Tìm giải pháp giải quyết triệt để tình trạng di cư tự do

Sáng 9-12, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên. Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị.

Dự hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ, Tây Bắc và Tây Nguyên cùng hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các tập đoàn, các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn các tỉnh liên quan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định: Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đời sống người dân DCTD. Trong những năm qua, tình trạng dân DCTD có giảm, nhưng nhiều hộ dân DCTD vẫn chưa được ổn định ở nơi ở mới. Hiện Chính phủ mới thu xếp được hơn 5.000 tỷ đồng trên tổng số nhu cầu hơn 23.000 tỷ đồng cho các dự án bố trí, ổn định dân DCTD. Phó thủ tướng đã đề nghị các đại biểu thảo luận về các giải pháp: ổn định chỗ ở, hộ khẩu, an sinh xã hội… cho dân DCTD.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc hội nghị

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường báo cáo tại hội nghị: Tổng số dân di cư trên địa bàn cả nước giai đoạn 2005-2017 gần 67.000 hộ, trong đó Tây Bắc hơn 5.800 hộ, Tây Nguyên gần 59.000 hộ và Tây Nam bộ hơn 2.000 hộ. Đến hết năm 2017, tổng số hộ dân DCTD được hỗ trợ, bố trí sắp xếp chỗ ở ổn định là hơn 42.000, còn hơn 24.500 hộ cần phải sắp xếp, bố trí chỗ chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên.

Theo ông Cường, việc dân DCTD để lại nhiều hệ lụy không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Tình trạng này dẫn đến nạn chặt phá rừng khắp nơi để lấy đất làm nương rẫy, diện tích rừng tự nhiên vì vậy ngày một thu hẹp. Việc di dân tự do cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, trong đó nổi lên tình trạng tranh chấp đất giữa người dân DCTD với các nông, lâm trường.

“Cá biệt có trường hợp sử dụng vũ khí để bắt giữ người, giải quyết mâu thuẫn trong tranh chấp, gây bất ổn về tình hình an ninh, trật tự, đảm bảo an ninh quốc phòng. Có nơi còn xuất hiện các băng nhóm bảo kê để tranh giành đất đai với người dân khác, các nông lâm trường để bán lại cho người dân cần đất”, ông Cường nhấn mạnh.

Về tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến nay, đã rà soát 122 công ty, trong đó, giữ lại 108 công ty, còn lại là giải thể và bàn giao về địa phương.

Diện tích đất sau khi rà soát, sắp xếp lại của 108 công ty nông, lâm nghiệp giữ lại là 935.120 ha. Diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường đang bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp là khoảng 199.288ha (chiếm 7,3% tổng diện tích đang quản lý, sử dụng); phần diện tích các nông, lâm trường đã giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư khoảng 107.607ha (chiếm 3,9% tổng diện tích đang quản lý, sử dụng).

Theo ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vẫn còn bất cập, hạn chế cần giải quyết như hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường còn kém hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, lấn chiếm đất đai, nguy cơ rừng và đất rừng tiếp tục bị tàn phá.

“Phần diện tích đất đang bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp phổ biến dưới nhiều hình thức. Trong đó chủ yếu là giữa các hộ dân nhận khoán vườn cây với các nông, lâm trường (bao gồm cả việc không tuân thủ thực hiện hợp đồng giao khoán); các hộ dân đòi lại đất Nhà nước đã giao cho các nông, lâm trường và đòi lại đất khi đã hết thời gian nhận khoán hoặc hết chu kỳ kinh doanh theo hợp đồng đối với đất người dân đưa vào nông, lâm trường trước đây…”, ông Hà cho hay.

Ông Hà nhấn mạnh: Cần thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất đại tại các doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh và các đơn vị được giao quản lý đất (UBND cấp xã và Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất) trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên để phát hiện sai phạm xử lý, chấn chỉnh nghiêm túc.

