Tìm giải pháp để sách lý luận - chính trị thu hút người đọc

Qua khảo sát về nhu cầu xuất bản và văn hóa đọc về thể loại sách lý luận – chính trị trên địa bàn TP HCM, đại diện các nhà xuất bản (NXB), đơn vị phát hành sách đã chỉ ra nhiều bất cập, vướng mắc quanh công tác này.

Mô hình Đường sách TP HCM được trung ương lấy kinh nghiệm trong thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW.

Mô hình Đường sách TP HCM được trung ương lấy kinh nghiệm trong thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW.

Sách lý luận – chính trị nằm trong định hướng về công tác tư tưởng văn hóa chính trị, được Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo bằng Chỉ thị số 20-CT/TW về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới. Qua 15 năm triển khai, nhiều NXB, mà đứng đầu là NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, cùng các NXB Trẻ, NXB Tổng hợp, NXB Văn hóa - Văn nghệ,… đã nỗ lực đổi mới về nội dung, hình thức thể loại sách lý luận – chính trị để thu hút sự quan tâm của người đọc. Một khó khăn chung được nhiều NXB thừa nhận trong công tác này, chính là việc thể loại sách lý luận – chính trị vốn dĩ lâu nay đã rất kén người đọc. Đa số đối tượng bạn đọc là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và sinh viên chuyên ngành triết học, chính trị học, tư tưởng Hồ Chí Minh... Do lượng phát hành bán ra chậm, dẫn đến một số NXB không thực sự mặn mà trong thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư.

Đánh giá về công tác này trên địa bàn TP HCM, ông Dương Thế Trung – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM nhìn nhận, hàng năm, Thành ủy TP đều đặt hàng đối với các NXB để xuất bản các sách về lý luận – chính trị. Riêng giai đoạn 2017 – 2018, TP HCM đã đặt hàng trực tiếp đối với 3 NXB Trẻ, Văn hóa – Văn nghệ và Tổng hợp, với định hướng thực hiện hơn 1.000 đầu sách lý luận chính trị, với hơn 1.970.000 bản in. Cũng theo ông Trung, các sách lý luận – chính trị sau khi được xuất bản đã được đưa về hệ thống các thư viện của thành phố, với bình quân 11-15% tổng số đầu sách. Song song đó, 50-60% sách lý luận – chính trị được đưa về các Tủ sách Lý luận chính trị và Tủ sách Pháp luật ở các phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố.

Mặc dù vậy, chính ông Trung cũng nhìn nhận rằng, hiệu quả thực sự trong việc thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư, phải nhìn từ góc độ nhu cầu của người đọc, từ đó mới tìm được giải pháp cho việc xuất bản sách lý luận – chính trị. Chính từ nhu cầu đó, nhiều năm gần đây Thành ủy TP HCM đã nỗ lực để triển khai sử dụng thư viện điện tử trên hệ thống thư viện toàn địa bàn thành phố, để mở ra thêm các kênh tiếp cận cho người đọc.

Đánh giá về các bất cập, khó khăn ở cấp độ quản lý, bà Võ Thị Dung- Phó Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng, bất cập đã nảy sinh từ việc truyền thông, quảng bá cho mảng sách lý luận – chính trị còn hời hợt, cũng như chưa có sự kết nối với cơ sở. Do đó, mặc dù TP HCM rất quan tâm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư nhưng tỷ lệ sách lý luận, chính trị trong cơ cấu chung vẫn chưa nhiều. Cũng theo bà Dung, thời gian qua lãnh đạo thành phố đã đề xuất Ban Bí thư chỉ đạo việc đánh giá thực hiện chỉ thị này trong thời gian qua để có chủ trương phát triển văn hóa đọc phù hợp tình hình mới. Đồng thời, Trung ương đánh giá và có định hướng kịp thời đối với lĩnh vực xuất bản sách lý luận - chính trị.

Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/tim-giai-phap-de-sach-ly-luan-chinh-tri-thu-hut-nguoi-doc-tintuc438715