc linh, Chương trình Quỹ gen, Chương trình Nông thôn mới…

Một số địa phương trong vùng đã xác định được một số dược liệu có thế mạnh của vùng như Sâm ngọc linh (Sâm Việt Nam), Đảng sâm, Ngũ vị tử Ngọc Linh, Nghệ… để đầu tư trong chọn tạo, sản xuất giống và bước đầu hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Nhiều mô hình sản xuất dược liệu theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã được triển khai, hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao trong đó có phát triển cây dược liệu. Các doanh nghiệp trong vùng đã tạo được một số sản phẩm chất lượng cao từ các dược liệu của vùng để đáp ứng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Theo các đại biểu, cần phải xây dựng được cơ chế dành cho việc phát triển dược liệu của địa phương. Trong đó, chú trọng đến việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển các vùng dược liệu.

Theo GS.TS Phạm Gia Khánh, nguồn dược liệu tại khu vực Tây Nguyên & Nam Trung Bộ rất phong phú. Tuy nhiên, nếu xét về tính quý, hiếm thì không quá nhiều. Bên cạnh đó, một số dược liệu bị khai thác nhiều mà không chú ý đến tái sinh đã bị cạn kiệt và được đưa vào danh sách được bảo tồn. Vì vậy, cần triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển trồng nhằm bảo tồn các nguồn gen qui, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng; góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, cần coi khoa học & công nghệ là giải pháp then chốt để nâng cao giá trị gia tăng của dược liệu. Cụ thể, hỗ trợ chuyển giao xây dựng mô hình sản xuất và mô hình liên kết chuỗi giá trị dược liệu; Thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN nhằm tạo động lực cho người tiếp nhận và chuyển giao công nghệ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách trong chuyển giao công nghệ nhằm mang lại hiệu quả cao hơn; Hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa sản xuất áp dụng công nghệ cao từ các dược liệu phát triển tại vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; Khuyến khích, hỗ trợ liên kết vùng để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, theo dòng sản phẩm nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương, tạo ra các sản phẩm đa dạng, đồng bộ từ dược liệu của vùng.

Ngoài ra, cần có chính sách về vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xác định phát triển dược liệu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là một bộ phận không tách rời so với cả nước để cùng liên kết và phát triển.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tim-giai-phap-khai-thac-co-hieu-qua-nguon-duoc-lieu-tay-nguyen-va-nam-trung-bo-121361.html