Về tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự và quản lý cư trú đối với người dân di cư tự do trên địa bàn Tây Nguyên, Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho rằng, tình hình an ninh xã hội, nhất là vấn đề xung đột, tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên rất đáng lo ngại, ngày càng gay gắt, có xu hướng chuyển từ tranh chấp đất đai thành mâu thuẫn, đối lập với chính quyền. Bên cạnh đó, tình hình di cư tự do diễn ra nhiều, gây khó khăn cho công tác quản lý về cư trú, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị

Từ những thực tế trên, Thứ trưởng Nguyễn văn Sơn kiến nghị: Cần ban hành văn bản thay thế Chỉ thị số 39/2004/CT-TTg ngày 12-11-2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục giải quyết tình trạng dân di cư tự do để chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh giải quyết tình trạng dân di cư tự do cho phù hợp với các yêu cầu trong tình hình mới. Chỉ đạo các cơ quan có chức năng nghiên cứu, khảo sát, xác định những khu dân cư di cư tự do đã sống ổn định mà không ảnh hưởng đến việc quản lý và bảo vệ rừng, không làm mất thêm diện tích rừng, gây nguy hại cho môi trường rừng, thì kiến nghị Thủ tướng chuyển diện tích rừng phòng hộ sang rừng sản xuất để xây dựng dự án ổn định dân di cư tự do, cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào; nếu đánh giá có tác động, ảnh hưởng đến môi trường rừng thì lập quy hoạch dự án ở địa điểm mới để di chuyển dân đến và hỗ trợ ổn định cuộc sống.

Phát biểu chỉ đạo và kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong việc sắp xếp, ổn định tình hình dân di cư tự do trong thời gian qua.

Thủ tướng cho rằng, đến nay vẫn còn hơn 20.000 hộ dân, hơn 100.000 khẩu chưa có chỗ ở ổn định là điều cần phải suy nghĩ. Các địa phương đã có nhiều cố gắng nhưng cũng còn nhiều tồn tại trong công tác ngăn chặn di dân tự do, công tác tuyên truyền chưa tốt cả nơi đến lẫn nơi đi. Việc bố trí ngân sách cho các dự án ổn định dân di cư tự do chưa kịp thời, chưa đầy đủ khiến nhiều dự án dở dang.

Nguyên nhân là do công tác đo vẽ chưa chính xác khiến diện tích đất rừng bị thu hẹp do bị lấn chiếm nhưng công tác xử lý lại chưa quyết liệt, triệt để. Tới đây các địa phương, phối hợp với các bộ ngành phải giải quyết dứt điểm việc này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình trạng dân DCTD đã để lại nhiều hệ lụy mà rõ nhất là nạn phá rừng, lấn chiếm đất làm nương rẫy, xảy ra các vụ tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Vì vậy, quan điểm “giữ dân và ổn định dân tại chỗ” là quan điểm nhất quán, là nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài cần phải triệt để thực hiện. Đối với hơn 24.500 hộ dân DCTD chưa có chỗ ở cần phải sớm được ổn định, tránh phát sinh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị

Hội nghị lắng nghe chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng yêu cầu, từ nay đến năm 2020 phải giảm tình trạng di dân tự do, hoàn thành dứt điểm 32 dự án ổn định dân di cư tự do kéo dài nhiều năm. Ngoài ra, các địa phương tổ chức đạo tạo nghề để người dân di cư đến phải có đời sống ngang bằng với dân cư tại chỗ. Ngoài mức sống, đời sống tinh thần, văn hóa của các khu dân cư này cũng phải được quan tâm.

“Đến năm 2025 phải ngăn chặn hoàn toàn di dân tự do, hoàn thành dứt điểm các dự án ổn định dân di cư tự do. Muốn vậy, các tỉnh phía Bắc phải được nâng cao để yên tâm ở lại, các tỉnh Tây Nguyên phải ổn định người dân đã đến”, Thủ tướng chỉ đạo.

Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương: Từ 2019 - 2025, phải hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân DCTD, thực hiện việc cấp đất ở, đất sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và nguồn ngân sách Trung ương. Hoàn thành 32 dự án ổn định dân di cư tự do còn lại, rà soát, hoàn thiện bổ sung các dư án khác để đưa vào kế hoạch bố trí vốn trung hạn.

Đối với đất nông lâm trường phải xác lập “đất có chủ”, không để tình trạng thiếu rõ ràng về ranh giới, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện, tức phải đo đạc để lập hồ sơ quản lý. Bên cạnh đó, các chính sách lạc hậu cần được bãi bỏ, ví như chỉ thị 39 từ 2004 đã không còn hợp lý. Các chính sách không thể là rào cản để giải quyết ổn định dân cư, quản lý đất đai nông lâm trường, sự phát triển đất nước…

Vinh Nghĩa

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tim-giai-phap-giai-quyet-triet-de-tinh-trang-di-cu-tu-do/792761.antd