Tìm giải pháp giúp các nước đang phát triển vượt qua đại dịch

Theo đại diện IMF- WB, để thúc đẩy tăng trưởng bên cạnh việc tiếp tục các chính sách thúc đẩy kinh tế, các quốc gia đang phát triển cũng cần phải được gia hạn thời gian thanh toán nợ song phương.

Trong bối cảnh có những dấu hiệu khả quan về nền kinh tế toàn cầu, việc các nước nghèo hoặc đang phát triển đang bị lùi lại phía sau do tác động của đại dịch Covid-19 có thể khiến triển vọng kinh tế toàn cầu khó sớm phục hồi về mức trước đại dịch. Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới đang diễn ra tiếp tục thảo luận các biện pháp, giúp các quốc gia này “ đuổi kịp” trong cuộc đua kinh tế hậu đại dịch.

Năm 2020 được đánh giá là một trong những năm khó khăn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại do những tác động về sức khỏe, kinh tế và xã hội từ cuộc khủng hoảng Covid-19. Dần dần thoát khỏi bóng đen của dịch bệnh với kế hoạch tiêm vaccine, nhưng sự phục hồi này đang không đồng đều giữa các quốc gia ở quy mô toàn cầu cũng như giữa các tầng lớp trong một xã hội.

Cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 tạo ra cũng là cơ hội để các quốc gia chuyển hướng sang một nền kinh tế xanh, bền vững và tạo nhiều việc làm. (Ảnh minh họa: KT)

Cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 tạo ra cũng là cơ hội để các quốc gia chuyển hướng sang một nền kinh tế xanh, bền vững và tạo nhiều việc làm. (Ảnh minh họa: KT)

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết, người nghèo và những nhóm người yếu thế bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Mỹ. “Sự phục hồi vẫn còn mong manh và không chắc chắn. Gánh nặng sẽ rơi vào nhóm những người có thu nhập thấp. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao và đảm bảo sự phục hồi đồng đều là vấn đề chúng ta cần giải quyết”.

Cảnh báo rằng sự phục hồi từ cuộc khủng hoảng đại dịch vẫn chưa kết thúc, Quỹ tiền tệ quốc tế hôm qua kêu gọi các nước tiếp tục chính sách kích thích kinh tế và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nếu các nước không tiếp tục các gói kích thích kinh tế và nguồn tài chính bổ sung từ cả Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới, các quốc gia đang phát triển và người nghèo ở nhiều nước có thể phải vật lộn để phục hồi sau suy thoái do Covid-19 gây ra.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh: “Các ngân hàng trung ương đã đưa ra các gói kích thích hàng nghìn tỷ USD để điều chỉnh và hỗ trợ nền kinh tế. Điều đó giúp đối phó phần nào tác động của dịch bệnh. Điều này nên được tiếp tục cho đến khi chúng ta có một lối thoát lâu dài cho cuộc khủng hoảng. Việc rút các khoản hỗ trợ sớm có thể làm giảm sự phục hồi và khiến tất cả những lợi ích mà chúng ta đã xây dựng, đặt nền móng, có khả năng bị mất đi”.

Bên cạnh việc tiếp tục các chính sách thúc đẩy kinh tế, các quốc gia đang phát triển cũng cần phải được gia hạn thời gian thanh toán nợ song phương. Việc giảm nợ thực tế sẽ là cần thiết trong dài hạn để cho phép các nước nghèo nhất giảm gánh nặng nợ không bền vững của họ xuống mức vừa phải hơn. Những nền kinh tế lớn cũng cần cung cấp những khoản hỗ trợ tài chính mới với quy mô lớn nhằm đảm bảo sự phục hồi mạnh mẽ thay vì rút các khoản hỗ trợ quá sớm.

Ngoài các biện pháp kích thích kinh tế, vaccine hiện là chính sách kinh tế hiệu quả nhất. Các quan chức một lần nữa nhấn mạnh rằng việc chấm dứt cuộc khủng hoảng sức khỏe vẫn là trọng tâm của sự phục hồi kinh tế. Vì vậy cần có sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ để đẩy nhanh quá trình sản xuất vắc xin và hỗ trợ phân phối hợp lý và công bằng cho tất cả mọi người.

Cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 tạo ra cũng là cơ hội để các quốc gia chuyển hướng sang một nền kinh tế xanh, bền vững và tạo nhiều việc làm. Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới cũng vừa công bố kế hoạch tăng cường tập trung vào đầu tư xanh và các khía cạnh thân thiện với môi trường trong các chương trình cho vay của mình./.

Phạm Hà/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/tim-giai-phap-giup-cac-nuoc-dang-phat-trien-vuot-qua-dai-dich-849243.vov